2023 - Cải cách thể chế tăng niềm tin DN

(ĐTTCO) - Trao đổi với ĐTTC, TS. NGUYỄN MINH THẢO (ảnh), Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM, Bộ KH-ĐT), cho biết việc tháo gỡ các nút thắt, điểm nghẽn về pháp lý, nhằm giúp doanh nghiệp (DN) hoạt động lành mạnh, hiệu quả, nâng cao sức cạnh tranh là rất cần thiết, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tuy nhiên kết quả thực hiện vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra.
Tiếp tục cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh từ bộ ngành đến địa phương, và tạoniềm tin cho DN.
Tiếp tục cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh từ bộ ngành đến địa phương, và tạoniềm tin cho DN.

PHÓNG VIÊN: - Vậy kết quả năng lực cạnh tranh quốc gia trong thời gian qua đã có những cải thiện gì, thưa bà?

TS. NGUYỄN MINH THẢO: - Trên một số bảng xếp hạng năm 2022, thứ hạng của Việt Nam tiếp tục được cải thiện so với 2021. Trình độ phát triển thị trường (thể hiện qua chỉ số Tự do kinh tế) tăng 6 bậc, từ vị trí thứ 90 lên 84. Chỉ số thành phần Tự do kinh doanh tăng mạnh với mức tăng 8,4 điểm (từ 65,2 lên 73,6 điểm). Chỉ số Phát triển Chính phủ điện tử theo xếp hạng của Liên hiệp quốc duy trì thứ hạng 86.

Ở một số lĩnh vực cụ thể, Việt Nam tăng 2 bậc về Quyền tài sản (từ vị trí thứ 84 lên vị trí thứ 82); cải thiện 17 bậc về Cảm nhận tham nhũng.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng được ghi nhận về cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Moody’s, S&P và Fitch. Fitch khẳng định mức xếp hạng của Việt Nam ở BB, triển vọng Tích cực. Moody’s nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam từ Ba3 lên Ba2, triển vọng Ổn định. S&P Global Ratings nâng bậc xếp hạng của Việt Nam lên BB+, triển vọng Ổn định.

Ở trong nước, theo kết quả đánh giá Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI 2021), chất lượng môi trường kinh doanh có chuyển biến tích cực so với những năm trước. Cụ thể, chính quyền địa phương tiếp tục phát huy tinh thần năng động và sự ủng hộ với khu vực kinh tế tư nhân, chi phí không chính thức tiếp tục xu hướng giảm trong hầu hết lĩnh vực thủ tục liên quan đến DN, hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính được cải thiện.

- Các kết quả nói trên có đủ để lạc quan, hay nói cách khác là tính bền vững của nó?

- Tôi cho rằng kết quả này vẫn chưa đủ để lạc quan. Bởi trên bảng xếp hạng toàn cầu, một số chỉ tiêu cải thiện chưa bền vững, chất lượng và thứ hạng của Việt Nam thấp hoặc không được cải thiện, thậm chí suy giảm. So với năm 2021, một số chỉ số năm 2022 giảm điểm hoặc giảm bậc.

Cụ thể, Năng lực Đổi mới sáng tạo giảm 4 bậc (từ vị trí thứ 44 xuống 48), Phát triển bền vững duy trì điểm số nhưng giảm 4 bậc (từ vị trí thứ 51 xuống 55), Mức độ tham gia Chính phủ điện tử giảm điểm và giảm 2 bậc (từ vị trí thứ 70 xuống 72).

Nhìn chung, việc cải thiện vị trí trên các bảng xếp hạng ngày càng thách thức, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế vừa trải qua giai đoạn khó khăn bởi dịch bệnh, và đang đối mặt với nhiều biến động kinh tế khó lường. Để thúc đẩy sự phục hồi của nền kinh tế, củng cố niềm tin, sự an tâm và tạo thêm động lực để DN vượt qua khó khăn, cải cách môi trường kinh doanh cần sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt và nhanh hơn nữa của các bộ, ngành, địa phương.

