Bàn cờ Nga - phương Tây (K2): Tung hỏa mù

(ĐTTCO) - Dù không bị sụp đổ như mong muốn của phương Tây, nhưng rõ ràng nền kinh tế Nga đã rơi vào tình thế khó khăn trong những năm qua. Điều này đã thổi bùng làn sóng biểu tình phản đối của dân chúng, khiến giới chóp bu Nga không hài lòng. Trước tình huống này, Tổng thống Vladimir Putin quyết định đi một nước cờ hiểm.

(ĐTTCO) - Dù không bị sụp đổ như mong muốn của phương Tây, nhưng rõ ràng nền kinh tế Nga đã rơi vào tình thế khó khăn trong những năm qua. Điều này đã thổi bùng làn sóng biểu tình phản đối của dân chúng, khiến giới chóp bu Nga không hài lòng. Trước tình huống này, Tổng thống Vladimir Putin quyết định đi một nước cờ hiểm.

Nền kinh tế Nga đang bị đe dọa

Theo Anthony Tata, bình luận viên an ninh của CNN, kể từ năm 2014 tới nay Nga đã chứng kiến sự sụt giảm lên đến 50% cả về giá trị nội tệ lẫn kinh tế. Vào tháng 2-2014, 1 đồng rúp có thể ăn 2,8 cent, nhưng đến tháng 1-2016 chỉ giá trị 1,2 cent, tức giảm tới 57%. Tuy nhiên, trong năm 2016 đồng rúp có hồi phục đôi chút và tính đến ngày 21-2 năm nay, 1 rúp có giá tương đương 1,7 cent, tức giảm khoảng 40% so với thời điểm trước khi bị Hoa Kỳ và phương Tây cấm vận (tháng 3-2014).

GDP Nga cũng giảm mạnh trong những năm qua. Theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), năm 2014 GDP của nước này là 2.053 tỷ USD, nhưng chỉ còn 1.331 tỷ USD năm 2015, tức giảm khoảng 35%.

Hệ quả tất yếu khi mức sống của người dân giảm tới 14,4% trong năm 2016. Trong vòng 12 tháng, tài sản các hộ gia đình giảm từ 12.086USD xuống 10.344USD - theo Báo cáo Thịnh vượng toàn cầu (GWR) của Credit Suisse. Sự sụt giảm tài sản này lại làm gia tăng khoảng cách giữa những người giàu nhất với toàn xã hội.

Theo ước tính, 89% sự thịnh vượng của xứ Bạch dương nằm trong tay của 10% hộ giàu, một tỷ lệ cao nhất thế giới. Tỷ lệ này ở Hoa Kỳ chỉ 78% và Trung Quốc là 73%. Một ước tính gần đây của Cục Kiểm toán Nga, đến năm 2019 ước tính cả nước sẽ có 20,5 triệu người sống dưới ngưỡng nghèo đói, tăng 1,4 triệu người so với năm 2015.

Dù những vấn đề này không làm kinh tế Nga sụp đổ, nhưng ông Putin từng coi tăng trưởng kinh tế là nền tảng cho tính chính danh của mình, bởi ông từng cam kết chính phủ của mình sẽ giúp người dân cải thiện mức sống. 

Những chiến thắng nhỏ

Khi nền kinh tế bị đe dọa, Putin bắt đầu đi tìm những kế sách để lấy lại uy tín. Một trong những kế sách đó là làm theo khuyến nghị của Bộ trưởng Vyacheslav von Plehve, Đế quốc Nga (cách nay hơn 100 năm): “Chúng ta cần một chiến thắng nhỏ”.

Putin đang được hưởng lợi từ 3 cuộc chiến như vậy tính đến thời điểm hiện tại: cuộc chiến năm 2008 ở Gruzia, cuộc sáp nhập Crimea năm 2014 và cuộc can thiệp hiện vẫn được duy trì ở Syria từ tháng 9-2015. Trước tiên, với cuộc chiến ở miền Đông Ukraine vào 2008, Putin được cho là người đã hỗ trợ cho những phần tử ly khai chống lại Kiev. Cuộc chiến này lúc đầu đã mang lại những lời tụng ca từ người Nga ở Đông Ukraine, cũng như người dân trong nước, giúp họ như sống lại thời vẻ vang khi Liên Xô là 1 trong 2 siêu cường của thế giới.

Tuy nhiên, qua thời gian cuộc chiến này hiện đang phải gánh chịu nhiều rủi ro, vì người Nga bắt đầu nhận ra họ không được lợi ích thực tiễn gì. Giới phân tích cho rằng cuộc chiến ở Đông Ukraine là một thất bại trong chính sách đối ngoại của Moscow, cho thấy dù có ưu thế quân sự so với các nước láng giềng, nhưng Nga không đủ khả năng theo đuổi các cuộc chiến tranh kéo dài.

