Đẩy nhanh xây dựng nhà ở xã hội, di dời nhà trên kênh rạch

Ngày 24-6, HĐND TP.HCM có buổi giám sát UBND TP.HCM về chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2016-2025. Nhiều nội dung “nóng” được các đại biểu HĐND TP chất vấn sâu như nhà trên và ven kênh rạch, ngân sách và 20% quỹ đất làm nhà ở xã hội (NƠXH), nhà ở cho người có thu nhập thấp…

Đẩy nhanh xây dựng nhà ở xã hội, di dời nhà trên kênh rạch
Di dời nhà trên, ven kênh rạch quá chậm
Giám đốc Sở Xây dựng TP Trần Hoàng Quân báo cáo, năm 2015, TP đặt ra mục tiêu di dời 20.000 căn nhà trên và ven kênh rạch. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ di dời được gần 2.500 căn nhà, chiếm tỉ lệ khoảng 12,4%. Từ nay đến năm 2025, TP sẽ di dời 6.500 căn nhà trên và ven kênh rạch với tổng kinh phí khoảng 18.500 tỉ đồng.
Việc di dời được chia làm hai nhóm. Nhóm một là nhà trên và ven kênh Nhiêu Lộc, rạch Văn Thánh và kênh Hy Vọng. Tổng số là 3.220 căn nhà với tổng kinh phí khoảng 12.500 tỉ đồng. Nhóm hai thực hiện với 14 dự án đã phê duyệt trong nhiệm kỳ trước, ngân sách khoảng 6.000 tỉ đồng.
Theo ông Quân, hiện nay chủ yếu đầu tư các dự án này bằng ngân sách nhà nước nhưng cũng rất khó khăn. “Cần có chính sách điều chỉnh hành lang an toàn kênh rạch theo hướng mở rộng và dùng quỹ đất này bán đấu giá để tạo nguồn vốn tái đầu tư dự án. Hiện TP đã chấp thuận thuê đơn vị tư vấn của Bộ Xây dựng để nghiên cứu cơ chế, chính sách cho nhóm này” - ông Quân nói.
Các đại biểu HĐND TP cũng cho rằng nếu để nguyên hiện trạng quy hoạch như hiện nay thì rất khó kêu gọi nhà đầu tư trong khi nguồn ngân sách của TP còn hạn hẹp. Vì vậy, TP cần phải tính toán đến hướng điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp.
Về vấn đề này, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi cho biết TP đang rất quyết tâm để thực hiện chương trình chỉnh trang đô thị, trong đó có di dời nhà ven và trên kênh rạch. TP cũng đang tính toán các giải pháp để thực hiện dự án thay vì ngồi chờ ngân sách. TP đang chuẩn bị khởi động dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm, trong đó tính toán điều chỉnh quy hoạch để khai thác quỹ đất ven sông, đấu giá lấy kinh phí thực hiện. TP phấn đấu đến khi kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước (năm 2025) sẽ hoàn thành và khởi công 50% trong tổng số 20.000 căn nhà ven và trên kênh rạch.
Có quỹ đất sạch nhưng thiếu tiền đầu tư
Theo quy định, các dự án nhà ở trên 10 ha (Nghị định 100/2015) và từ 2 ha (Nghị định 49/2021) đều phải dành quỹ đất 20% để làm NƠXH. 7 năm qua, các doanh nghiệp đã thực hiện nghĩa vụ này bằng việc xây dựng căn hộ rồi bàn giao lại cho Nhà nước hoặc nộp tiền vào ngân sách. Tuy nhiên, hiện TP.HCM chưa xác định được số tiền này là bao nhiêu. Trong khi đó, một số địa phương đã có sẵn quỹ đất sạch nhưng cũng không thể khởi công xây dựng NƠXH do thiếu vốn.
