Kiều hối ra sau chịu thiệt

(ĐTTCO) - Thêm 2 công ty hoạt động trong lĩnh vực kiều hối trực thuộc 2 NH tư nhân vừa được NHNN chấp nhận thành lập, hứa hẹn thêm kênh lựa chọn cho khách hàng, thu hút nhiều hơn lượng tiền từ nước ngoài gửi về Việt Nam. Ở một góc độ khác, sự cạnh tranh trong lĩnh vực này cũng cho thấy sẽ quyết liệt hơn giữa các tổ chức nội địa với nhau và các tổ chức quốc tế.

(ĐTTCO) - Thêm 2 công ty hoạt động trong lĩnh vực kiều hối trực thuộc 2 NH tư nhân vừa được NHNN chấp nhận thành lập, hứa hẹn thêm kênh lựa chọn cho khách hàng, thu hút nhiều hơn lượng tiền từ nước ngoài gửi về Việt Nam. Ở một góc độ khác, sự cạnh tranh trong lĩnh vực này cũng cho thấy sẽ quyết liệt hơn giữa các tổ chức nội địa với nhau và các tổ chức quốc tế.

Khách hàng thuận lợi 

Các tổ chức nước ngoài thường có lợi thế về uy tín, bảo mật, công nghệ, đặc biệt là lợi thế quy mô vì người dân địa phương ở khắp thế giới có thể thực hiện chuyển tiền. Chỉ khi nào công nghệ chuyển tiền phát triển yếu tố mạng lưới cạnh tranh mới giảm đi, do đó đối với những đơn vị mới sẽ gặp phải nhiều sự cạnh tranh.

BacABank và OCB là 2 NH vừa được Thống đốc NHNN chấp thuận thành lập công ty con sở hữu 100% vốn điều lệ để hoạt động trong lĩnh vực kiều hối, đúng như kế hoạch vạch ra từ ĐHCĐ tháng 4-2016.

Công ty Chuyển tiền quốc tế OCB dự kiến có vốn điều lệ ban đầu 25 tỷ đồng, nhắm đến sự chuyên biệt hóa dịch vụ, ngoài khai thác kiều hối còn cung cấp thêm các lựa chọn dịch vụ như nhận tiền tại quầy, tại nhà, chuyển khoản. Trong khi đó, BacABank thành lập Công ty TNHH MTV Kiều hối Bắc Á với số vốn điều lệ dự kiến 77 tỷ đồng.

 Trước đó, thị trường đã có những công ty kiều hối của các NH như VietinBank, BIDV, Agribank, ACB, Sacombank, DongABank, Vietcombank. Năm 2016, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh ngoại hối của nhiều NH đạt tích cực. Vietcombank đạt 1.850 tỷ đồng, VietinBank 685 tỷ đồng, BIDV 534 tỷ đồng, Sacombank 267 tỷ đồng, tất cả đều là những con số tăng trưởng mạnh mẽ so với năm 2015.

Được biết, chỉ riêng Công ty Kiều hối của Sacombank có doanh thu chi trả kiều hối năm 2016 đạt khoảng 1,5 tỷ USD. Tương tự, Công ty Kiều hối Đông Á với tổng doanh số kiều hối khoảng 1,43 tỷ USD, tăng 5% so với năm 2015.

Hiện nay, dịch vụ của các công ty kiều hối trong nước ngày càng được chú trọng để thu hút người tiêu dùng. Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TPHCM, cơ chế thu hút kiều hối của Việt Nam hiện nay khá thông thoáng và nhiều dịch vụ ưu đãi, người nhận kiều hối không phải tốn bất kỳ khoản chi phí nào, không phải đóng thuế thu nhập cá nhân.

Họ có thể mở tài khoản, gửi tiết kiệm tại các NH, hoặc nhận bằng tiền mặt, bằng chuyển khoản và thậm chí có thể bán lại ngoại tệ bất cứ lúc nào. Chẳng hạn tại khu vực TPHCM, lượng ngoại tệ chuyển sang tiền đồng chiếm khoảng 35% trong năm 2016, tăng hơn so với năm trước.

