Tái khởi động tạo quỹ “đất vàng” ven sông Sài Gòn

(ĐTTCO) - Quy hoạch, đầu tư hạ tầng ven sông Sài Gòn nhằm tạo quỹ đất sạch để thu hút đầu tư, từng được doanh nghiệp, chuyên gia gợi ý. Mới đây, vấn đề này được UBND TPHCM giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc (QH-KT) trong năm 2022 hoàn thành đề án quy hoạch chung phát triển kinh tế dịch vụ dọc sông Sài Gòn. Ý tưởng “Đại lộ” ven sông Sài Gòn từ quận 1 đến huyện Củ Chi lại được dư luận quan tâm.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Nguồn tài nguyên quý giá
Với việc sông ngòi đan xen khá nhiều trong lòng đô thị, đã tạo cho TPHCM đặc thù độc đáo ít đô thị nào trên thế giới có được. Đặc biệt, sông Sài Gòn đi qua nhiều quận huyện, là hệ thống giao thông thủy quan trọng không chỉ của TPHCM mà của cả nước. Dòng sông còn là điểm nhấn đặc sắc, độc đáo của TP, góp phần tạo nên cảnh quan rất đặc thù. 
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM, nhận định đây là tài sản, nguồn tài nguyên quý giá và là nguồn lực giúp phát triển kinh tế - xã hội, thu hút khách du lịch trong nước, quốc tế đến TP, làm cho TP đẹp và lung linh hơn.
Nhưng nhiều năm qua, TP chỉ đưa ra tiêu chí bảo vệ mà chưa có hướng khai thác lợi thế kinh tế quỹ đất ven sông. Để không lãng phí nguồn đất này, ông Châu cho rằng nên giao quỹ đất cho doanh nghiệp khai thác. 
Cách đây chưa lâu, Tập đoàn Tuần Châu đã từng đưa ra ý tưởng làm trục đường ven sông Sài Gòn dài hơn 54km, từ quận 1 đến cầu Bến Sắn huyện Củ Chi. Tuy nhiên, sau đó tập đoàn này không theo đuổi mà chuyển giao “bản quyền ý tưởng” này cho doanh nghiệp khác.
Theo nhiều chuyên gia, nếu tuyến đường này được thông qua sẽ kết nối với hệ thống cao tốc TPHCM - Mộc Bài từ TPHCM đi qua Bình Dương, Long An đến Tây Ninh, giúp phá thế độc đạo của Quốc lộ 22 hiện nay. Điều này cũng giúp tôn tạo, bảo vệ sông Sài Gòn, khai thác quỹ đất rộng lớn ở Hóc Môn, quận 12, Củ Chi. 
Ông Ngô Đức Sơn, Tổng giám đốc DRH Holding, cho rằng nếu đại lộ này được đầu tư sẽ tận dụng được quỹ đất ven sông không tốn nhiều chi phí giải phóng mặt bằng. Qua đó mang lại lợi ích kinh tế khi TP có thể đưa vào khai thác, thúc đẩy kinh tế của cả khu vực phía Tây gồm huyện Hóc Môn, Củ Chi, quận 12, Gò Vấp, thậm chí cả tỉnh Tây Ninh. Từ đại lộ này sẽ mở các trục đường xương cá, từ đó tạo nên quỹ đất để thu hút đầu tư rất hấp dẫn. 

