Phân cấp quyền cấp sổ hồng cần tiếp tục tạo sự thông thoáng

(ĐTTCO)-Sau hơn 1 năm UBND TPHCM ban hành Quyết định 08/2021/QĐ-UBND  (QĐ 08) ngày 29-4-2021 về sửa đổi, bổ sung một số điều của quy định phối hợp giải quyết thủ tục giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất… trong đó cho phép Sở TNMT được phép ủy quyền cho Giám đốc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai ký Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sổ hồng) đã giảm tình trạng hồ sở trễ hạn một cách đáng kể. Tuy nhiên để đáp ứng với yêu cầu thực tiễn còn nhiều vấn đề cần phải tháo gỡ. 

Giám đốc Sở TNMT Nguyễn Toàn Thắng (trái) và Phó chủ tịch UBND huyện Nhà Bè Võ Phan Lê Nguyễn tại Hội nghị.
Giám đốc Sở TNMT Nguyễn Toàn Thắng (trái) và Phó chủ tịch UBND huyện Nhà Bè Võ Phan Lê Nguyễn tại Hội nghị.
Đó là ý kiến của đại diện nhiều lãnh đạo Giám đốc Chi nhánh tại Hội nghị giao ban Hệ thống Văn phòng Đăng ký Đất đai TPHCM được tổ chức vào ngày 5-11 tại UBND huyện Nhà Bè.
Giảm hồ sơ trễ hạn
Ông Thân Thế Hùng, Phó giám đốc Văn phòng Đăng ký Đất đai TP báo cáo tại hội nghị cho biết, từ khi triển khai thực hiện đến ngày 28-10-2022, các Chi nhánh đã thừa ủy quyền ký 65.508 Giấy chứng nhận và 1.205 Quyết định hủy Giấy chứng nhận, 646 Công văn hoàn trả hồ sơ.
Phân tích kết quả giải quyết hồ sơ từng Chi nhánh, cho thấy: Các Chi nhánh đã thực hiện ký Giấy chứng nhận với số lượng rất lớn như Chi nhánh Củ Chi (9.078 GCN); Bình Tân (6.498 GCN); Bình Chánh (6.286 GCN); thành phố Thủ Đức (6.167 GCN), Quận 12 (5.170 GCN); Gò Vấp (4.860); Cần Giờ (4.187 GCN); Bình Thạnh (3.178 GCN); Nhà Bè (3.066 GCN).
Trong đó, 12/22 Chi nhánh có tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hạn cao trên 97% là Quận 1, 4, 5, 7, 12, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình, Nhà Bè, Tân Phú, Cần Giờ, Củ Chi. Đặc biệt Chi nhánh Nhà Bè, Tân Phú đạt 100% đúng hạn.
Theo đánh giá của lãnh đạo Văn phòng Đăng ký Đất đai TP, việc thực hiện theo Quyết định 08, đã kéo giảm tỷ lệ hồ sơ trễ hạn của hệ thống Văn phòng đăng ký đất đai. Cụ thể, tỷ lệ hồ sơ trễ hạn 6 tháng đầu năm 2021 (khi chưa thực hiện Quyết định 08) là 5,5%. Tỷ lệ hồ sơ trễ hạn 6 tháng cuối năm 2021 (đã thực hiện Quyết định 08) là 3,6%, tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên khối lượng giấy chứng nhận đã ký theo Quyết định 08 không cao (15.925 GCN). Tỷ lệ hồ sơ trễ hạn 6 tháng đầu năm 2022 là 2,96%, trong đó khối lượng giấy chứng nhận đã ký theo Quyết định 08 tăng gần 2 lần (29.477 GCN) so với 6 tháng cuối năm 2021.
Tính đến ngày 28-10-2022 (10 tháng) tỷ lệ hồ sơ trễ hạn giảm đáng kể còn 2,87%, trong đó khối lượng giấy chứng nhận đã ký theo Quyết định 08 là 65.508 đã cho thấy hiệu quả của việc ủy quyền.