Đơn cử, từ giữa năm 2022 DN gặp nhiều khó khăn do chi phí đầu vào tăng cao, thị trường sụt giảm, nhiều DN phải cắt giảm sản xuất, giảm lao động, số lượng DN tạm dừng hoạt động tăng... Nhưng khi DN cần sự hỗ trợ từ những gói cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, mức độ quan tâm của bộ, ngành, địa phương lại chùng xuống. Theo đó, rất nhiều mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về cải thiện môi trường kinh doanh chưa đáp ứng yêu cầu như Chính phủ đã chỉ đạo và cộng đồng DN kỳ vọng.

Ở một số lĩnh vực, rào cản thậm chí còn nặng nề hơn, gây khó khăn cho DN. Tình trạng thanh tra, kiểm tra tăng mạnh cả về tần suất và lĩnh vực, làm giảm niềm tin của DN vào công cuộc cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh.

- Được biết trong số khoảng 22.000 văn bản được rà soát năm 2022 có đến gần 6.000 văn bản là chồng chéo, bất cập buộc phải thu hồi, bãi bỏ hoặc sửa đổi. Những con số này nói lên điều gì, thưa bà?

- Có thể nói việc rà soát và dỡ bỏ rào cản đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh do chồng chéo, mâu thuẫn, không hợp lý, khác biệt của các quy định pháp luật, đã được thực hiện từ nhiều năm qua và đây là công việc thường xuyên.

Qua đó, phát hiện nhiều văn bản pháp luật hiện hành chưa đảm bảo tính thống nhất, phù hợp và khả thi, nhất là trong lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng, nhà ở, môi trường, tài nguyên. Đây là nguyên nhân chính làm phát sinh nhiều chi phí cho DN, cũng như gây khó cho các bộ, ngành, địa phương trong giải quyết thủ tục đầu tư.

Bên cạnh đó, tâm lý lo ngại làm sai đang là thực trạng đáng lo ngại ở các cấp thực thi. Nhiều nơi, cán bộ, công chức e ngại trách nhiệm cá nhân nên giải quyết thủ tục quá chặt chẽ, mất thời gian, thậm chí phải cố tình gây khó.

Đơn cử, một số thủ tục hành chính trước đây chỉ cần 1 cơ quan giải quyết, nay phải xin ý kiến tất cả sở, ngành liên quan. Điều đó làm kéo dài thời gian và thậm chí không giải quyết được, gây nản lòng nhà đầu tư và giảm niềm tin trong cộng đồng DN. Thực trạng này có thể làm ảnh hưởng đến các kết quả cải cách đã đạt được thời gian qua.

- Một vấn đề được xem chưa có hồi kết, là cắt giảm danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và cải cách điều kiện kinh doanh. Hiện vấn đề này được triển khai như thế nào, thưa bà?

- Nghị quyết 02/NQ-CP năm 2022 của Chính phủ giao các bộ, ngành nghiên cứu, đề xuất cắt giảm Danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện; tiếp tục rà soát, kiến nghị bãi bỏ các điều kiện kinh doanh quy định tại các luật chuyên ngành liên quan. Nhìn chung, nhiệm vụ này trong năm 2022 chưa có nhiều chuyển biến.

Cũng năm 2022, thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 12-5-2020 của Chính phủ ban hành Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025, các bộ, ngành xây dựng kế hoạch cắt giảm quy định, trong đó có một số quy định về điều kiện kinh doanh. Tuy nhiên, số lượng các điều kiện kinh doanh cắt bỏ rất ít hoặc chỉ cắt bỏ những điều kiện kinh doanh ít ý nghĩa, chưa thực sự tạo thuận lợi cho DN.

- Xin cảm ơn bà.

Hiện vẫn còn nhiều điều kiện kinh doanh không cần thiết hoặc quy định chung chung, thiếu rõ ràng, khó xác định hoặc thiếu cơ sở khoa học.

Các tin khác