Với Crimea, người ta cũng thấy một sự đuối sức tương tự. 2 năm sau khi bán đảo này bị Nga “đánh cắp” khỏi Ukraine, báo New York Times (NYT) đã làm một cuộc đánh giá cẩn thận. Điều đầu tiên được ghi nhận là bán đảo Crimea đã trở thành một “hòn đảo”, bởi nó đã hoàn toàn tách khỏi đất liền bằng một ranh giới bị quân sự hóa, bị cấm vận và gần như bị lãng quên bởi cộng đồng quốc tế và giới truyền thông. Nhà văn Nga Leonid Kaganov nói việc sáp nhập Crimea giống như “ăn cắp một chiếc điện thoại đắt tiền mà quên lấy cục sạc”.

Trong thực tế, chỉ cần Ukraine cắt nguồn điện, Crimea chẳng khác nào điện thoại hết pin. Kể từ khi bị sáp nhập, kinh tế Crimea rơi vào khủng hoảng do đồng rúp lao dốc, giá hàng tiêu dùng cơ bản tăng do những gián đoạn về nguồn hàng.

Trong khi đó, những người trẻ có chuyên môn hầu như đều tìm cách “thoát ly” khỏi bán đảo để tìm kiếm cơ hội lớn hơn tại những thành phố của Ukraine như Kiev và Lviv, hay ở Tây Âu. Moscow đã tìm mọi cách để lấy Crimea, nhưng khi có được rồi họ chẳng mấy quan tâm đến. Vì vậy, Crimea đã trở thành cái ổ hoàn hảo cho tham nhũng quy mô lớn, đầu cơ trục lợi và vi phạm nhân quyền.

Biếm họa về nỗ lực đánh lạc hướng của Putin.

Biếm họa về nỗ lực đánh lạc hướng của Putin.

Nước cờ nguy hiểm

Từ tháng 9-2015, Nga bắt đầu tham chiến ở Syria với tuyên bố muốn dẹp tan lực lượng khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và bảo vệ chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad trước các phiến quân. Bước đi này của ông Putin khiến một số người kinh ngạc, vì trong bối cảnh nền kinh tế trong nước đang suy thoái do cấm vận, tại sao Moscow lại mạo hiểm tốn thêm tài lực và con người cho chiến tranh.

Trái lại, một số người tin đây là nước cờ khôn ngoan của Putin, để lôi kéo sự chú ý của người dân trong nước ra khỏi nền kinh tế ảm đạm ở quê nhà, đồng thời làm trỗi dậy niềm tự hào dân tộc của người Nga.

Để cổ vũ tinh thần dân tộc, Putin còn dùng đến một nước cờ khác, đó là “nắn gân” Hoa Kỳ, đối thủ truyền kiếp của Nga. Kể từ khi tỷ phú Donald Trump lên làm Tổng thống Hoa Kỳ, quân đội Nga đã có nhiều động thái khiêu khích, như đi tuần ở dọc bờ biển Đông Hoa Kỳ bằng tàu gián điệp; cho máy bay chiến đấu bám theo một tàu chiến của Hoa Kỳ ở Biển Đen; phớt lờ hiệp ước kiểm soát vũ khí bằng việc triển khai một loại tên lửa hành trình mới...

Song song đó, Putin cũng mở một cuộc chiến khác ở quê nhà. Đó là cuộc chiến nhắm vào những người phản đối, đặc biệt là giới chóp bu. Giới phân tích cho rằng không phải Hoa Kỳ hay phương Tây, mà giới chóp bu trong nước mới chính là mối đe dọa lớn nhất đối với quyền lực của Putin. Đó là lý do vì sao ông đã lần lượt sa thải các tướng lĩnh KGB kể từ tháng 8-2014, đồng thời tìm cách loại trừ các đối thủ tiềm tàng.

Ông cũng hạ bệ những nhân vật nhiều ảnh hưởng có khuynh hướng ủng hộ chủ nghĩa tự do, chẳng hạn việc bắt giữ Bộ trưởng Phát triển Kinh tế Alexei Ulyukaev vào ngày 15-11 năm ngoái. Tuy nhiên, cuộc chiến này vẫn chưa đạt thắng lợi, với việc các tướng lĩnh Nga vẫn chiếm đa số trong “Bộ Chính trị đích thực” của đất nước, tức Hội đồng An ninh.

Tất cả những nước cờ này của Putin đều có rủi ro, được xem như những nước cờ thí. Với cuộc chiến Syria, nó có thể khiến nền kinh tế đang khủng hoảng của Nga thêm kiệt quệ. Với chính sách khiêu khích Hoa Kỳ, Nga có thể bị nhận những biện pháp đáp trả. Với cuộc thanh trừng trong nước, có thể dẫn đến cảnh tức nước vỡ bờ. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng ông Putin cũng không có nhiều lựa chọn, vì dầu mỏ, nguồn tài nguyên quan trọng nhất của Nga, vẫn duy trì ở vùng giá thấp và triển vọng phục hồi rất khó khăn.

Để “sống sót”, Moscow phải một mặt đi tìm một mô hình kinh tế mới ít phụ thuộc dầu mỏ, một mặt đánh lạc hướng sự chú ý của người dân bằng những cuộc chiến ở bên ngoài.

Các tin khác