Bất động sản công nghiệp sẵn sàng đón sóng đầu tư mới

(ĐTTCO) - Đó là khẳng định của các chuyên gia, doanh nghiệp tại Diễn đàn Bất động sản công nghiệp Việt Nam 2020 được tổ chức ngày 28-10, tại TPHCM.
Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dự lễ khởi công một KCN tại Long An.
Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dự lễ khởi công một KCN tại Long An.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Thành Thống cho biết, dòng vốn đầu tư toàn cầu đang có sự thay đổi mạnh mẽ và khó đoán định trong những năm gần đây do tác động của cuộc thương chiến Mỹ - Trung, các yếu tố địa chính trị trên thế giới và đặc biệt là ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, một số quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, lại trở thành điểm sáng trên bản đồ thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. 
Dòng vốn dịch chuyển vào Việt Nam chủ yếu đến từ các nền kinh tế châu Á, Hoa Kỳ và trong nội khối ASEAN. Để đạt được điều này, đó là nhờ những hành động rất tích cực của Chính phủ và người dân trong việc vừa kiểm soát tốt dịch Covid-19, vừa thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, chặn đà suy giảm kinh tế. 
Ngoài ra, theo Thứ trưởng Võ Thành Thống, dòng vốn dịch chuyển vào Việt Nam còn do môi trường đầu tư tại Việt Nam ngày càng hấp dẫn như: nền chính trị ổn định, thủ tục hành chính được cải cách thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư nước ngoài, nguồn nhân lực dồi dào, thị trường tiềm năng, chi phí cạnh tranh, vị trí địa lý thuận lợi và nền kinh tế đang hội nhập ngày càng sâu rộng... 
Bên cạnh đó, các hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký kết và có hiệu lực gần đây nhất như EVFTA cũng góp phần làm nên tính hấp dẫn của môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam. Nhờ sự đóng góp từ các hiệp định này, kim ngạch xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng mạnh dù giao thương quốc tế vẫn còn bị ngắt quãng; dự trữ ngoại hối tăng lên mức kỷ lục, trái ngược với thực trạng của nhiều nền kinh tế đang phải chịu tác động nặng nề của đại dịch bởi sự gắn chặt tăng trưởng với xuất khẩu và quá chú trọng đầu tư sản xuất hàng hóa.
Từ thực tiễn đó, Việt Nam đang chuẩn bị những tiền đề cần thiết để sẵn sàng đón nhận làn sóng chuyển dịch đầu tư mới, trở thành cứ điểm sản xuất quan trọng của thế giới. Trong đó, việc chuyển đổi khu công nghiệp truyền thống sang khu công nghiệp sinh thái đang là xu thế mới hiện nay. 
Theo ông Lê Trọng Hiếu, Giám đốc Bộ phận Tư vấn kinh doanh văn phòng và BĐS công nghiệp Công ty CBRE Việt Nam, hiện nguồn cung đất công nghiệp cho thuê tại các tỉnh, thành phía Bắc và phía Nam đang hạn chế như: Hải Phòng, Bắc Ninh, Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, TPHCM, Long An. Chính vì vậy, nhà xưởng và nhà kho xây sẵn cho thuê đang làm tiềm năng và thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm. 
Cụ thể, quý III-2020, nguồn cung mới nhà xưởng và nhà kho xây sẵn tăng mạnh ở các khu công nghiệp (KCN) trọng điểm. Trong đó, xưởng và kho xây sẵn tại miền Bắc đạt khoảng 2,1 triệu m2, tăng trưởng 25,3% so với cùng kỳ. Tại miền Nam, diện tích kho xây sẵn đạt 2,7 triệu m2, tăng 28,2% so với cùng kỳ; xưởng xây sẵn đạt 2,9 triệu m2, tăng 11% so với cùng kỳ. Giá chào cho thuê cũng tăng mạnh, trong đó giá chào cho thuê đất công nghiệp tại một số KCN phía Nam như TPHCM, Đồng Nai, Long An tăng 20 – 30% so với cùng kỳ. Với xưởng xây sẵn, giá chào thuê vẫn ổn định, tuy nhiên giá cho thuê kho xây sẵn tăng 5 -10% ở các dự án mới.
Thứ trưởng Võ Thành Thống cho biết, hiện cả nước có 336 KCN có tổng diện tích khoảng 97.800 ha với cơ sở hạ tầng công nghiệp, dịch vụ kho bãi, logistics… đang tiếp tục phát triển mạnh để đáp ứng nhu cầu đầu tư, phát triển cơ sở sản xuất của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Để giải quyết thách thức từ hoạt động công nghiệp, các KCN đang từng bước chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng bền vững hơn về kinh tế, xã hội và môi trường. 
Từ năm 2015-2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với một số nhà tài trợ thí điểm chuyển đổi KCN truyền thống sang KCN sinh thái, chuyển đổi không gian phát triển công nghiệp từ chiều ngang sang chiều sâu và đảm bảo nhu cầu cho người lao động. Trong thời gian tới, Chính phủ tiếp tục hoàn thiện thể chế, ban hành những chính sách thu hút đầu tư thông thoáng nhưng có chọn lọc, ưu tiên các dự án sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường và gắn với xu hướng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. 
Cơ sở hạ tầng tiếp tục được nâng cấp, bao gồm các KCN, khu kinh tế đã có đủ hạ tầng, nhà xưởng, đủ điều kiện đón cả các “đại bàng lớn”. Trong tương lai, có thể sẽ thực hiện thí điểm một số cụm liên kết ngành nhằm hình thành mạng sản xuất, chuỗi cung ứng và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu tại một số địa phương.

Các tin khác