FED-100 năm quyền lực (K1): Món quà cho Tổng thống

Trong 1 thế kỷ, Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) đã phát triển thành một tổ chức khổng lồ. Mặc dù một số người nghi ngờ về sự tồn tại của FED, nhưng khó mà phủ nhận FED đã và đang nắm giữ quyền lực chi phối các nền kinh tế trên toàn thế giới.

Trong 1 thế kỷ, Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) đã phát triển thành một tổ chức khổng lồ. Mặc dù một số người nghi ngờ về sự tồn tại của FED, nhưng khó mà phủ nhận FED đã và đang nắm giữ quyền lực chi phối các nền kinh tế trên toàn thế giới.

Ngày 23-12-1913, Quốc hội Hoa Kỳ thông qua luật thành lập Cục Dự trữ liên bang. Vài giờ sau đó, Tổng thống Woodrow Wilson đã ký thành luật. Báo chí gọi đó là một món quà Giáng sinh sớm cho Tổng thống Wilson.

Gã khổng lồ

Năm 1907, một sự hoảng loạn đặc biệt nghiêm trọng đã xảy ra. Do không có ngân hàng trung ương nên nhà tài chính J.P. Morgan phải đứng ra can thiệp để cứu hệ thống tài chính. Ngày 23-12-1913, Quốc hội Hoa Kỳ thông qua luật thành lập FED đóng vai trò như một ngân hàng trung ương. FED chính thức hoạt động vào năm 1915, có trụ sở chính tại Washington, với bộ máy gồm: Hội đồng Thống đốc, Ủy ban Thị trường mở, mạng lưới 12 ngân hàng FED khu vực.

Không ai tại buổi lễ ở Nhà Trắng ngày hôm đó có thể đoán trước tầm vóc FED đã đạt được như bây giờ: một định chế khổng lồ với quyền lực chi phối các nền kinh tế trên toàn thế giới; các động thái của FED định hình lãi suất cho vay và tăng trưởng việc làm, ảnh hưởng đến thương mại, giá cổ phiếu, các quy tắc ngân hàng và hệ thống tài chính toàn cầu.

“Nếu Woodrow Wilson và các kiến trúc sư khác đã xây dựng nên FED biết được nó sẽ trở nên hùng mạnh như thế nào, chắc hẳn họ sẽ bị sốc. Không có ngóc ngách nào của nền kinh tế toàn cầu hiện nay không bị ảnh hưởng bởi hành động của FED” - Sung Won Sohn, giáo sư kinh tế tại Đại học California Channel Islands, đánh giá.

5 năm trước, khi cuộc khủng hoảng tài chính xảy ra, FED đã mở rộng tầm tay của nó, phản ứng với cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ những năm 1930 bằng cách nới lỏng tín dụng, in tiền và thúc đẩy niềm tin. Tác giả David Jones nghiên cứu lịch sử của FED cho biết: “FED đã phát triển thành gã khổng lồ mà về cơ bản là cánh tay thứ tư của chính phủ”.

Mở rộng ảnh hưởng

Trong 100 năm qua, FED đã mở rộng ảnh hưởng bằng 5 phương thức chính. Vào thời kỳ đầu khi mới ra đời, FED sử dụng “cửa sổ chiết khấu” làm công cụ chính. Khi các ngân hàng thương mại trong hệ thống FED lâm vào cảnh thiếu hụt tiền, họ có thể vay từ 1 trong 12 ngân hàng FED khu vực. Điều này đã hình thành vai trò quan trọng của FED như nhà cho vay tối cao.

“Cửa sổ chiết khấu” chứng tỏ tầm quan trọng trong cuộc khủng hoảng tài chính. Hàng trăm ngân hàng, trong đó có một số ngân hàng lớn nhất, đã vay mượn từ nó. FED cung cấp hàng ngàn tỷ USD các khoản cho vay tới các ngân hàng Hoa Kỳ và các ngân hàng nước ngoài có chi nhánh ở Hoa Kỳ. Nỗ lực đó, cùng với một quỹ cứu trợ được Quốc hội phê duyệt, đã giúp cứu hệ thống tài chính.

Ngày nay FED là một định chế có khả năng chi phối cả thế giới.

Ngày nay FED là một định chế có khả năng chi phối cả thế giới.

Phương thức thứ hai là “lãi suất ngắn hạn”. Đây là đòn bẩy chính của FED để gây ảnh hưởng lên nền kinh tế. Nó được phát kiến gần như ngẫu nhiên khoảng 1 thập niên sau khi FED thành lập. FED nhận thấy mình có thể ảnh hưởng đến lãi suất ngắn hạn bằng cách mua và bán trái phiếu chính phủ mà các ngân hàng dùng làm dự trữ.

FED sử dụng lãi suất ngắn hạn để đáp ứng nhiệm vụ kép của nó: Tối đa hóa việc làm và ổn định giá cả. Để giảm lãi suất, FED in tiền và mua trái phiếu từ các ngân hàng, các ngân hàng có thể sử dụng dự trữ để cho vay. Để tăng lãi suất, FED thực hiện ngược lại: bán trái phiếu chính phủ cho các ngân hàng và rút tiền ra khỏi lưu thông. FED vừa rồi đã khẳng định cam kết hạ thấp lãi suất ngắn hạn, có khả năng sẽ giữ lãi suất cơ bản ở mức thấp kỷ lục gần bằng zero ít nhất tới khi tỷ lệ thất nghiệp giảm từ 7% hiện nay xuống còn 6,5%.

Khi không thể hạ lãi suất ngắn hạn xuống dưới zero, FED thực hiện các bước khác để thúc đẩy tăng trưởng. Bắt đầu từ năm 2009, FED tiến hành chương trình mua trái phiếu chính phủ và trái phiếu thế chấp với quy mô lớn chưa từng thấy. Ý tưởng chủ đạo là để giảm lãi suất cho vay dài hạn nhằm kích thích vay và chi tiêu.

Chương trình mua trái phiếu của FED đã tăng danh mục đầu tư lên mức kỷ lục 4.000 tỷ USD, vượt quá ngân sách liên bang Hoa Kỳ và ngang ngửa với GDP cả nước Đức. Việc mua bán đã giúp giữ lãi suất dài hạn thấp. Mới đây, FED thông báo sẽ giảm quy mô chương trình từ 85 tỷ USD xuống 75 tỷ USD mỗi tháng.

Bên cạnh đó, FED trở nên cởi mở hơn. FED cố gắng bảo đảm với các nhà đầu tư rằng lãi suất ngắn hạn sẽ ở mức thấp ngay cả sau khi tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống. Sự bảo đảm này là một phần của nỗ lực công khai minh bạch hơn. Theo đó, từ thời Chủ tịch Alan Greenspan, FED đã trở nên cởi mở hơn. FED bắt đầu phát thông cáo sau mỗi cuộc họp để giải thích những gì đã làm và tại sao làm. Tới thời Ben Bernanke, FED tổ chức cuộc họp báo hàng quý, trả lời phỏng vấn trên truyền hình, thường xuyên cập nhật các dự báo kinh tế.

Quốc hội Hoa Kỳ đã tìm cách cách ly FED khỏi mọi sự can thiệp chính trị để bảo vệ tính độc lập của FED. Một số đảng viên Cộng hòa chỉ trích FED thiếu trách nhiệm. Chủ tịch Ủy ban Dịch vụ tài chính Hạ viện Jeb Hensarling có kế hoạch xem xét thay đổi hoạt động của FED vì FED ít hoặc thậm chí là không chịu sự giám sát của Quốc hội.

(Còn tiếp)

Các tin khác