A Pa Chải không xa

A Pa Chải không xa

(ĐTTCO) - A Pa Chải thuộc xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Đây là mảnh đất cực Tây Tổ quốc, với cột mốc số 0 là ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Trung Quốc.

Trước đây, mỗi lần nhắc tới A Pa Chải - nơi con gà gáy cả 3 nước cùng nghe tiếng, ai cũng cảm thấy vô cùng gian nan, khó khăn vì đường đi quá xa xôi, vất vả. Nhưng giờ đây, với những con đường nhựa thông suốt, vùng phên dậu thiêng liêng của Tổ quốc trở nên gần gũi hơn, với sự đổi mới từng ngày và tình người nồng ấm.

1. Để tới được A Pa Chải có thể đi theo 2 hướng. Thuận lợi nhất là đi máy bay từ Hà Nội lên Điện Biên, rồi đi ô tô, hoặc xe máy từ TP Điện Biên Phủ di chuyển theo Quốc lộ 12 và Tỉnh lộ 131 qua các huyện Nậm Pồ rồi tới Mường Chà, sau đó là huyện Mường Nhé dài chừng 200km. Tiếp đó, từ trung tâm huyện Mường Nhé đi thêm chừng 50km nữa tới xã Sín Thầu để khám phá cực Tây của Tổ quốc.

Chúng tôi chọn hướng thứ 2. Từ Hà Nội theo cao tốc Nội Bài - Lào Cai, lên Sa Pa. Sau 1 đêm nghỉ ở Sa Pa, chúng tôi chinh phục đèo Ô Quy Hồ dài hơn 30km - một trong tứ đại danh đèo ở phía Bắc. Sau khi vượt qua đèo Ô Quy Hồ, chúng tôi tới Tam Đường, rồi đến TP Lai Châu, qua Phong Thổ, Sìn Hồ. Theo Quốc lộ 4D, dọc theo sông Nậm Na, rồi qua cầu Hang Tôm mới trên sông Đà với vùng lòng hồ thủy điện Lai Châu, sang huyện Mường Lay tỉnh Điện Biên, sau đó lên Mường Nhé.

Để chinh phục được vùng đất cực Tây Tổ quốc, đặc biệt với các du khách từ miền Nam, đây là cung đường ý nghĩa. Bởi sẽ được trải nghiệm vẻ đẹp hùng vĩ của núi rừng Tây Bắc, với những con đường, đỉnh đèo, dòng sông đầy thơ mộng, nhưng cũng hết sức “dữ dội”, thử thách các tay lái.

Trên cung đường này, với Quốc lộ 4D mới, chợt bâng khuâng nhớ về thị xã Lai Châu cũ, bản Chãn Nưa rất đẹp của người Thái, chiếc cầu dây văng Hang Tôm đầy vết chứng lịch sử bắc qua sông Đà… Tất cả giờ đã nằm dưới lòng nước hồ thủy điện Lai Châu mênh mông. Một phần lịch sử của vùng đất Tây Bắc ở đó, đầy huyền hoặc, nhớ thương.

Hành trình khám phá A Pa Chải của chúng tôi vào dịp cuối thu và đầu đông, thời tiết tuyệt đẹp, ban ngày nắng vàng ấm áp, rực rỡ trải khắp núi non hùng vĩ xen lẫn những thửa ruộng bậc thang đang mùa lúa chín báo hiệu “mùa vàng” bội thu.

Tuyệt vời hơn, núi rừng Tây Bắc cuối thu, đầu đông cũng là thời điểm mùa hoa dã quỳ nở rộ vàng óng, trải dài bên những cung đường đèo dốc quanh co. Hoàng hôn buông xuống, mây mù bắt đầu giăng khắp miền sơn cước, cũng là lúc chúng tôi đến Km số 0 ở trung tâm huyện Mường Nhé. Phố huyện vùng cao đông vui và sầm uất chẳng kém gì dưới xuôi.

