Đảm bảo nhu cầu nhà ở cho mỗi người dân TPHCM

(ĐTTCO) - Ngày 23-3, HĐND TPHCM khóa IX tổ chức kỳ họp thứ 24, kỳ họp chuyên đề xem xét các tờ trình của UBND TPHCM và quyết định nhiều vấn đề cấp bách đối với sự phát triển của TPHCM.
 Dự kỳ họp có các đồng chí: Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM. Kỳ họp diễn ra dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM.
Ngày 23-3, HĐND TPHCM khóa IX tổ chức kỳ họp thứ 24, kỳ họp chuyên đề xem xét các tờ trình của UBND TPHCM và quyết định nhiều vấn đề cấp bách đối với sự phát triển của TPHCM. Dự kỳ họp có các đồng chí: Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM. Kỳ họp diễn ra dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM.
Quan tâm đến người dân khi làm quy hoạch
Một vấn đề quan trọng được các đại biểu (ĐB) sôi nổi thảo luận tại kỳ họp là về nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 (gọi tắt là nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM).
Trình bày báo cáo về nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM, Giám đốc Sở QH-KT TPHCM Nguyễn Thanh Nhã cho biết, các định hướng quy hoạch quan trọng là phát triển TPHCM thành đô thị thông minh; phát triển đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông TPHCM - là nền tảng hình thành TP Thủ Đức; phát triển khu đô thị biển Cần Giờ; xây dựng 4 huyện thành quận. Sau khi HĐND TPHCM có ý kiến, UBND TPHCM sẽ hoàn chỉnh hồ sơ nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch, gửi Bộ Xây dựng thẩm định và trình Thủ tướng xem xét phê duyệt theo quy định.
Đảm bảo nhu cầu nhà ở cho mỗi người dân TPHCM ảnh 1 Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ, cùng các đồng chí lãnh đạo TP, các đại biểu dự kỳ họp
Ảnh: VIỆT DŨNG
Dự báo, đến năm 2040, TPHCM có khoảng 13-14 triệu người và đến năm 2060 có 16 triệu người. Quy mô đất đai xây dựng đô thị đến năm 2040 khoảng 100.000-110.000ha. TPHCM đặt mục tiêu mỗi người dân được đảm bảo nhu cầu nhà ở và dịch vụ công cộng; phát triển quỹ đất cây xanh trong các khu vực hiện hữu; người dân được tiếp cận với thực phẩm sạch giá rẻ với nền nông nghiệp đô thị kỹ thuật cao.
Về quy hoạch TP Thủ Đức, Giám đốc Sở QH-KT TPHCM cho hay, hiện dân số thường trú là hơn 1 triệu người. Dự báo đến năm 2030, dân số cư trú sẽ đạt mức 1,5 triệu người; năm 2040 đạt từ 1,9-2,2 triệu người và năm 2060 đạt mức 3 triệu người. Quy hoạch đô thị sẽ tính toán cho mức dân số tối đa để chuẩn bị cho nhu cầu tương lai. Về tính chất đồ thị, TP Thủ Đức hình thành và phát triển trên hệ thống mạng lưới đô thị quốc gia, là trung tâm hạt nhân phát triển các hoạt động kinh tế tri thức, phát triển kinh tế sáng tạo…
Góp ý về báo cáo này, ĐB Vương Đức Hoàng Quân cho rằng điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM nên lưu ý xu thế của thế giới hiện nay là quan tâm đến môi trường sống, điều kiện di chuyển, học tập, làm việc chứ không chỉ là chỗ ở hay môi trường không khí. Trong khi đó, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị chú trọng nhiều hơn đến tính khả thi của quy hoạch. Có những quy hoạch 20-30 năm vẫn không thể thực hiện được do quy hoạch chưa tới, hoặc chưa đủ nguồn lực thực hiện.
“Quan điểm của tôi là quy hoạch phải đi vào cuộc sống, phải khả thi. Đến 2060 là 40 năm nữa, nếu quy hoạch không tốt mà treo suốt 40 năm thì người dân sẽ khổ sở cỡ nào. Chẳng hạn, quy hoạch khu vực Bình Quới - Thanh Đa đã 30 năm rồi, là một nửa đời người, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân”, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm nói.
ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm cũng đánh giá, hiện TPHCM rất thiếu không gian công cộng, càng phát triển đô thị càng bức bách về không gian. Do vậy cần thực hiện ngay nhiệm vụ quy hoạch không gian ngầm, thay vì làm riêng lẻ ở từng dự án. Các công trình giao thông, dịch vụ, thương mại nên đưa xuống dưới lòng đất, để dành không gian phía trên cho không gian công cộng thông thoáng.
TP Thủ Đức được hưởng 100% nhiều khoản
Tại kỳ họp, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ phát biểu đánh giá, những nội dung xem xét, quyết định tại kỳ họp này rất cấp bách, có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần ổn định và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của TPHCM. Do vậy, đồng chí đề nghị các ĐB thảo luận thấu đáo trên cơ sở quy định pháp luật và thực tiễn để quyết định các vấn đề, đáp ứng nhu cầu phát triển của TPHCM, vì lợi ích nhân dân.
Liên quan đến việc điều hành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của TPHCM và TP Thủ Đức, HĐND TPHCM thông qua Nghị quyết về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi cho TP Thủ Đức và tỷ lệ phần trăm phân chia các khoản thu giữa các cấp ngân sách trên địa bàn TP Thủ Đức năm 2021. Sau khi hủy dự toán thu chi ngân sách nhà nước năm 2021 của quận 2, 9 và Thủ Đức, TPHCM giao chỉ tiêu dự toán thu ngân sách cho TP Thủ Đức năm 2021 là hơn 8.327 tỷ đồng và chi ngân sách là hơn 3.155 tỷ đồng.
Cũng tại kỳ họp, các ĐB đã thông qua Nghị quyết về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi cho TP Thủ Đức và tỷ lệ phần trăm phân chia các khoản thu giữa các cấp ngân sách trên địa bàn TP Thủ Đức năm 2021. Theo đó, một số khoản thu ngân sách TP Thủ Đức được hưởng 100% là thuế tài nguyên của các doanh nghiệp, hợp tác xã thuộc cơ quan thuế TP Thủ Đức quản lý; thuế sử dụng đất nông nghiệp, lệ phí môn bài, lệ phí trước bạ nhà đất…
Trong kỳ họp, các ĐB đã thảo luận và thông qua các Nghị quyết về nội dung, mức chi phục vụ công tác bầu cử ĐB Quốc hội khóa XV và ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. HĐND TPHCM cũng thông qua Nghị quyết về chính sách hỗ trợ, thu hút giáo viên mầm non. Theo đó, chấp thuận kéo dài thời gian thực hiện chế độ hỗ trợ đối với giáo viên mầm non mới ra trường được tuyển dụng mới kể từ năm học 2020-2021 đến hết năm học 2024-2025.
Mức hỗ trợ cụ thể là năm đầu được tuyển dụng hỗ trợ 100%, năm thứ hai hỗ trợ 70%, năm thứ ba hỗ trợ 50% lương cơ sở/người/tháng. Từ năm thứ tư, thực hiện chế độ tiền lương cho giáo viên theo quy định hiện hành. Trung bình hàng năm, TPHCM tuyển thêm khoảng 600 giáo viên mầm non. Hiện nay, tổng kinh phí hỗ trợ cho giáo viên mầm non mới ra trường của TPHCM là gần 20 tỷ đồng/năm.
Cùng với đó, để khắc phục tình trạng thiếu 871 giáo viên mầm non và 3.561 nhân viên nuôi dưỡng, HĐND TPHCM cũng thông qua Nghị quyết về việc hỗ trợ nhân viên nuôi dưỡng bằng 50%, còn giáo viên ký hợp đồng lao động dưới 12 tháng được hỗ trợ bằng 100% mức lương tối thiểu vùng I (4,42 triệu đồng/tháng - PV).

Các tin khác