Tên lửa Tomahawk “đả thương” thị trường tài chính

(ĐTTCO) - Hôm thứ sáu (7-4, giờ Việt Nam), Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump bất ngờ ra lệnh phóng 59 tên lửa Tomahawk vào khu vực quân sự của chính quyền Assad. Vụ tấn công không chỉ khiến thế giới lo sợ về nguy cơ thổi bùng xung đột ở vùng đất bất ổn, mà còn khiến các thị trường tài chính toàn cầu dậy sóng.

(ĐTTCO) - Hôm thứ sáu (7-4, giờ Việt Nam), Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump bất ngờ ra lệnh phóng 59 tên lửa Tomahawk vào khu vực quân sự của chính quyền Assad. Vụ tấn công không chỉ khiến thế giới lo sợ về nguy cơ thổi bùng xung đột ở vùng đất bất ổn, mà còn khiến các thị trường tài chính toàn cầu dậy sóng.

Chờ tin thị trường, nhận tin chiến tranh

Có vẻ như các nhà đầu tư trên thế giới đã quá quen thuộc với các bất ổn chính trị như Brexit, bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ… nên trong vụ tấn công của Hoa Kỳ vào Syria, các phản ứng trú ẩn vào các tài sản an toàn chỉ mang tính chất ngắn hạn. Nhà đầu tư sớm nhận ra những thông tin kiểu này không có tác động quá lâu.

Vụ bắn tên lửa khá bất ngờ khi các nhà đầu tư đang chú ý chờ đợi kết quả bảng lương phi nông nghiệp theo lịch sẽ công bố vào tối 7-4, đồng thời diễn ra đúng lúc Nhà Trắng đang có tiệc chiêu đãi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại bang Florida.

Ông Trump cho rằng việc bắn tên lửa vào Syria nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ sau khi chính quyền Tổng thống Assad (Syria) bị cho là thủ phạm cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học, khiến hơn 70 người trong đó có cả phụ nữ và trẻ em thiệt mạng.

Giá dầu là tài sản tăng mạnh nhất so với nhiều tài sản khác sau sự kiện này khi các nhà đầu tư lo ngại sẽ có sự can thiệp của Nga và Iran, vốn là 2 quốc gia ủng hộ chính quyền Assad. Điện Kremlin nói vụ tấn công Syria sẽ làm tổn hại nghiêm trọng mối quan hệ Nga-Hoa Kỳ.

Sau đó, Moscow đã tuyên bố chấm dứt thỏa thuận quân sự với Hoa Kỳ ở Syria. Đồng thời, Nga cũng đưa một số tàu chiến có gắn tên lửa đến bờ biển Syria. Và thị trường hàng hóa bắt đầu tăng khi giá dầu WTI tại Hoa Kỳ đã tăng 1,9% lên mức cao nhất trong vòng 1 tháng qua tại mức 52,95USD/thùng. Hàng hóa tăng mạnh thứ hai là vàng, tăng 0,8% lên mức 1.261,09USD/ounce ngay sau vụ tấn công của Hoa Kỳ.

Ngược lại, các chỉ số chứng khoán khắp thế giới (ngoại trừ Nhật Bản) đều giảm điểm khá mạnh. Cụ thể, chỉ số MSCI châu Á-Thái Bình Dương (thị trường đang hoạt động tại thời điểm xảy ra vụ tấn công) giảm 0,4%.

Thị trường chứng khoán Việt Nam sáng ngày 7-4 cũng mở cửa trong diễn biến tiêu cực giống như nhiều thị trường chứng khoán trên thế giới. Các trụ cột như VNM, ACB đồng loạt mất điểm khiến chỉ số VN Index và HNX Index giảm khá mạnh. Tuy nhiên, vào đầu giờ chiều, chỉ số VN Index trở lại xu hướng tăng điểm.

Chỉ té nước theo mưa?

Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng xung đột tại Syria không tác động đến các yếu tố cơ bản của dầu và rủi ro chính trị này cũng có thể nhanh chóng qua đi. “Điều này chỉ là một sự đầu cơ đẩy giá lên cao hơn vì không có yếu tố cơ bản nào gây bất ngờ ở đây” - Hamza Khan, Trưởng bộ phận chiến lược hàng hóa tại ING, nói với CNBC.

Thực sự, việc giá dầu tăng mạnh sau sự kiện Hoa Kỳ phóng tên lửa chỉ là hành động té nước theo mưa của bên đầu cơ tăng giá khi giá dầu tương lai đã tăng trong phiên trước đó do nhu cầu tại Hoa Kỳ cao và hàng tồn kho sản phẩm thấp. Ngoài ra, 2 công ty sản xuất dầu mỏ trên cát tại Canada phải cắt giảm sản lượng sau sự cố hỏa hoạn nhà máy.