Ở một khía cạnh khác, có ý kiến cho rằng mảng kiều hối đóng góp không nhiều vào hoạt động của NH. Tuy nhiên hoạt động kiều hối không chỉ đơn giản là thu phí, mà các NH còn được hưởng lợi từ kinh doanh ngoại hối và bán chéo sản phẩm cho người gửi, người nhận. Tức bên cạnh việc phục vụ chính sách, thu hút nguồn ngoại tệ cho Việt Nam, các nhà băng có thể tăng nguồn tiền gửi vì nhiều khách hàng còn xu hướng chọn chuyển đổi ngoại tệ thành tiền đồng để gửi tiết kiệm.

Chi trả kiều hối tại Công ty Kiều hối Đông Á.

Chi trả kiều hối tại Công ty Kiều hối Đông Á.

NH phải cạnh tranh

Trước khi quyết định tham gia vào hoạt động kiều hối, lãnh đạo BacABank từng nhận định tiềm năng thị trường rất lớn, nhưng thực tế lợi nhuận phần lớn thuộc về các tổ chức quốc tế; các hình thức giao dịch với khách hàng chủ yếu diễn ra tại quầy, hình thức trực tuyến 100% chưa được chú trọng khai thác. BacABank kỳ vọng Công ty Kiều hối Bắc Á được thành lập sẽ khai thác tiềm năng của thị trường, cung cấp dịch vụ nhận chuyển kiều hối theo hình thức online và offline, trong đó hình thức online sẽ chiếm vai trò chủ đạo, khác biệt với mô hình hoạt động offline của tất cả đối thủ hiện nay trên thị trường.

Trong khi đó, OCB cũng kỳ vọng hoạt động của Công ty Chuyển tiền quốc tế OCB sẽ hiệu quả với kế hoạch doanh số năm 2017 đạt 4.131 tỷ đồng và năm 2018 đạt 6.885 tỷ đồng.

Bản chất của kiều hối là nhận và chi tiền xuyên quốc gia. Dòng tiền bắt buộc phải đi qua hệ thống thanh toán của NH, nhưng một số tổ chức quốc tế độc lập bên thứ 3 có nhiều mối quan hệ sẽ đứng ra làm trung gian. Hiện nay ở Việt Nam, bên cạnh dịch vụ kiều hối của NH, công ty kiều hối trực thuộc các NH, từ trước đến nay vai trò này được biết đến nhiều bởi các tổ chức chuyển tiền thứ 3 như Western Union hay Money Gram.

Tuy nhiên, phí chuyển tiền qua các tổ chức quốc tế thường cao hơn nhiều so với các tổ chức nội địa. Có lẽ đây là điểm cạnh tranh giúp các tổ chức trong nước thu hút khách hàng. Hơn nữa, chẳng hạn như BacABank nêu ra chiến lược của họ là tập trung vào công nghệ để phát triển mảng online.

Bên cạnh dịch vụ cung cấp, thương hiệu của nhà băng cũng là nhân tố quan trọng thu hút khách hàng. Được biết, nhiều NHTM trong nước đã hợp tác với những gã khổng lồ trong lĩnh vực chuyển tiền như Western Union, Xpress Money, Wells Fargo...

Ngoài ra, kiều hối năm 2016 vào khoảng 9 tỷ USD, thấp hơn so với dự báo 12 tỷ USD hồi đầu năm. Năm 2017 lượng kiều hối về Việt Nam dự báo sẽ giảm do ảnh hưởng từ chính sách của các nước lớn trên thế giới, đặc biệt tại Hoa Kỳ, hay chính sách lãi suất tiền gửi USD bằng 0 và các cơ hội đầu tư kinh doanh trên thị trường trong nước.

Vì vậy, dù kiều hối được xem là một nguồn vốn ngoại tệ giá rẻ, tuy nhiên để xơi được miếng bánh này phải chấp nhận cạnh tranh gay gắt trong giai đoạn sắp tới.

Các tin khác