TPHCM: Không để “đầu nậu” tung tin làm giá đất ảo

(ĐTTCO) - Đó là chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến tại cuộc họp với các sở ngành, quận huyện sau hơn 3 tháng Quyết định 60/2017 của UBND TPHCM quy định về diện tích tối thiểu được tách thửa có hiệu lực vào ngày 10-4. 
TPHCM: Không để “đầu nậu” tung tin làm giá đất ảo
Theo Phó Chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến, thời gian qua có hiện tượng nhiều đối tượng "tiếp tay" để tăng giá đất ảo giống như một hình thức đa cấp. Bằng nhiều hình thức tác động, các đối tượng đã đưa ra những thông tin sai lệch, không đúng làm giá đất tăng ảo. Cuối cùng giá thực như thế nào không ai biết. Do đó ông Tuyến yêu cầu quận - huyện phải lưu ý, đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, nhắc nhở để người dân không bị kẻ xấu lợi dụng, đồng thời quản lý chặt chẽ, đặc biệt là cán bộ trong bộ máy quận huyện.
“Khi người dân muốn mua bán đất đều có sự liên hệ với chính quyền bằng nhiều hình thức. Có thể là do quen biết hoặc qua con đường chính thức để coi khu vực này sắp tới có mở đường hay không, có dự án gì không. Nếu cán bộ nói chính xác thì không sao, nhưng nếu cán bộ "có lợi ích cá nhân" ở đây thì rõ ràng tạo ra thông tin sai lệch. Người dân đổ xô đi mua làm tăng giá đất ảo" - ông Tuyến nêu.
Quyết định 60 có hiệu lực từ ngày 1-1-2018, theo đó tùy theo trách nhiệm, lĩnh vực của từng sở ngành, quận huyện hay các đơn vị liên quan phải ban hành hướng dẫn để triển khai quyết định định này. Tuy nhiên, cho đến nay mới có 6 quận, huyện ban hành kế hoạch triển khai thực hiện, một số đơn vị, sở ngành cũng chưa có văn bản hướng dẫn. Chính sự chậm trễ này khiến một số quận huyện còn lúng túng khi tiếp nhận, giải quyết hồ sơ cho người dân. 
Tuy nhiên, đại diện UBND huyện Củ Chi nêu vấn đề: Có những trường hợp hồ sơ xin tách thửa của người dân khi kiểm tra tất cả điều kiện đều đảm bảo quy hoạch, giao thông, diện tích tối thiểu. Nhưng họ xin tách thửa cùng lúc 10 nền đất, có giải quyết không?
Hay theo Quyết định 60, đất phù hợp với quy hoạch mới được xem xét tách thửa, nhưng trên thực tế có những thửa đất là đất nông nghiệp, nhưng hiện nay chưa có quy hoạch về sản xuất nông nghiệp không thể tách thửa, như vậy có hợp lý? Một số ý kiến cũng băn khoăn việc cập nhật tài sản trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, khi cấp phép xây dựng tạm sẽ giải quyết như thế nào?
Ông Huỳnh Văn Hạnh, Giám đốc Sở Tư pháp cho rằng các hướng dẫn thực hiện Quyết định 60 về tách thửa hiện nay khá nhiều (Sở QH-KT hướng dẫn về điều kiện hạ tầng, nghiệm thu hệ thống hạ tầng; Sở Xây dựng hướng dẫn cấp phép xây dựng; TCT Điện lực hướng dẫn cấp điện...).  
Do đó nên tập trung về một đầu mối sẽ thuận tiện hơn cho người dân và cơ quan quản lý. Tuy nhiên, cũng đừng quá cứng nhắc trong việc phân biệt việc tách thửa để ở hay để bán. Nếu các yếu tố về mặt kỹ thuật, quy hoạch đảm bảo theo quy định thì nên giải quyết.
 Chúng ta cần  tôn trọng thị trường, nhưng phải đúng thực tế chứ không để cho những thông tin ảo đẩy giá tăng rồi trục lợi. Hậu quả cuối cùng là người dân, chính quyền  lãnh đủ, đối tượng đầu cơ, cò mồi không bao giờ bị thua thiệt. 
Ông TRẦN VĨNH TUYẾN, 
Phó Chủ tịch UBND TPHCM
Để quyết định này đi vào đời sống, đảm bảo cho cơ quan nhà nước thực hiện việc tách thửa đúng quy định, Phó Chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến cho rằng các quận huyện, sở ngành cần tiếp tục hoàn chỉnh các phần việc của mình. Theo đó, các cơ quan có liên quan rà soát quy hoạch, chi tiết xây dựng đã được phê duyệt, xác định và công bố quy hoạch đất dân cư hiện hữu hoặc dân cư hiện hữu chỉnh trang để làm cơ sở tách thửa.