Tương tự, đà tăng của giá vàng đã có từ đầu tháng 4 do các dữ liệu kinh tế khá yếu của Hoa Kỳ. Vì vậy, việc giá vàng tăng khá mạnh sau vụ tấn công tên lửa của Hoa Kỳ vào Syria cũng thuận với xu hướng đầu cơ của bên mua khi có yếu tố rủi ro chính trị hỗ trợ. Đến tối 7-4, giá vàng tiếp tục trở lại mức cao 1.271USD/ounce sau khi dữ liệu bảng lương phi nông nghiệp được công bố khá xấu. Nói cách khác, lực tăng của giá vàng chủ yếu do các dữ liệu kinh tế yếu của Hoa Kỳ hơn là sự bất ổn chính trị.

Điều quan trọng, giá vàng khi đóng cửa phiên ngày thứ sáu đã không vượt qua đường kháng cự mạnh tạo bởi đường trung bình di động 200 ngày từ 28-2 đến nay. Thậm chí, chỉ trong phiên giao dịch buổi chiều ở Hoa Kỳ, vàng gần như xóa hết các khoản lãi trong ngày.

Giá vàng kết phiên ngày thứ sáu chỉ tăng nhẹ 0,22%. Dù có rất nhiều thông tin hỗ trợ nhưng giá vàng vẫn không thể bứt phá ra khỏi vùng kháng cự mạnh, đó là một dấu hiệu cảnh báo có thể dẫn tới sự suy yếu của giá vàng trong thời gian tới.

Dưới góc nhìn phân tích kỹ thuật, các nhà giao dịch gọi đây là mẫu hình “bia mộ” theo ngôn ngữ nến Nhật Bản, hoặc có thể xuất hiện mẫu hình “đuôi chuột túi kangaroo” theo ngôn ngữ của Alexander Elder (tác giả cuốn sách best seller- “Trading for a living”) nếu phiên tiếp theo là một thanh giá nhỏ và hẹp. 

FED đáng sợ hơn Tomahawk

Mặc dù các rủi ro chính trị không tác động lớn đến thị trường, nhưng các chính sách tiền tệ mới là vấn đề dài hạn. Ngày 11 tháng này Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) Janet Yellen sẽ có bài phát biểu về chính sách tiền tệ. Trước đó, ngày 29-3 đồng USD đã bật tăng sau khi ông Stanley Fisher, Phó Chủ tịch FED, nói FOMC (cơ quan hoạch định chính sách của FED) sẽ có thêm 2 lần tăng lãi suất trong năm nay. Nếu bà Yellen cũng phát ra những tín hiệu cho khả năng tăng lãi suất sắp tới, đồng USD có thể tăng trở lại khiến vàng, dầu giảm trở xuống.

Ngoài ra, một số dữ liệu kinh tế của Hoa Kỳ khá quan trọng cũng được công bố trong tuần tới như: Đơn xin trợ cấp thất nghiệp, chỉ số nhạy cảm của người tiêu dùng, chỉ số bán lẻ, giá tiêu dùng… Nhìn chung, dữ liệu kinh tế Hoa Kỳ trong 2 tuần qua khá lẫn lộn và chưa thấy xu hướng rõ ràng cho sự mạnh lên của nền kinh tế số 1. Trong khi chỉ số niềm tin người tiêu dùng tăng lên mức cao nhất 20 năm, các chỉ số việc làm lại không tích cực. Do đó, nhà đầu tư vẫn phải  chú ý quan sát từng dữ liệu kinh tế Hoa Kỳ để rõ hơn về khả năng FED sớm tăng lãi suất.

Đối với thị trường chứng khoán Việt Nam, yếu điểm lớn nhất của nền kinh tế vẫn đang là tỷ giá. Tỷ giá USD/VNĐ bán ra tại các ngân hàng thương mại trong tháng 3 đã gần tiệm cận ngưỡng tâm lý 23.000 đồng/USD (thị trường tự do đã vượt qua mức này). Do đó, bất cứ cú sốc tăng giá nào từ đồng USD trên thị trường tiền tệ quốc tế cũng sẽ làm tỷ giá USD/VNĐ bị ảnh hưởng tiêu cực.

Bên cạnh đó, tình trạng thiếu hụt thanh khoản ở một số ngân hàng nhỏ do hệ số an toàn vốn thấp và nhu cầu tăng trưởng tín dụng cao trong thời gian qua đang gây áp lực đến khả năng tăng lãi suất (tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống tính đến ngày 30-3 đạt 4,03% so với cuối năm 2016, cao nhất trong 6 năm,  trong khi tổng phương tiện thanh toán chỉ tăng 3,52%.)

Những bất ổn về tỷ giá và khả năng tăng lãi suất là những biến số mà các nhà đầu tư cần quan sát vì đó có thể là nguyên nhân chính khiến thị trường chứng khoán Việt Nam bị suy yếu. Các rủi ro chính trị đang cho thấy ít có tác động vào thời điểm hiện tại.

Các tin khác