Đơn cử tại huyện Nhà Bè có hơn 1,2 ha/10 ha đất tại xã Phú Xuân đã hoàn thành giải phóng mặt bằng từ hơn 10 năm nay nhưng do không có ngân sách nên chưa thể đưa vào kế hoạch sử dụng đất của huyện.
Hay dự án nhà ở cho người có thu nhập thấp tại phường Hiệp Thành, quận 12 có quy mô gần 12 ha với 2.240 căn hộ, 45 căn nhà liên kế. Dự án được TP chấp thuận cho Quỹ Phát triển nhà ở làm chủ đầu tư và được chấp thuận đầu tư từ năm 2008. Dự án đã hoàn tất việc đầu tư xây dựng hạ tầng nhưng do thiếu vốn nên phải dừng lại từ nhiều năm nay…
Không chỉ các dự án này mà trên địa bàn TP hầu như không có dự án NƠXH đầu tư bằng ngân sách. Trong buổi giám sát của HĐND TP với các sở, ngành mới đây, bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở KH&ĐT, cho biết từ năm 2016 đến nay, sở này chưa nhận được đề xuất nào của chủ đầu tư xây dựng NƠXH thuộc sở hữu nhà nước sử dụng nguồn vốn từ ngân sách TP để thực hiện. Vì vậy, sở này chưa đề xuất TP bố trí vốn.
Các đại biểu HĐND TP cho rằng từ khi thực hiện Nghị định 100/2015 đến nay, các doanh nghiệp đều thực hiện nghĩa vụ 20% NƠXH theo quy định. Lẽ ra quỹ 20% này phải được dùng để tái đầu tư lại NƠXH nhưng tại sao không dùng để giải quyết cho các dự án nêu trên.
Theo ông Nguyễn Trần Phú, Phó Giám đốc Sở Tài chính, hiện nay nguồn thu 20% nghĩa vụ NƠXH của các chủ đầu tư nộp bằng tiền đã nộp vào ngân sách TP. Tuy nhiên, nguồn thu này đang được gộp chung với tiền sử dụng đất của toàn dự án chứ không để thành một khoản riêng nên hiện chưa xác định cụ thể là bao nhiêu.
Ông Phú thông tin lâu nay khi tính tiền sử dụng đất của dự án, Sở TN&MT sẽ tính toàn bộ tổng diện tích toàn dự án, sau đó chuyển hồ sơ qua Sở Tài chính và chuyển về cơ quan thuế để thu tiền. Giữa các công đoạn này, khoản tiền 20% nghĩa vụ NƠXH không được bóc tách ra riêng. “Tới đây, từ danh sách của Sở Xây dựng, Sở TN&MT sẽ được bóc tách thành từng khoản trước khi chuyển sang Sở Tài chính để theo dõi thành khoản riêng” - ông Phú nói.
Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Lệ cho rằng vấn đề này năm 2018 đã có hướng dẫn của Bộ Tài chính. Do đó, bà Lệ yêu cầu phải báo cáo cụ thể và chi tiết hơn về nguồn tiền thu được từ 20% quỹ đất xây dựng NƠXH từ các dự án nhà ở thương mại trong thời gian qua.
Tính từ năm 2018 đến nay, TP mới chỉ hoàn thành 19/64 dự án trong khi số lượng dự án dự kiến khởi công đến năm 2025 là 47. Trong bốn năm tới, phải có được 35.000 căn NƠXH. Đây là bài toán rất khó, TP phải hết sức nỗ lực và nhanh chóng tìm các biện pháp để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để thực hiện đúng tiến độ.
TP cũng cần nhanh chóng ban hành quy trình rút ngắn thủ tục đầu tư xây dựng NƠXH, cải tạo chung cư cũ từ 500 ngày xuống còn 133 ngày (với đất của doanh nghiệp) và hơn 200 ngày (với đất công) để đẩy nhanh tiến độ đầu tư dự án. Cùng với đó, rà soát quỹ đất công để làm NƠXH, nhà lưu trú công nhân…

Các tin khác