Các cơ sở sản xuất vừa, nhỏ và siêu nhỏ: Di dời, tiếp tục di dời hay đổi mới

(ĐTTCO) - TPHCM tiếp tục di dời các cơ sở sản xuất vừa, nhỏ và siêu nhỏ khỏi khu dân cư ra ngoại thành hay lựa chọn giải pháp nào khác, trong khi nay mai các huyện ngoại thành sẽ lên quận?
Nếu không đổi mới công nghệ cho những cơ sở sản xuất ô nhiễm dạng này, mà chỉ thực hiện di dời từ nội thành ra ngoại thành thì bài toán di dời sẽ tiếp tục khi ngoại thành lại lên nội thành.
Nếu không đổi mới công nghệ cho những cơ sở sản xuất ô nhiễm dạng này, mà chỉ thực hiện di dời từ nội thành ra ngoại thành thì bài toán di dời sẽ tiếp tục khi ngoại thành lại lên nội thành.
Từ nội thành ra ngoại thành…
Thời gian gần đây cư dân tại 2 khu chung cư Richstar 1-2 trên đường Hòa Bình, quận Tân Phú, lại tiếp tục gửi đơn lên UBND quận và Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT), khiếu nại các cơ sở công nghiệp nhỏ và vừa xung quanh tiếp tục hoạt động gây ô nhiễm môi trường kéo dài nhiều năm nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Hiện nơi đây tập trung 22 cơ sở công nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trong các lĩnh vực in ấn, cơ khí, dệt nhuộm, ép nhựa, tẩy rửa bề mặt nhôm, sắt. Các cơ sở này gây ô nhiễm môi trường nước mặt và nước ngầm, không khí, tiếng ồn, nhiệt độ và rác thải rất trầm trọng từ năm này qua năm khác.
Người dân khiếu kiện nhiều nhưng không có kết quả. Nhiều nhà chịu hết nổi chuyển đi nơi khác, trong khi nhiều nhà ở lại chịu trận sống chung với ô nhiễm. 
Thực ra các cơ sở này không phải ở đâu dọn đến, mà họ ở đó sản xuất từ rất lâu, trước cả 2 chung cư và người dân hiện có, lúc đó đây là ngoại thành TPHCM. Và đây không phải là cá biệt, ở các quận đô thị hóa mới như Tân Phú, Bình Tân, TP Thủ Đức và các huyện Bình Chánh, Củ Chi, hiện có đến hàng ngàn nơi rơi vào tình cảnh như thế.
Sở TN-MT đã tiến hành phạt các đơn vị này nhiều lần, nhưng họ chấp nhận bị phạt để hoạt động. TP vận động họ di chuyển đi nơi khác, nhưng họ cũng chả biết đi đâu. TP không tìm được đất, mà dẹp bỏ cũng đẩy hàng chục ngàn hộ gia đình, người lao động vào cảnh mất việc. Nhưng chả lẽ cứ để các cơ sở ô nhiễm lẫn trong dân cư mãi?
Nhìn lại lịch sử, trước năm 1975 Sài Gòn vốn nổi tiếng là TP sản xuất tiểu thủ công nghiệp và công nghiệp nhẹ lớn nhất miền Nam. Sau 1975 vẫn còn hàng chục ngàn cơ sở sản xuất vừa, nhỏ, siêu nhỏ trong nội thành, tập trung ở các quận 5, 6, 8, 10, 11, nhất là nơi có bà con người Hoa.
Đến năm 1992, TPHCM bắt đầu quy hoạch các khu công nghiệp (KCN) và chuyển dần các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ra bên ngoài, xa trung tâm để các quận nội thành bớt ô nhiễm hơn. Nhưng chỉ sau ít năm, những vấn đề khác lại nảy sinh trước đó không lường hết được. 
Các cơ sở sản xuất vừa, nhỏ và siêu nhỏ: Di dời, tiếp tục di dời hay đổi mới ảnh 1
Và ngoại thành lại lên nội thành…
Rắc rối đầu tiên, khái niệm “bên ngoài” là ở đâu? Năm 1995, các KCN ra đời được coi là xa khu dân cư, nơi ấy là đồng bưng, ao hồ. Nhưng do đô thị hóa quá nhanh, các KCN chả mấy chốc lại nằm lọt trong nội thành, nhà dân vây kín xung quanh, như KCN Tân Bình là thí dụ điển hình nhất. Hoặc các KCN ở TP Thủ Đức, các quận 7, 2, 9, 12 đều lọt thỏm trong các khu dân cư. 
Bên cạnh đó, 20 năm trước việc đưa các nhà máy ô nhiễm ra bên ngoài KCN tưởng ổn, nhưng giờ lại thấy có vấn đề. Ngày ấy các nhà máy ô nhiễm nhất TP được tập trung về KCN Tân Phú Trung Củ Chi cách quận 1 hơn 40km, nghe chừng đã ổn. Nhưng khi TP quy hoạch ở Củ Chi là một TP vệ tinh với hơn 300.000 dân, và vì KCN này ô nhiễm, cộng với khu xử lý chất thải Phước Hiệp và giao thông luôn ách tắc, khiến Củ Chi không hấp dẫn nhà đầu tư.
Biết vậy nhưng tiếp tục di dời những cơ sở ô nhiễm này ra xa bên ngoài thì đi đâu? Chả lẽ lại di sang Bình Dương, Long An. Diện tích TP chỉ hữu hạn, nếu cứ đẩy các cơ sở sản xuất ô nhiễm ra bên ngoài sẽ có lúc TP “nở nồi”, hết đất, còn khái niệm “ngoại thành”, “vùng ven”, “bên ngoài” “vùng sâu, vùng xa” sẽ không còn tồn tại khi các huyện lên thành quận. 
Rắc rối nảy sinh nữa là các cơ sở sản xuất. Các cơ sở nhỏ, siêu nhỏ thường là kinh tế hộ gia đình, chỉ có 5-7 công nhân, có khi nhân công là con cháu trong nhà, mặt bằng sản xuất đa phần là khuôn viên căn nhà mình đang ở. Tuy nhỏ nhưng lại hoạt động khá hiệu quả, sản phẩm tiêu thụ tốt vì đáp ứng được nhu cầu của một bộ phận dân cư.
Lợi thế của các cơ sở sản xuất nhỏ này là khả năng sản xuất số lượng ít, thậm chí đơn chiếc mà các nhà máy lớn không làm, nó đáp ứng linh hoạt nhu cầu thị trường luôn thay đổi và đa dạng. Những xưởng may nhỏ, xưởng mộc, đóng giày, in ấn bao bì, làm nhang, guốc, may túi xách, chế biến thực phẩm như làm chao, hành tỏi phi… tồn tại đến bây giờ do xã hội có nhu cầu tiêu thụ sản phẩm nó làm ra. 
Nhưng nó gây ô nhiễm làm ảnh hưởng đến đời sống dân cư thì làm sao? Di chuyển các cơ sở sản xuất này đến các KCN tập trung là điều không thể, bởi không KCN nào cho họ thuê vài trăm m2 đất với thời hạn 50 năm, và họ cũng không có đủ vốn để thuê đất, xây dựng nhà xưởng.
Họ di dời công nhân sẽ nghỉ việc vì phải di chuyển hàng chục km mỗi ngày. Thực tế, rất nhiều cơ sở sản xuất các mặt hàng truyền thống nay không thấy nữa.    