2. Sau đêm ngon giấc tại nhà nghỉ bình dân ở trung tâm Mường Nhé, sớm hôm sau khi những lớp sương mù dày đặc chưa kịp tan, không khí lạnh buốt, chúng tôi thức dậy chuẩn bị chuyến “hành quân” lên cực Tây Tổ quốc. Chặng đường từ huyện Mường Nhé vào xã Sín Thầu không chỉ khá dễ đi còn có nhiều cảnh đẹp với những nếp nhà sàn của đồng bào dân tộc lúc thấp thoáng trên các sườn núi, khi ẩn hiện sau những tán cây rừng, khiến cung đường trở nên ngắn hơn.

Chưa đầy 2 giờ, chúng tôi đã tới được Đồn biên phòng A Pa Chải đóng quân trên địa bàn xã Sín Thầu. Đây cũng là “chốt” kiểm soát quan trọng đầu tiên đối với bất kỳ ai muốn khám phá, chinh phục cột mốc số 0 ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Trung Quốc nằm trên đỉnh núi Khoan La San.

Cột mốc số 0, hay còn gọi cột mốc A Pa Chải thuộc địa phận bản Tá Miếu, được hoàn thành vào ngày 27-6-2005. Toàn bộ cột mốc được làm bằng đá granit, nằm trên bệ đá hình lục giác, ngoài cùng là khối vuông với diện tích 5x5m. Cột mốc cao 2m với 3 mặt quay về 3 hướng, bên trên mỗi mặt là tên nước bằng tiếng quốc ngữ và Quốc huy của mỗi quốc gia. Phía dưới cột mốc là kỳ đài lớn, trang trọng sẽ hiện hữu trong nay mai.

Sau cái bắt tay ấm áp, nồng nhiệt với những khách phương Nam đang ngỡ ngàng trước vẻ đẹp và sự trù phú của Sín Thầu, Trung tá Đặng Văn Tuấn, Đồn trưởng Đồn biên phòng A Pa Chải, chia sẻ theo tiếng của người Hà Nhì sinh sống tại Sín Thầu, A Pa Chải có nghĩa là “vùng đất bằng phẳng, rộng lớn”.

Đồn biên phòng A Pa Chải có nhiệm vụ quản lý 40,5km đường biên giới tiếp giáp với Lào và Trung Quốc, trong đó có cột mốc số 0. Điều này đặt ra nhiệm vụ nặng nề cho không chỉ cán bộ, chiến sĩ của Đồn A Pa Chải mà cả bà con các dân tộc tại địa phương trong việc bảo vệ vững chắc biên cương, gìn giữ hòa bình, an ninh trật tự nơi phên dậu Tổ quốc.

Vì thế, với bất kỳ ai muốn trải nghiệm, khám phá cột mốc số 0 này đều phải qua đồn biên phòng, sau đó sẽ được hỗ trợ về phương tiện và phân công chiến sĩ đưa lên mốc.

3. Chặng đường từ Đồn biên phòng A Pa Chải lên cột mốc số 0 khoảng 11km. Cách đây 10 năm, để lên được đỉnh cao thiêng liêng này chỉ có đi bộ băng rừng leo núi mất cả ngày. Những năm gần đây cung đường đã được nâng cấp cải tạo nên đi lại tốt hơn rất nhiều.

Trong đó có 4km đường đất dưới chân núi có thể đi bằng ô tô gầm cao, nhưng đi xe máy là hợp lý nhất và 7km đường nhỏ theo vách núi được đổ bê tông chỉ đi được bằng xe số. Đây là sự thay đổi rất lớn vùng đất cực Tây Tổ quốc khi đường đi lối lại đã không còn quá gian khó.

Sau nửa giờ chạy xe máy qua những cung đường quanh co rộng chừng 2m theo các vách núi, chúng tôi tới được điểm dừng chân ở lưng chừng núi, nơi có tấm bia đá khắc thông tin về cột mốc số 0.