Còn nhiều khó khăn vướng mắc
Theo ý kiến từ các Chi nhánh Văn phòng, việc thực hiện theo Quyết định 08 chưa triệt để, chỉ ủy quyền ký Giấy chứng nhận, việc đóng dấu phải sử dụng con dấu của Sở Tài nguyên và Môi trường (con dấu thứ hai của Sở do Văn phòng Đăng ký đất đai thành phố quản lý sử dụng), do đó vẫn phải phải có bước luân chuyển hồ sơ để đóng dấu, việc này gây khó khăn cho các Chi nhánh có khoảng cách xa như: huyện Cần Giờ, Củ Chi, Bình Chánh… Đặc biệt thể hiện rõ trong giai đoạn dịch Covid – 19 diễn biến phức tạp (năm 2021).
Các quy định liên quan đến đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất còn nhiều vướng mắc dẫn đến có nhiều cách hiểu và nhận định khi giải quyết hồ sơ chưa thống nhất giữa các Chi nhánh (quy định về xác nhận điều kiện nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất lúa; hạn mức sử dụng đất nông nghiệp; xác định tài sản chung của vợ chồng khi đăng ký, cấp Giấy chứng nhận;…). Để giải quyết các thủ tục hành chính phải có sự phối hợp của các cơ quan, đơn vị khác như: (ngành) cơ quan thuế; cơ quan xây dựng; Ủy ban nhân dân phường, xã; Ủy ban nhân dân quận, huyện, thành phố Thủ Đức (các phòng chuyên môn như Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng Quản lý đô thị,…), việc giải quyết hồ sơ bị ảnh hưởng rất lớn nếu các cơ quan, đơn vị phối hợp chậm giải quyết, thậm chí không nêu lý do trễ hạn dẫn đến các Chi nhánh phải có thư xin lỗi nhưng lỗi không thuộc Chi nhánh.
Các quy định pháp luật giữa các ngành chưa có sự thống nhất hoặc có những chỉ đạo mới không có trong quy trình giải quyết hồ sơ như việc xác minh xây dựng không phép, sai phép khi người dân thực hiện đăng ký biến động đất đai, mặc dù các vi phạm đó đã xảy ra rất lâu hoặc đã qua đăng ký biến động,… vẫn phải xử lý các vi phạm này trước khi giải quyết hồ sơ, do đó không đảm bảo thời gian quy định dẫn đến hồ sơ trễ hạn, thậm chí các Chi nhánh phải đối mặt với các vụ kiện hành chính hoặc dân sự đòi bồi thường nếu nguyên đơn (người đăng ký biến động) chứng minh được thiệt hại.
Cơ sở dữ liệu chưa đầy đủ, phân tán; trang thiết bị (máy in, máy tính tại các chi nhánh cũ kỹ, lỗi thời); đường truyền chậm;…. công tác dự thảo, xử lý công việc mất nhiều thời gian dẫn đến kéo dài thời gian giải quyết hồ sơ. Cũng không loại trừ trường hợp lỗi do viên chức thụ lý giải quyết hồ sơ, nhận định chưa đúng, e ngại làm sai,… dẫn đến bức xúc cho người dân.
Đơn thư phản ánh, kiến nghị, khiếu nại đối với các Chi nhánh không có dấu hiệu giảm, phần lớn nội dung phản ánh, khiếu nại các văn bản từ chối giải quyết hồ sơ, nội dung từ chối giải quyết hồ sơ nhiều trường hợp không hợp lý. Việc giải quyết đơn thư phản ánh, kiến nghị tại các Chi nhánh còn hạn chế do chưa xác định đúng nội dung vấn đề cần giải quyết.
Phát biểu tại hội nghị, ông Võ Phan Lê Nguyễn, Phó chủ tịch UBND huyện Nhà Bè, cho hay từ khi có QĐ 08 hồ sơ trễ hạn tại Nhà Bè được giải quyết đúng hẹn. Tuy nhiên công tác cấp giấy trên địa bàn huyện nói chung vẫn còn khó khó khăn, đặc biệt là những trường hợp cấp giấy lần đầu, việc xác minh thời điểm chuyển nhượng, xây dựng, nguồn gốc… của tài sản rất phức tạp nên có sự chậm trễ. Ông Nguyễn đề nghị, quy trình, hệ thống cần phải rõ ràng thống nhất giữa các địa phương để cán bộ thụ lý yên tâm làm việc, từ đó sẽ đẩy nhanh tiến độ giải quyết hồ sơ cho người dân.