TPHCM cần có giải pháp 
Thực tế trên cho thấy, với TPHCM việc di chuyển các cơ sở sản xuất ra bên ngoài khó nhiều thứ: đất đai, vốn, giao thông, nhân lực. Vậy tại sao thay vì di chuyển, cần tính đến cách làm sao để các cơ sở này thay đổi công nghệ và kỹ thuật sản xuất. Có đến các cơ sở này mới thấy vì sao dân không kêu.
Máy móc quá cũ kỹ, lạc hậu, có loại máy cơ khí sản xuất từ năm 60 của thế kỷ trước, máy in bao bì vẫn còn dùng loại máy đạp chân, da bò, da trâu vẫn ngâm vào trong bồn cho rữa hết thịt, chả khác gì so với trước 1975. Nếu đến Củ Chi, Hóc Môn mới thấy việc chế biến thực phẩm thủ công bằng tay chân, với những dụng cụ làm đồng như cuốc, xẻng, ky, thùng mà kinh hãi. Phải thay đổi các cơ sở này mới tồn tại được. 
Nhưng ngoài nỗ lực của chủ cơ sở sản xuất, chính quyền TP cần có chính sách hỗ trợ như cho vay vốn ưu đãi mua trang thiết bị, máy móc mới, cử các chuyên gia kỹ thuật đến tư vấn và cung cấp thông tin có lợi cho họ.
Những cơ sở sản xuất độc hại như hóa chất, chất tẩy rửa, thuốc trừ sâu buộc phải triệt thoái khỏi khu dân cư. Những cơ sở sản xuất hàng thông dụng không ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân có thể cho tồn tại, nhưng dứt khoát phải sử dụng công nghệ và kỹ thuật mới. 
Nếu chúng ta không cương quyết làm như vậy, vài chục năm sau bài toán đi hay ở cứ nhùng nhằng không giải quyết được, trong khi người dân không được hưởng lợi gì từ các cơ sở sản xuất này, còn phải chịu khổ quanh năm.  

Các tin khác