Rà soát quy hoạch chi tiết điểm dân cư nông thôn để phê duyệt và công bố, làm cơ sở giải quyết tách thửa với trường hợp thửa đất thuộc quy hoạch đất ở xây dựng mới, đất sử dụng hỗn hợp. Các ban ngành chức năng phối hợp với UBND quận huyện rà soát đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng được duyệt, căn cứ quy định của Luật Quy hoạch để xem xét điều chỉnh, công bố theo quy định; thực hiện việc kiểm tra định kỳ các trường hợp tách thửa có hình thành đường giao thông, đảm bảo kết nối đồng bộ  và phù hợp với quy hoạch.
UBND TP cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn xác định trường hợp tách thửa phải lập báo cáo kinh tế kỹ thuật hoặc lập dự án đầu tư để thực hiện đầu tư dự án theo quy định của Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS, thẩm quyền giải quyết…
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến, việc tiếp thu phản ánh của các quận huyện, sở ngành sau hơn 3 tháng Quyết định 60 có hiệu lực để tiếp tục hoàn chỉnh quy định là điều cần thiết. Quá trình giải quyết tách thửa UBND TP đòi hỏi các quận huyện phải chủ động, công khai minh bạch để tránh tình trạng nhũng nhiễu, gây khó khăn cho người dân.
Việc tách thửa là tạo điều kiện cho người dân nhưng cũng không được để đầu nậu lợi dụng trục lợi. Tinh thần là các sở hướng dẫn cụ thể, giao quyền chủ động cho các quận huyện giải quyết, thấy đúng thì chủ động giải quyết và chịu tách nhiệm trước UBND TP. Trong quá trình giải quyết hồ sơ, nếu quận huyện có yêu cầu, tùy trách nhiệm từng sở ngành trong vòng 7 ngày phải cử cán bộ xuống giải quyết. Các sở ngành, đơn vị chưa có hướng dẫn phải hoàn thành trước ngày 20-4. 
 Thanh tra việc đất nông nghiệp Phú Quốc
Theo đó, thời gian qua tình trạng vi phạm trong quản lý, sử dụng đất nông nghiệp trên địa bàn huyện Phú Quốc diễn ra phức tạp. Việc chuyển nhượng, san lấp, phân lô, xây dựng hạ tầng và nhà ở trên đất nông nghiệp dẫn đến nguy cơ phá vỡ quy hoạch nhưng chưa được ngăn chặn, xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật. 
Phó Thủ tướng giao Thanh tra Chính phủ bổ sung thanh tra việc quản lý, sử dụng đất nông nghiệp trên địa bàn huyện Phú Quốc vào kế hoạch tiến hành thanh tra của đoàn thanh tra theo Quyết định 106 ngày 28-3, của Tổng Thanh tra Chính phủ.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý Thanh tra Chính phủ cần tập trung làm rõ trách nhiệm quản lý đất đai; việc san lấp, phân lô, xây dựng hạ tầng và nhà ở trên đất nông nghiệp; giải quyết tách thửa và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các thửa đất nông nghiệp được tách. UBND tỉnh Kiên Giang được yêu cầu kiểm tra và xử lý các công trình vi phạm trên đất nông nghiệp tại Phú Quốc theo đúng quy định của pháp luật, báo cáo kết quả lên Thủ tướng trước ngày 1-7-2018.
M.T
 Đồng Nai kiểm tra tình trạng phân lô bán nền đất nông nghiệp
Ngày 11.4, Phó giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Đồng Nai Nguyễn Ngọc Thường, cho biết thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Tài nguyên - Môi trường vừa thành lập tổ công tác kiểm tra tình trạng phân lô bán nền đất nông nghiệp. 
Tổ công tác gồm người của Thanh tra Sở và Chi cục Quản lý đất đai, sẽ tiến hành kiểm tra tình trạng phân lô, bán nền đất nông nghiệp trên toàn tỉnh, trong đó tập trung vào các địa bàn nóng như Nhơn Trạch, Long Thành, TP.Biên Hòa… Theo ông Thường, việc kiểm tra dự kiến hoàn thành trong tháng 4, đầu tháng 5 sẽ có báo cáo gửi UBND tỉnh.
T.N

Các tin khác