Giám đốc Sở TNMT Nguyễn Toàn Thắng cho biết, từ đầu năm đến nay số Giấy chứng nhận đã cấp cho người mua nhà tại các dự án là 19.052 căn nhà đạt 95,26% so với kế hoạch năm 2022 (20.000 hồ sơ); số hồ sơ đang chờ cơ quan thuế xác định nghĩa vụ tài chính cho người mua nhà là 4.063 căn nhà. Đã giải quyết 418.542 hồ sơ các loại của tổ chức, cá nhân, trong đó có 253.683 hồ sơ tạo nguồn thu cho ngân sách Thành phố (thuế thu nhập cá nhân và thuế trước bạ) 13.769 tỷ đồng, đồng thời tạo ra nguồn vốn cho sự phát triển kinh tế từ giá trị thế chấp, giá trị chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất đạt 942.720 tỷ đồng; thu lệ phí cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất ước tính là 10,4 tỷ đồng; thu phí Thẩm định cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất ước tính là 83,5 tỷ đồng.
Kéo giảm tỷ lệ hồ sơ trễ hạn bình quân của toàn hệ thống 9 tháng đầu năm 2022 là 2,87%, trong đó có 20.22 Chi nhánh có tỷ lệ hồ sơ trễ hạn dưới 4%; 19/22 Chi nhánh có tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hạn từ 97% trở lên, chiếm 86,34%...
Ông Thắng ghi nhận việc phản ánh những khó khăn, bất cập từ các quận huyện và cho biết, những nội dung thuộc thẩm quyền của sở sẽ giải quyết ngay. Những vấn đề vượt thẩm quyền sẽ kiến nghị UBND TP xem xét giải quyết.
Ông Thắng thông tin thêm, những nội dung khó khăn như kho lưu trữ, trang thiết bị làm việc nhân sự… Sở đã báo cáo Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi và lãnh đạo TP cho biết sẽ từng bước giải quyết trong thời gian tới. Đánh giá việc triển khai Quyết định 08 tuy có nhiều khó khăn vướng mắc nhưng không thể phủ định hiệu quả mà Quyết định 08 đem lại trong công tác cải cách hành chính của thành phố nói chung và của ngành đất đai nói riêng, Sở TNMT kiến nghị tiếp tục thực hiện ủy quyền theo QĐ 08 đến khi Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung các Nghị định, trong đó có sửa đổi Điều 37 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP theo hướng phân cấp cho Văn phòng đăng ký đất đai, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai được cấp Giấy chứng nhận và sử dụng con dấu của mình giải quyết loại hồ sơ này.
Đồng thời để khắc phục các khó khăn, vướng mắc đã nêu, Sở Tài nguyên và Môi trường đế ra các giải pháp. Cụ thể, nghiên cứu, tham vấn, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền nhầm tháo gỡ những điểm nghẽn, những khó khăn, vướng mắc trong các quy định pháp luật. Thường xuyên làm việc, trao đổi với các cơ quan, đơn vị có liên quan để tháo gỡ các vướng mắc trong công tác phối hợp giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính.
Thường xuyên kiểm tra, giám sát nhằm chấn chỉnh công tác giải quyết hồ sơ (cả quy trình và pháp lý); tăng cường công tác dân vận đối với viên chức người lao động trong thực thi công vụ (đạo đức nghề nghiệp, năng lực chuyên môn). Kiến nghị cơ quan có thẩm quyền các cơ chế tài chính theo quy định pháp luật nhầm tạo nguồn vốn cho việc tái đầu tư cơ sở hạ tầng hướng đến nên hành chính hiện đại.

Các tin khác