Huyện “lên đời”, chuyện không đơn giản

(ĐTTCO) - Theo đề án của Sở Nội vụ TPHCM, 5 huyện Bình Chánh, Cần Giờ, Củ Chi, Hóc Môn và Nhà Bè định hướng sẽ phát triển thành quận hoặc TP trong TP. 
Đường Tân Túc, xã Phong Phú, huyện Bình Chánh. Ảnh: ĐỖ TRÀ GIANG
Đường Tân Túc, xã Phong Phú, huyện Bình Chánh. Ảnh: ĐỖ TRÀ GIANG
Lý giải về đề án này, Sở Nội vụ cho rằng những năm qua tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh, trình độ dân trí, lối sống đô thị được hình thành rõ nét và không khác biệt nhiều so với các quận nội thành. Tuy nhiên, thực tế đang đặt ra nhiều vấn đề như đời sống người dân có những xáo trộn khi đề án mới manh nha, cũng như hậu quả về mặt kinh tế, xã hội bị ảnh hưởng.
Huyện lên quận để làm gì?
Ông Trần Hoàng Quân, nguyên Bí thư Huyện ủy Bình Chánh, nay là Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM, cho biết lộ trình xây dựng đề án Bình Chánh lên quận hoặc TP trong TP còn rất dài ở phía trước, có thể phải mất 2 nhiệm kỳ nữa (khoảng 10 năm). Huyện Bình Chánh có diện tích hơn 25.255ha, trong đó gần 60% là đất nông nghiệp.
Ngoài ra hàng loạt vấn đề đang tồn tại hiện nay như dân nhập cư cơ học tăng quá nhanh, nhà không phép trên đất nông nghiệp, tình trạng thiếu chỗ ở cho người lao động, áp lực giao thông, trường học… cần có giải pháp trong thời gian tới khi tính toán “lên đời” cho huyện.
“Hiện nay trên quy hoạch đó là đất nông nghiệp, nhưng hiện trạng là nhà ở. Như vậy định hướng quy hoạch giải quyết ra sao? Giữ nguyên hiện trạng để điều chỉnh quy hoạch hay như thế nào? Việc lên quận chưa biết bao giờ, nhưng giá đất thời gian qua đã tăng mạnh gây ảnh hưởng đến công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, ảnh hưởng đến môi trường thu hút đầu tư” - ông Quân nhấn mạnh. 
Ông Trần Văn Nam, Bí thư Huyện ủy Bình Chánh, nhìn nhận đồ án quy hoạch chung của huyện từ năm 2012 đến nay không còn phù hợp, nhiều quy hoạch chồng chéo khiến người dân bị ảnh hưởng. So với các quận khác, số lượng dự án của huyện Bình Chánh nhiều hơn nhưng đa số là dự án treo, điển hình dọc đường Nguyễn Văn Linh có hàng loạt dự án dựng bảng tên nhưng không thực hiện.
“Nhiều dự án kéo dài làm khổ người dân, nhà không xây được, sửa cũng không được, thấm dột, ô nhiễm, nhiều cảnh đời rất khổ” - ông Nam nói. Trong khi đó, theo đề án của Sở Nội vụ, yêu cầu được đặt ra khi thành lập quận hoặc TP thuộc TPHCM phải bảo đảm phù hợp với các mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ XI thông qua; đảm bảo trình tự và thủ tục đúng quy định.
Nhiều ý kiến cho rằng, nếu chỉ đơn thuần chuyển từ huyện lên quận hay TP mà không có cơ chế đặc thù, lãnh đạo TPHCM cũng nên có sự chuẩn bị thật kỹ lưỡng để có sự thay đổi cả lượng và chất. TP Thủ Đức là TP trong TP  đầu tiên của TPHCM, tuy nhiên đến nay cũng chỉ là đơn vị hành chính thuần túy khi nhập 3 đơn vị vào.
Hiện nay các cơ quan chức năng của TPHCM vẫn đang kiến nghị các cơ quan trung ương về các cơ chế quản lý nhà nước đặc thù cho TP Thủ Đức, như cơ chế đặc thù về tài chính; thu hồi, tạo quỹ đất; chính sách đầu tư phát triển; chính sách đấu thầu dự án hoặc đấu giá đất và huy động tài chính cho dự án hạ tầng; chính sách ưu đãi đối với nhóm các cá nhân, tổ chức cần thu hút hoạt động kinh doanh.
Huyện “lên đời”, chuyện không đơn giản ảnh 1
TPHCM xóa sổ đất nông nghiệp chăng?
Hầu hết các huyện được định hướng để nâng lên quận hiện có diện tích đất nông nghiệp khá lớn. Vì vậy khi đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ theo hướng phát triển nói trên, cũng đồng nghĩa với việc diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp, thậm chí còn rất ít nếu không muốn nói là bị xóa sổ.
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM, cho biết trong định hướng quy hoạch sử dụng đất của TPHCM đến năm 2030, đất nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 39%. Sở đã tham mưu UBND TP kiến nghị Chính phủ cho phép TPHCM không còn đất trồng lúa nước, nông nghiệp sẽ được định hướng phát triển theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, trồng lúa nước sẽ dành cho các tỉnh thành khác. 
Về vấn đề này, chuyên gia đô thị học Nguyễn Minh Hòa, cho rằng TPHCM hết sức cân nhắc khi đô thị hóa phần lớn diện tích đất tự nhiên, thu hẹp hay xóa bỏ nông nghiệp. Theo chuyên gia này, thực tế nhiều quốc gia vẫn giữ một tỷ lệ nông thôn đáng kể trong TP như phần đệm của TP đó, đồng thời phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao vừa tạo ra sản phẩm chất lượng cao, vừa là sản phẩm du lịch của địa phương.
Vấn đề lớn đang tồn tại hiện nay tại hầu hết huyện ngoại thành TPHCM là rất nhiều dự án treo, xây dựng sai phép, không phép, nhiều vụ khiếu nại, khiếu kiện kéo dài trong thời gian qua. Như vậy, để công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch thực sự hiệu quả như một đô thị văn minh, các huyện này không thể một sớm một chiều có thể làm được ngay.
Nhiều chuyên gia phân tích, một khu vực trở thành TP không đồng nghĩa với việc một huyện được nâng cấp lên TP, vì còn phụ thuộc vào cơ sở pháp lý về định hướng phát triển đô thị. TP phải tự lực, tự cường, có hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ phục vụ người dân của TP đó. Nếu mang tiếng là TP nhưng bệnh viện không đủ, người dân phải sang quận kế bên để khám chữa bệnh thì không được.
Vì vậy, việc định hướng các huyện lên quận, hay TP cần nằm trong tổng thể phát triển chung của TPHCM. Có nghĩa, dù chuyển lên thành TP hay lên quận cũng đều cần phải phục vụ tốt hơn các nhu cầu chính đáng của người dân. 

Các tin khác