Cần quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch
Đại diện Sở QH-KT TP cho biết, để thực hiện chỉ đạo của UBND TPHCM, việc cần làm trước mắt và có thể nói trọng tâm trong năm 2022, là lập đề cương nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung sông Sài Gòn, vì có hàng trăm đồ án quy hoạch dọc sông này cần điều chỉnh. Kế đến là quy hoạch chung phát triển sông Sài Gòn phải đồng bộ, gắn với điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM và quy hoạch chung TP Thủ Đức.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Quy hoạch chung (Sở QH-KT), cho biết hiện nay sở đã có cơ sở dữ liệu để có thể rà soát, điều chỉnh các đồ án ven sông nếu cần thiết. 
Theo ông Tuấn, vấn đề quan trọng cần làm để có đường ven sông Sài Gòn, là điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất dọc theo bờ sông, từ đó xác định rõ khu đất nào liên quan công viên cây xanh, phúc lợi cho người dân, đất nào dành cho ngành logistics, du lịch, giải trí, giáo dục, y tế…
Để khai thác kinh tế và phát huy giá trị văn hóa sông Sài Gòn, ông Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh đến "tính vùng", bởi bản chất sông Sài Gòn đã mang tính kết nối. Vì vậy, TPHCM sẽ phối hợp với các tỉnh lân cận để định hướng quản lý, điều chỉnh quy hoạch khớp với nhau và ý tưởng được xuyên suốt, thống nhất.
Củ Chi là một trong những quận, huyện có dòng sông Sài Gòn chảy qua khá dài. Mới đây huyện đã có văn bản kiến nghị TP về việc điều chỉnh các đồ án ven sông Sài Gòn.
Ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi, cho biết: “Về quy hoạch 10 phân khu ven sông Sài Gòn để tạo động lực phát triển, thu hút đầu tư vào những phân khu này, huyện kiến nghị TP đưa vào quy hoạch chung của TP, điều chỉnh tính chất quy hoạch các phân khu từ tính chất nông nghiệp sinh thái nhà vườn sang đô thị sinh thái, nông nghiệp kỹ thuật cao, tăng mật độ xây dựng lên 30-40%, chỉ tiêu dân số khu vực này lên 300.000 dân để thu hút đầu tư”.
Nhà nước và người dân cùng hưởng lợi 
Với tiềm năng và lợi thế, tuyến đường dọc sông Sài Gòn kỳ vọng trở thành hạt nhân thực hiện cuộc cách mạng 4.0 cho TPHCM, dựa trên nền tảng là kinh tế tri thức và khoa học công nghệ hướng về sông Sài Gòn.
Theo nhiều chuyên gia, nếu vấn đề quy hoạch ven sông Sài Gòn nói chung và trục đường nói riêng được phác thảo rõ nét, bên cạnh tạo ra quỹ đất rất lớn cho TP, còn hình thành hệ thống giao thông hiện đại kết hợp với cảnh quan, môi trường nước, phát huy hiệu quả sử dụng đất, phát triển dịch vụ.
“Cần có chính sách tốt để khai thác quỹ đất, tạo điều kiện cho người dân tham gia quá trình này và hưởng lợi. Nếu chúng ta có chính sách tốt, Nhà nước và nhân dân cùng hưởng lợi từ tuyến đường ven sông Sài Gòn. Người dân không phải di dời đi nơi khác mà điều kiện sống không bằng chỗ cũ. Họ cùng xây dựng con đường và có cuộc sống bằng hoặc tốt hơn trước" - TS. Võ Kim Cương, nguyên Kiến trúc sư trưởng TP, nhận định. 
Nhiều doanh nghiệp cho rằng, nếu có chính sách tốt, rõ ràng chắc chắn sẽ thu hút rất lớn từ nguồn lực xã hội. Một vài phác thảo về cảnh quan, quy hoạch ven sông Sài Gòn, kỹ sư Nguyễn Văn Trường, nêu ý tưởng: “Tùy theo địa hình, nghiên cứu quy hoạch tái thiết đô thị, xây dựng nhà ở tái định cư, công trình công cộng, phục vụ dân cư tại chỗ và khu vực nội đô, khai thác quỹ đất cho nhà đầu tư. Làm dải công viên cây xanh và nơi sinh hoạt cộng đồng để ai cũng có thể dạo bộ, xe đạp, ngắm cảnh, tham quan…”.
Theo kỹ sư Trường, tận dụng quỹ đất dọc “đại lộ” ven sông Sài Gòn để phát triển mô hình cảng, nông nghiệp sạch khu vực ngoại thành như huyện Củ Chi. Phát triển du lịch ven sông kết nối với các điểm văn hóa, lịch sử. Quy hoạch bố trí các phân khu chức năng phù hợp từng khu vực và không gian tổ chức các sự kiện quốc tế, thu hút du khách, giới thiệu lịch sử về TPHCM.
Hướng TP quay mặt vào sông Sài Gòn. Bờ Tây giáp nội thành, ngoài thổi gió làm mát còn tạo không gian thông thoáng kết nối cho khu trung tâm. Bờ Đông nối đô thị sáng tạo theo chủ trương, định hướng chiến lược phát triển mới về phía TP Thủ Đức…”.

Các tin khác