Thấp thỏm giá điện tăng

(ĐTTCO) - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ vừa giao Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ liên quan, đề xuất kịch bản điều hành giá điện năm 2017 trình Thủ tướng Chính phủ chậm nhất vào cuối tháng 3; kiểm soát hiệu quả chi phí, giá thành như chi phí vật liệu đầu vào, chi phí nhân công… ĐTTC đã có cuộc trao đổi với TS. NGUYỄN NGỌC HƯNG, Viện Năng lượng Bộ Công Thương, về vấn đề này.

(ĐTTCO) - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ vừa giao Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ liên quan, đề xuất kịch bản điều hành giá điện năm 2017 trình Thủ tướng Chính phủ chậm nhất vào cuối tháng 3; kiểm soát hiệu quả chi phí, giá thành như chi phí vật liệu đầu vào, chi phí nhân công… ĐTTC đã có cuộc trao đổi với TS. NGUYỄN NGỌC HƯNG, Viện Năng lượng Bộ Công Thương, về vấn đề này.

PHÓNG VIÊN: - Kịch bản giá điện đang được Bộ Công Thương, EVN soạn thảo để trình Thủ tướng, theo ông những yếu tố nào sẽ tác động đến giá điện 2017? 

Một số chi phí đầu vào của sản xuất điện đã tăng liên tục từ năm 2015 nhưng chưa được cân đối trong giá điện, đặc biệt là than. Riêng giá than cho điện tăng thêm 7% từ cuối năm 2016 sẽ làm chi phí sản xuất điện trên 4.692 tỷ đồng. Năm 2017 EVN đặt mục tiêu sản xuất và mua 197,2 tỷ kWh tăng 11,4%, điện thương phẩm ước đạt 177,59 tỷ kWh tăng 11,5% so với năm 2016.

Ông NGUYỄN NGỌC HƯNG: - Nhu cầu tiêu dùng điện và giá nhiên liệu là 2 yếu tố tác động trực tiếp đến đến giá điện trong năm nay. Tôi chưa đọc các thông số tính toán đầu vào của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nên không biết trong kịch bản những yếu tố nào tác động đến giá bán điện.

Giá điện năm nay sẽ tăng, trước hết do nhu cầu tiêu thụ điện hàng năm của nền kinh tế tăng. Với ước tính với tốc độ tăng trưởng kinh tế hiện nay, nhu cầu tiêu thụ điện sẽ tăng 11-12%/năm. Để tận dụng ưu thế giá thành sản xuất, các nhà máy nhiệt điện than, nhiệt điện khí được đưa vào vận hành ngày càng nhiều, trong khi các nhà máy thủy điện - nguồn điện giá rẻ - đã phát triển đến mức giới hạn.

Đặc biệt, gần đây Việt Nam đang nâng dần tỷ lệ điện tái tạo như điện gió, điện mặt trời trong cơ cấu nguồn điện. Đây là nguồn điện sạch, nhưng chi phí sản xuất lớn. Thí dụ, giá thị trường của dự án điện gió 7,8 cent/kwh, giá này gần bằng giá bán lẻ điện của EVN trên thị trường hiện nay khoảng 8 cent. Do đó, việc tăng giá điện trong năm nay khó tránh khỏi.

Bên cạnh đó, khi nhu cầu sử dụng điện tăng, ngành điện phải huy động những nguồn điện mới như nhiệt điện than, nhiệt điện khí, điện tái tạo nên giá thành sản xuất điện phải tăng theo. Vấn đề đặt ra hiện nay là giá điện tăng bao nhiêu thì hợp lý với tốc độ tăng của giá nhiên liệu, tốc độ tăng chi phí đầu tư phát triển nguồn điện.

Bên cạnh đó hệ thống truyền tải điện hiện nay cũng tác động khá nhiều đến giá bán điện, dù yếu tố này không phụ thuộc vào giá nhiên liệu. Đó là chưa kể đến chi phí lãi vay, tỷ giá trong cơ cấu nguồn vay của EVN cho phát triển nguồn điện và hệ thống truyền tải.

 - Vậy giá nhiên liệu đầu vào như than, khí, dầu sẽ tác động thế nào đến giá thành sản xuất điện, thưa ông?

- Than, khí hóa lỏng, dầu là những nhiên liệu đầu vào của các nhà máy nhiệt điện đang hoạt động hiện nay. Theo quy hoạch điện VII, tổng công suất nguồn điện đến năm 2030 đạt 136.000MW, trong đó nhiệt điện than 55.000MW, thủy điện 28.000MW, nhiệt điện khí 19.000MW, năng lượng tái tạo 27.000MW, điện hạt nhân 4.600MW, nhập khẩu 1.800MW. Xét theo cơ cấu nguồn điện, riêng nhiệt điện than sẽ đóng góp 53% tổng công suất nguồn điện.

Theo tính toán của các chuyên gia Viện Năng lượng, với các nhà máy nhiệt điện than giá nhiên liệu than đầu vào chiếm 30-40% chi phí sản xuất điện, tùy theo công nghệ sản xuất của từng nhà máy. Còn với nhiệt điện khí, chi phí nhiên liệu đầu vào cao hơn, chiếm 60-70% chi phí sản xuất điện.

Theo tính toán của chúng tôi, nếu giá than tăng 10%, giá điện sản xuất của các nhà máy nhiệt điện sẽ tăng 3-4%. Còn với nhiệt điện khí thấp hơn, nếu giá khí tăng 10%, giá thành sản xuất điện của các nhà máy nhiệt điện khí tăng khoảng 2%.

- Nhìn vào giá nhiên liệu đầu vào cho các nhà máy điện hiện nay chỉ có giá than tăng, còn giá dầu và khí không tăng so với thời điểm trước 2015. Theo ông thời gian tới cần lộ trình tăng giá điện thế nào cho phù hợp?

- Tăng giá điện cụ thể bao nhiêu % cần nhìn vào bảng cân đối chi tiết, thông số đầu vào của EVN trong kịch bản giá điện 2017 mới tính toán chính xác được. Các nhân tố cấu thành giá điện hiện nay gồm giá phát điện, giá truyền tải, giá phân phối và dịch vụ phụ trợ.

Trong đó, giá phát điện, hay giá sản xuất điện chiếm phần lớn giá bán điện hiện nay, ước tính chi phí sản xuất điện chiếm 60-70% giá bán điện trên thị trường. Theo một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB), để đảm bảo tình hình tài chính lành mạnh cho EVN trong điều kiện hiện tại, giá điện bán lẻ phải tăng 8-10%/năm mới đảm bảo cho các đầu tư dài hạn của EVN.

Hiện tỷ lệ nhà máy nhiệt điện chạy dầu trong hệ thống phát điện gần như không có, chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong cơ cấu nguồn điện. Tỷ lệ nhiệt điện khí cao hơn, khoảng trên 20% cơ cấu nguồn điện. Tuy nhiên giá khí, giá dầu tại các mỏ trong nước cung cấp cho nhà máy nhiệt điện hiện liên kết không chặt chẽ với giá khí, giá dầu trên thị trường thế giới, mà chỉ tiếp cận được một phần với giá thế giới nên tỷ lệ trượt giá vẫn còn rất lớn.

Để có liên hệ trực tiếp với giá khí, giá dầu thế giới, bản thân giá khí thị trường trong nước phải là giá thị trường. Vì vậy, việc giảm giá của giá dầu, giá khí trên thị trường thế giới có tác động đến thị trường trong nước nhưng không nhiều vì giá nhiên liệu trong nước không giảm nhanh như tốc độ của thị trường thế giới.

- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác