Tín dụng ngân hàng: Gạn đục khơi trong

Lãi suất tiền gửi của các NHTM đã giảm mạnh và nhanh trong một thời gian ngắn, là nền tảng để lãi suất tín dụng ra nền kinh tế giảm theo. Tuy nhiên, dù ngân hàng thừa vốn nhưng doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận nguồn vốn lãi suất rẻ. Tín dụng chảy ra nền kinh tế nhỏ giọt bởi các NHTM vẫn loay hoay tìm giải pháp để “gạn đục khơi trong” mới cho vay ra.

Lãi suất tiền gửi của các NHTM đã giảm mạnh và nhanh trong một thời gian ngắn, là nền tảng để lãi suất tín dụng ra nền kinh tế giảm theo. Tuy nhiên, dù ngân hàng thừa vốn nhưng doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận nguồn vốn lãi suất rẻ. Tín dụng chảy ra nền kinh tế nhỏ giọt bởi các NHTM vẫn loay hoay tìm giải pháp để “gạn đục khơi trong” mới cho vay ra.

Ngập ngừng với lãi suất giảm

Các NHTM cũng như các chuyên gia đều cho rằng lãi suất cho vay 12-13%/năm là hợp lý để ngân hàng khơi thông dòng vốn đang ứ đọng và doanh nghiệp có vốn phục hồi, mở rộng sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, dù nhiều NHTM đã công bố lãi suất cho vay giảm xuống chỉ còn 13-14%/năm, thậm chí có ngân hàng công bố 12%/năm với những khách hàng đặc biệt, nhưng lãi suất thực tế vẫn cao, phổ biến 16-17%/năm.

Lý giải việc chưa thể tăng trưởng tín dụng mạnh, các ngân hàng cho rằng những doanh nghiệp có khả năng tài chính lành mạnh chưa mạnh dạn vay vốn do việc tiêu thụ hàng hóa đang gặp khó khăn.

Còn những doanh nghiệp muốn vay vốn lại không đủ điều kiện để được vay, như thiếu tài sản thế chấp, chưa trả được nợ cũ, hàng tồn kho tăng cao… Trong số này chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

“Tình hình tài chính của các doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay chưa minh bạch, lại thiếu tài sản thế chấp nên khó vay vốn giá rẻ của ngân hàng. Ngân hàng muốn cho vay nhưng không thể hạ chuẩn tín dụng xuống được” - một lãnh đạo ngân hàng nói.

Ông Bùi Tấn Tài, Phó Tổng giám đốc ACB, cho biết đến nay những khoản vay mới có phát sinh nhiều hơn khoản vay cũ nhưng chưa đột biến, chủ yếu là khách hàng trả nợ cũ để vay mới nhằm hưởng lãi suất thấp.

Thực tế, tìm được khách hàng mới đủ điều kiện vay vốn lúc này rất khó. Khách hàng mới tốt các NHTM đều đang nỗ lực giữ chân với nhiều ưu đãi. Vì vậy giải pháp hiện nay của nhiều NHTM là “gạn đục khơi trong” với khách hàng cũ của mình.

Ngoài ra, 4 lĩnh vực ưu tiên được nhận lãi suất rẻ theo trần lãi suất hiện nay nhưng phải có điều kiện kèm theo.

“Để việc lãi suất giảm có tác dụng đến tín dụng phải chờ 1-2 tháng nữa. Đặc biệt, hiện nay nhiều thông tin đều cho rằng lãi suất sẽ giảm tiếp nên khách hàng chần chừ, chờ đợi. Vì vậy, NHNN cần sớm tuyên bố giảm bao nhiêu là vừa” - ông Tài nói.

Theo TS. Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế, không chỉ do đầu ra chưa có triển vọng để doanh nghiệp vay vốn, mà hiện nay nhiều NHTM đang ở thế kẹt nợ xấu. Trong khi đó việc giãn nợ, cơ cấu nợ, giảm lãi suất cho những khoản vay cũ không đơn giản.

Dù NHNN đã linh hoạt khi liên tiếp hạ lãi suất điều hành phù hợp với tốc độ lạm phát, nhưng việc giảm lãi suất đầu vào chưa thể kéo theo giảm lãi suất đầu ra ngay được. Điều này cho thấy lãi suất không phải là yếu tố quyết định và nhiều NHTM sẵn sàng chấp nhận lợi nhuận ít hoặc tăng trưởng chậm để không phải tăng thêm nợ xấu.

