Đường Vành đai 2 chờ vốn để khép kín

(ĐTTCO) - Đường Vành đai 2 TPHCM có ý nghĩa quan trọng trong việc giảm áp lực giao thông cho nội đô TP, tuy nhiên sau nhiều năm triển khai, hiện vẫn còn 14km chưa thể hoàn thành, chủ yếu do thiếu vốn và vướng đền bù, giải phóng mặt bằng. 

Một đoạn tuyến của đường Vành đai 2 (qua TP Thủ Đức) dừng thi công từ năm 2020

Một đoạn tuyến của đường Vành đai 2 (qua TP Thủ Đức) dừng thi công từ năm 2020

Đại công trường bỏ hoang

Đường Vành đai 2 của TPHCM được quy hoạch từ 15 năm trước, có chiều dài 64km, với điểm bắt đầu từ đường Nguyễn Văn Linh (huyện Bình Chánh) qua cầu Phú Mỹ (quận 7) ra ngã tư Bình Thái (TP Thủ Đức) nối vào nút giao Gò Dưa (TP Thủ Đức) tới quốc lộ 1 rồi vòng về đường Nguyễn Văn Linh tạo thành đường vòng quanh TPHCM. Sau nhiều năm triển khai, hiện vẫn còn 14km chưa thể hoàn thành.

Theo Ban Quản lý dự án các Công trình giao thông công cộng TPHCM (Ban Giao thông), các đoạn tuyến của đường Vành đai 2 đã xây dựng hoàn thành và đưa vào khai thác gồm: đoạn tuyến quốc lộ 1A, đường Nguyễn Văn Linh, cầu Phú Mỹ, đường Vành đai phía Đông, cầu Rạch Chiếc. 14 km còn lại là 4 đoạn tuyến, trong đó, đoạn 3 từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa có chiều dài 2,75km đang triển khai đầu tư xây dựng nhưng phải tạm ngưng thi công; các đoạn 1, 2 và 4 với chiều dài hơn 11km đang được cơ quan chức năng thực hiện thủ tục đầu tư.

Đoạn 3 có quy mô 6 làn xe, lộ giới 67m và cầu trên hai nhánh tuyến song hành tại 3 vị trí vượt 3 rạch là Rạch Lùng, Ông Việt và Gò Cát. Tổng mức đầu tư 2.765 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng (GPMB) 1.821 tỷ đồng và giá trị xây dựng theo hình thức BT là 944 tỷ đồng. Tại hiện trường, đoạn 3 này là một dải đất trống với nhiều cây xanh lớn mọc um tùm, nằm sau lưng chung cư SaiGon Avenue sầm uất trên đường số 11 (phường Tam Bình, TP Thủ Đức). Đan xen với bãi đất trống là nhà dân với những con đường mòn đầy ổ gà, ổ voi. Những ngày đầu tháng 11, những cơn mưa cuối mùa đã khiến bãi đất trống nơi đây trở thành đầm lầy. Khuất sau những lùm cây xanh là một đại công trường; máy móc, ống cống lớn nằm ngổn ngang và cây cầu đang xây dang dở. Cùng với đó là rác bốc mùi hôi thối. 

Theo Ban Giao thông, đoạn 4 từ quốc lộ 1A đến đường Nguyễn Văn Linh có chiều dài 5,3km với tổng vốn đầu tư 9.200 tỷ đồng. Dự án này chủ yếu là mở rộng đường Hồ Học Lãm. Tại hiện trường, khu vực này có nhiều căn nhà đã xập xệ, đường thường xuyên ngập mỗi khi mưa lớn, triều cường. Nhiều người dân ở đây cho hay, hiện đang chờ bồi thường GPMB để ổn định chỗ ở mới. 

Rà soát, cân đối vốn

Theo ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Giao thông, đối với đoạn 3, hiện Ban Bồi thường GPMB TP Thủ Đức đã bàn giao mặt bằng với diện tích là 15/20ha, đạt 75%. Công trình đã thi công hơn 43% giá trị hợp đồng xây lắp. Tuy nhiên, đến tháng 3-2020 phải tạm ngưng thi công do công tác GPMB còn một số vị trí chưa bàn giao. Bên cạnh đó, nhà đầu tư đang chờ ký phụ lục về thay đổi cơ cấu giá trị xây lắp trong hợp đồng BT, điều chỉnh thời gian thực hiện dự án và định giá đất giao để giao cho nhà đầu tư triển khai các dự án khác. Ban Giao thông đã kiến nghị UBND TPHCM xem xét chỉ đạo các sở, ngành giải quyết các kiến nghị của nhà đầu tư về điều chỉnh thời gian thực hiện dự án, điều chỉnh dự án, ký điều chỉnh phụ lục hợp đồng BT, thanh toán đất đối ứng... để tránh phát sinh lãi, gây thất thoát lãng phí ngân sách. 

Đường Vành đai 2 chờ vốn để khép kín ảnh 1Một đoạn tuyến của đường Vành đai 2 thi công dở dang

Cũng theo Ban Giao thông, UBND TPHCM đã có văn bản thống nhất chủ trương bố trí vốn chuẩn bị đầu tư đoạn 1, 2 trong giai đoạn từ nay đến năm 2025 và giao Sở KH-ĐT rà soát cân đối nguồn vốn, đề xuất bố trí vốn cho các dự án trên, tham mưu đề xuất UBND TPHCM trong tờ trình HĐND TPHCM về điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. 

Đối với đoạn 4, UBND TPHCM đã bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 từ nguồn vốn ngân sách địa phương, trong đó có bố trí vốn cho nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư dự án là 1,5 tỷ đồng. Hiện nay, Ban Giao thông đang đôn đốc các quận huyện có ý kiến bằng văn bản gửi ban về các loại đất bị ảnh hưởng và khái toán chi phí GPMB, tái định cư, làm cơ sở để tư vấn hoàn thiện hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư theo yêu cầu của Sở GTVT TPHCM.

Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Giao thông, cho biết, đoạn 4 sẽ đầu tư nút giao khác mức tại quốc lộ 1A với cầu vượt 3 làn xe cho luồng xe từ quốc lộ 1A, phía An Sương đi vào Vành đai 2. Hầm chui có 3 làn xe sẽ xây dưới quốc lộ 1A cho dòng xe đi từ phía An Lạc tới An Sương và cuối cùng là nút ở đảo tròn trung tâm. Trong đoạn này, tại nút giao giữa Vành đai 2 với đường Kinh Dương Vương sẽ xây dựng hầm chui 4 làn xe; tại nút giao với đường Võ Văn Kiệt sẽ xây dựng cầu vượt 4 làn xe; nút giao với đường Nguyễn Văn Linh sẽ xây dựng nút giao khác mức liên thông, gồm hầm chui, cầu vượt trên đường Nguyễn Văn Linh với 2 nhánh cầu vượt tổng cộng 4 làn xe nối Vành đai 2 với đường Nguyễn Văn Linh, phía cầu Phú Mỹ.

Đoạn 1 từ cầu Phú Hữu đến xa lộ Hà Nội có nút giao Bình Thái với chiều dài hơn 3,5km, đường song hành, các nút giao với các đường nội bộ trong khu vực như đường Dương Đình Hội, Tăng Nhơn Phú; xây dựng 2 nhánh cầu Đường Xuồng. Tổng mức đầu tư của đoạn 1 khoảng 8.450 tỷ đồng. Đoạn 2 từ xa lộ Hà Nội đến đường Phạm Văn Đồng, có chiều dài hơn 2,8km với mức đầu tư khoảng 8.155 tỷ đồng.

Các tin khác