Dừng chân nghỉ ít phút, một cán bộ biên phòng dẫn đường nhắc nhở: “Bắt đầu từ đoạn này lên mốc, tất cả xe đều phải đi số 1 nhé, chỗ nào khó quá mọi người xuống dắt bộ và đẩy xe…”. Quả thực, từ trạm dừng nghỉ này lên tới chân cột mốc chỉ khoảng 3km nhưng là đường xuyên qua rừng già liên tục quanh co, gấp khúc bên vách núi cheo leo, thậm chí nhiều đoạn đường thắt lại rất nhỏ không chỉ dốc thẳng đứng còn trơn trượt, nên chỉ cần lỡ lạc tay lái là có thể lao thẳng xuống vực, nếu không cũng đâm vào vách núi.

Chưa kể, thi thoảng, chúng tôi lại phải khom lưng để lách cả xe lẫn người chui qua những thân cây rừng bị gãy đổ chắn ngang đường đi, hoặc những tảng đá trên vách núi rơi xuống do sạt lở. Được sự hỗ trợ rất nhiệt tình của các chiến sĩ biên phòng, chỉ sau khoảng nửa giờ chúng tôi đã chạy xe tới được chân cột mốc.

Dừng xe, nghỉ ngơi chút ít, chúng tôi bắt đầu chinh phục hơn 570 bậc cầu thang bằng đá hoa cương dẫn lên mốc số 0. Nếu chặng đường từ đồn biên phòng tới chân cột mốc là sự thử thách không hề nhỏ đối với những ai thích khám phá, mạo hiểm, việc leo bậc thang để lên tới cột mốc đòi hỏi chúng tôi sức khỏe dẻo dai.

Sau chặng đường leo núi cũng không kém gian nan, cuối cùng chúng tôi cũng lên tới đỉnh Khoan La San trong ánh nắng vàng rực ngày cuối thu. Được ôm cột mốc số 0 nơi giao điểm biên giới Việt Nam - Lào - Trung Quốc, mọi cảm giác mệt mỏi đều tan biến, tất cả chúng tôi vỡ òa xúc động và tự hào khi mong muốn chinh phục được cực Tây của Tổ quốc thành hiện thực.

Giữa cái mênh mông, hùng vĩ của núi rừng Tây Bắc trùng trùng điệp điệp, được khoác lên mình lá cờ đỏ sao vàng đứng bên cạnh cột mốc số 0, thực sự đối với bất kỳ ai cũng đều dâng trào cảm giác vô cùng thiêng liêng và trân quý từng tấc đất biên cương Tổ quốc.

4. Đêm ở Đồn biên phòng A Pa Chải thật ấm cúng, thân tình. Trung tá Đặng Văn Tuấn cùng anh em trong đồn vui vẻ giao lưu cùng chúng tôi. Có các cô giáo người Hà Nhì dạy tiểu học cũng tham gia nhiệt tình, khi biết chúng tôi là khách từ miền Nam ra. Tưởng xa xôi, nhưng rồi thấy thật gần, qua những chén rượu, cái bắt tay nồng ấm, thân thiết.

Bầu trời đêm trong vắt và lâu lắm rồi chúng tôi mới thấy nhiều sao trên trời đến vậy, điều mà ở thành phố không thể. Đêm nơi cực Tây của đất nước, bình yên, sâu lắng, có tiếng cười, xen lẫn lời ca…

Chia tay A Pa Chải, Tá Miếu, Sín Thầu, Mường Nhé… theo cung đường cũ về xuôi, chúng tôi đều hẹn ngày quay lại nơi đây. Chưa xa đã nhớ. Nhớ chén rượu, cái bắt tay của các chiến sĩ biên phòng; nhớ tiếng hát của các cô giáo Hà Nhì; nhớ nụ cười bẽn lẽn của các em học sinh nội trú nơi đây; nhớ giọng nói chân tình, mộc mạc của bà con Hà Nhì trên đường lên mốc số 0; nhớ từng cung đường, địa danh vừa qua;… A Pa Chải thật gần.

Các tin khác