Các NHTM chỉ cho vay với những doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh, khả năng tài chính tốt, đủ đảm bảo cho NHTM thu hồi được vốn. Nếu tới đây không có những giải pháp xử lý nợ xấu, khả năng doanh nghiệp tiếp cận vốn cũng như khơi thông tín dụng ra nền kinh tế vẫn sẽ khó khăn.

Giải pháp khơi thông dòng vốn

NHNN cho biết sẽ điều hành lãi suất thấp ổn định, không biến động nhanh để kích thích các NHTM mạnh dạn cho vay vốn. Tuy nhiên, để tạo niềm tin cho doanh nghiệp các NHTM cần công khai các kênh cho doanh nghiệp vay vốn, tiếp tục cải tiến quy trình vay vốn. Ngoài ra, cũng cần khởi động lại các quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa ở các địa phương để hỗ trợ doanh nghiệp thiếu tài sản bảo đảm có thể tiếp cận được vốn ngân hàng khi lãi suất đã ở mức chấp nhận được.

TS. CAO SỸ KIÊM,
thành viên Hội đồng Tư vấn tiền tệ quốc gia

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, không thể trông chờ NHNN có thêm chính sách để cứu doanh nghiệp và NHTM. Bởi nếu kéo dài, chi phí gia tăng, có khi cả doanh nghiệp và NHTM cùng chết. Vì vậy, đây là giai đoạn để các NHTM rà soát lại chất lượng tín dụng.

Theo đó, đối với doanh nghiệp có nguy cơ phá sản, triển vọng phục hồi không có, các NHTM có thể phải xử lý dứt điểm để làm sạch bảng cân đối tài sản. Đối với doanh nghiệp sản xuất cầm chừng, có những khó khăn tạm thời, các NHTM có thể xem xét cơ cấu nợ theo hướng nới lỏng tín dụng, tức không tăng nhóm nợ để bảo đảm doanh nghiệp nhận được mức lãi suất hợp lý.

Với doanh nghiệp tốt, có vòng quay vốn nhanh và có triển vọng thị trường trong tương lai, các NHTM cần ưu tiên lãi suất rẻ và ổn định trong 1-2 tháng để kích thích doanh nghiệp mở rộng đầu tư sản xuất kinh doanh.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB, cho rằng trong điều kiện tín dụng khó tăng hiện nay ngân hàng cần chủ động cùng doanh nghiệp tìm phương án cho vay hiệu quả, tìm giải pháp đầu ra cho sản phẩm của doanh nghiệp.

Theo đó doanh nghiệp giảm giá sản phẩm và ngân hàng giảm lãi suất cho vay. Có như vậy ngân hàng mới có thể tăng trưởng tín dụng an toàn và hiệu quả.

Có nhiều ý kiến cho rằng việc NHNN hạ lãi suất tiền gửi chỉ có lợi cho các NHTM. Bởi lẽ thời gian qua các NHTM đều khó tăng trưởng tín dụng, các kênh cho vay liên ngân hàng lỗ nặng, đầu tư trái phiếu chính phủ lãi suất đều giảm.

Việc hạ nhanh lãi suất tiền gửi sẽ giúp các NHTM tiết giảm chi phí huy động. Tuy nhiên các NHTM vẫn chưa muốn cho vay ra. Vì vậy đây là thời điểm cần kích hoạt đầu ra, buộc các NHTM phải tăng trưởng tín dụng.

Nếu ngân hàng chỉ tính toán cho riêng mình sẽ không thể tăng trưởng bền vững, mà cần phải chia sẻ với doanh nghiệp, thậm chí chấp nhận doanh nghiệp thành công trước mới có thể cùng sống và phát triển cùng doanh nghiệp.

Với thông tin Chính phủ đang có kế hoạch dành khoảng vốn nhất định để gỡ thế bế tắc của thị trường bất động sản, theo một chuyên gia ngân hàng, đây là áp lực buộc NHNN phải thực hiện. Bởi lẽ nếu không gỡ khó cho thị trường bất động sản sẽ không thể giải quyết nợ xấu của các NHTM.

Hiện nay thị trường bất động sản chiếm dụng vốn của các NHTM rất nhiều, thị trường này đóng băng lưu thông tiền tệ cũng sẽ tắc. Vì thế, bên cạnh việc kích hoạt đầu tư công để làm ấm lại thị trường bất động sản, cần khơi thông dòng vốn tín dụng NHTM cho thị trường bất động sản, chứ không nên phân biệt đối xử như thời gian qua.

Các tin khác