Bình Chánh “nóng” sai phạm quản lý đất đai

(ĐTTCO) - Thanh tra TPHCM vừa có thông báo kết luận thanh tra về công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng tại một số quận huyện thời gian vừa qua. Bình Chánh là một trong những địa bàn nổi lên với nhiều vụ việc vi phạm được phát hiện.

Dự án khu dân cư trung tâm thương mại Tân Nhật triển khai trên đất nông nghiệp chưa được chuyển mục đích sử dụng.
Dự án khu dân cư trung tâm thương mại Tân Nhật triển khai trên đất nông nghiệp chưa được chuyển mục đích sử dụng.
Công trình khủng trên đất nông nghiệp
Dự án được xem là sai phạm lớn nhất trên địa bàn huyện Bình Chánh là khu ẩm thực Bình Xuyên ở xã Bình Hưng. Dù khu đất có diện tích 24.977m2 này chưa được cơ quan nhà nước giao đất để đầu tư thương mại, dịch vụ, nhưng chủ đầu tư đã tự ý chuyển thành đất thương mại, dịch vụ không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng (vị trí khu đất thuộc chức năng đất nông nghiệp, đất ao).
Theo đó, chủ sử dụng đất đã triển khai xây dựng không phép trên đất nông nghiệp, đất ao, đất rạch các hạng mục, như khu bãi giữ xe máy diện tích lên đến 2.364m2; bãi giữ xe ô tô 2.227m2; khu vực phòng VIP 460m2; khu vực khách ngồi 3.689m2, khu tiếp tân 141m2; khu nhà bếp 1.3178m2; khu nhà kho lưu trữ vật dụng, thức ăn 229m2; 3 khu vui chơi trẻ em ngoài trời hơn 804m2; khu nhà vệ sinh (gồm 4 điểm với diện tích hơn 330m2), là không đúng quy định pháp luật.
Chủ nhà hàng này đã sử dụng đất và tiến hành xây dựng các công trình sai phạm kéo dài 17 năm, qua nhiều thời kỳ từ năm 2003 đến thời điểm thanh tra tháng 3-2020, nhưng các công trình không phép vẫn ngang nhiên tồn tại. Đáng nói, UBND huyện Bình Chánh, Thanh tra Sở Xây dựng, UBND xã Bình Hưng vẫn chưa thể xử lý dứt điểm. 
Một dự án có sai phạm lớn khác là khu nhà hàng Hương Dừa (cũ). Khu đất này thuộc thửa đất số 1 tờ số 4 (bản đồ địa chính năm 2004) tại xã Bình Hưng, có tổng diện tích khoảng 15.045m2. Người sử dụng đất tự chuyển mục đích sử dụng đất không phù hợp quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng, tiến hành xây dựng công trình không phép trên đất nông nghiệp, đất lấn rạch để cho thuê và bán cho các hộ dân thu lợi bất chính.
Quá trình mua bán giấy tay, chuyển nhượng qua lại nhiều người, hình thành khu dân không phép lớn, không đảm bảo kết nối hạ tầng kỹ thuật chung, không đảm bảo phòng cháy chữa cháy, điều kiện an sinh xã hội… làm ảnh hưởng đến quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và an ninh trật tự toàn khu vực. 
Kết luận Thanh tra nêu rõ: "Việc lấn chiếm đất rạch, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất thành đất ở, xây dựng nhà ở không phép trên đất nông nghiệp bán nhà ở cho các hộ dân để thu lợi bất chính, là có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự, cần tiếp tục chuyển cơ quan điều ra để làm rõ và xử lý nghiêm theo quy định".

Bán đất chưa chuyển mục đích sử dụng
Dự án Khu dân cư Trung tâm thương mại xã Tân Nhật (Amazing City) do Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Huỳnh Thông làm chủ đầu tư. Dù khu đất chưa chuyển mục đích sử dụng đất thành đất ở, chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính, nhưng chủ đầu tư đã ký hợp đồng bán các nền đất, thực chất là phân lô bán nền trên đất nông nghiệp, cho rất nhiều khách hàng. Ước tính đã có 187 căn nhà, 225 căn hộ chung cư, 2 nhà điều hành dự án, hồ bơi xây dựng trên đất nông nghiệp của dự án này, được thanh tra xác định vi phạm nghiêm trọng Luật Đất đai.
"Công ty Huỳnh Thông xây nhà để bán khi chưa được giao đất để đầu tư dự án nhà ở, chưa được phê duyệt dự án nhà ở nhưng đã thu lợi bất chính, là có dấu hiệu vi phạm luật hình sự, có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản" - kết luận Thanh tra TP nhận định. Theo Sở Xây dựng TPHCM, hiện Công ty Huỳnh Thông đã thế chấp các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn đứng tên của các hộ dân tại VietABank, bán 206 nền đất và 1 nền xây dựng trung tâm thương mại cho VietABank. Đồng thời bán hầu hết nền đất này cho người dân là có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Chưa hết, Công ty Huỳnh Thông còn lừa dối khách hàng mua nền đất (đất vẫn còn là đất nông nghiệp) nhưng hợp đồng chuyển nhượng nền đất ghi đất ở.
Theo Thanh tra TP, các dự án trên chủ sử dụng đất tự chuyển mục đích sử dụng đất để xây dựng, gây áp lực lớn cho hạ tầng khi hình thành các khu dân cư tự phát trên đất nông nghiệp. Việc tự chuyển mục đích này chưa được UBND huyện Bình Chánh kiểm tra, ngăn chặn kịp thời, không chủ động xử lý ngay từ đầu, làm ảnh hưởng đến công tác quản lý. Thanh tra TP kiến nghị UBND TPHCM giao Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, Sở Quy hoạch - Kiến trục, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên - Môi trường cùng kiểm điểm làm rõ trách nhiệm; giao Công an TP triển khai các biện pháp điều tra các vụ việc có dấu hiệu đưa, nhận môi giới hối lộ, tham nhũng.  
Ngoài ra, theo kết luận Thanh tra, công tác tách thửa tại các quận huyện trong thời gian qua còn nhiều sai phạm, chưa đúng quy định theo Quyết định 33 và 60 của UBND TP. Cụ thể, tại huyện Củ Chi, các trường hợp tách thửa dưới chuẩn thực hiện chưa đúng điều kiện tách thửa, giải quyết tách thửa khi không phải đối tượng khó khăn, không thuộc người địa phương nhưng các phòng ban vẫn tham mưu giải quyết.
UBND huyện chưa lập kế hoạch tách thửa hàng năm, chưa có kế hoạch lập chi tiết tỷ lệ 1/500 đất hỗn hợp có chức năng ở, đất khu dân cư mới… thuộc các trường hợp được tách thửa theo Quyết định 60. Cho phép tách thửa đất nông ngiệp thành đất ở có hình thành đường giao thông và hạ tầng kỹ thuật khi chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Cho tách thửa không đúng quy chuẩn, không đúng quy hoạch, không xin ý kiến của một số sở ngành liên quan…
Tại Thủ Đức, công tác tách thửa cũng có nhiều sai phạm, như chưa đảm bảo hình thành đường giao thông, có 25 trường hợp tách thửa không phù hợp với quy hoạch đô thị, 16 trường hợp không xin ý kiến về thỏa thuận quy hoạch… 

Các tin khác