Hàng giả, nhái tràn lan vì thiếu chế tài

Theo số liệu tính toán chưa đầy đủ của cơ quan chức năng, thiệt hại từ  hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT)... gây ra mỗi năm ở Việt Nam lên tới hàng tỷ USD. Thế nhưng các chế tài xử phạt, nhất là đối với hành vi sản xuất, kinh doanh hàng nhái, hàng xâm phạm quyền SHTT chưa quyết liệt, mạnh tay khiến nhiều DN bị hại rơi vào cảnh điêu đứng. Tình cảnh “được vạ, má đã sưng” đang xảy ra đối với hàng loạt DN ở nước ta, trong đó có Công ty Liên doanh Bột Quốc Tế (Intermix) và Công ty TNHH Bột mì Đại Phong là một điển hình.

Theo số liệu tính toán chưa đầy đủ của cơ quan chức năng, thiệt hại từ  hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT)... gây ra mỗi năm ở Việt Nam lên tới hàng tỷ USD. Thế nhưng các chế tài xử phạt, nhất là đối với hành vi sản xuất, kinh doanh hàng nhái, hàng xâm phạm quyền SHTT chưa quyết liệt, mạnh tay khiến nhiều DN bị hại rơi vào cảnh điêu đứng. Tình cảnh “được vạ, má đã sưng” đang xảy ra đối với hàng loạt DN ở nước ta, trong đó có Công ty Liên doanh Bột Quốc Tế (Intermix) và Công ty TNHH Bột mì Đại Phong là một điển hình.

DN làm nhái nhận sai nhưng xử lý phải chờ

 Vài tháng nay, Công ty Intermix và Bột mì Đại Phong có 2 sản phẩm bán rất chạy trên thị trường là “Bột bánh xèo, bánh khọt Hương Xưa” Mikko và “Bột mì đa dụng (bột mì số 8)” lần lượt bị sản phẩm Hương Quê (công ty Vinamix) và “Bột mì trái lê” (Công ty Bột mì Đại Nam) xâm phạm quyền SHTT, làm y hệt mẫu mã, logo tung ra bán khắp các chợ truyền thống ở Vĩnh Long, TPHCM... trong đó thị trường các tỉnh miền Tây chiếm số lượng đáng kể.

Theo Intermix-công ty liên doanh với Nhật Bản, đơn vị đang áp dụng hệ thống quản lý công nghệ tiên tiến nên sản phẩm bán ra được khách hàng ưa chuộng, tin tưởng, từ khi sản phẩm bị xâm phạm quyền SHTT đến nay, doanh thu công ty bị sụt giảm nghiêm trọng.

Trước tình cảnh này, Intermix và Công ty Đại Phong đã gửi đơn cầu cứu, gõ cửa khắp nơi, từ văn phòng luật sư đến các sở, ngành, cơ quan chuyên trách của Trung ương cũng như địa phương.

Vẫn biết việc kiện tụng phải chuẩn bị giấy tờ, hồ sơ chứng cứ các loại mất rất nhiều thời gian, DN phải thành lập cả tổ công tác cùng các luật sư để cùng vào cuộc. Song theo đại diện Công ty Bột mì Đại Phong: DN trước giờ chỉ biết chăm chỉ làm ăn, chứ đâu rành rẽ về thủ tục pháp luật.

Nhưng khi đụng chuyện, phải chạy đôn chạy đáo để kêu cứu khắp nơi, ai hướng dẫn sao thì làm vậy. Điều bức xúc nhất của DN mặc dù chính đại diện DN bị kiện đã thừa nhận sai phạm, tung ra thị trường sản phẩm xâm phạm quyền SHTT đối với sản phẩm của Đại Phong, nhưng phía công ty vẫn phải... đợi.

Cụ thể ngày 22-3, đoàn kiểm tra liên ngành thuộc Ban Chỉ đạo 389 Vĩnh Long đã làm việc với Công ty TNHH Liên doanh Bột Sài Gòn (Vinamix và Công ty Bột mì Đại Nam đều có chung địa chỉ tại 84B, Đinh Tiên Hoàng, Tổ 8, Khóm 4, TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long).

Tại đây đại diện Công ty TNHH Liên doanh Bột Sài Gòn thừa nhận có sản xuất sản phẩm gây nhầm lẫn với Công ty Intermix. Đơn vị này đã tung ra thị trường 40 tấn bột bánh xèo, bánh khọt Hương Quê và 80 tấn bột mì trái lê. Thế nhưng, Công ty TNHH Liên doanh Bột Sài Gòn cho biết cần thời gian từ 60-90 ngày để thu hồi toàn bộ sản phẩm xâm phạm quyền SHTT đối với Công ty Intermix; đồng thời, sẽ gửi thông báo đến các đại lý về hàng hóa có nhãn xâm phạm trước đây. Đoàn kiểm tra ghi nhận thỏa thuận giữa 2 bên, còn việc xử lý vi phạm vẫn phải chờ kết luận giám định từ Bộ Khoa học-Công nghệ.

 Sản phẩm Hương Xưa bán cạnh Hương Quê trên thị trường. Ảnh: THANH HẢI

Sản phẩm Hương Xưa bán cạnh Hương Quê trên thị trường. Ảnh: THANH HẢI 

Trước đó ngày 21-3, đoàn kiểm tra liên ngành (QLTT, Công an…) tỉnh Vĩnh Long cũng đã tiến hành kiểm tra Công ty TNHH Liên doanh Bột Sài Gòn. Ghi nhận ở hiện trường, công ty vẫn hoạt động bình thường. Đại diện Vinamix xuất trình cho đoàn kiểm tra bao bì sản phẩm bột bánh xèo, bánh khọt Hương Quê đã thay đổi “nhãn hiệu và hình” từ vòng cung (bị kiện) thành vòng cung có 2 bông lúa đối đầu nhau.

Với sản phẩm bột mì có hình một trái táo (bị kiện) thì Vinamix đổi thành hai trái lê. Rõ ràng, đơn vị sai phạm đã có thời gian để sửa sai một cách ngoạn mục và DN bị hại rơi vào cảnh “được vạ, má đã sưng”, khi doanh số công ty sụt giảm, người tiêu dùng nhầm lẫn chất lượng sản phẩm chính hãng...

 Được vạ má đã sưng

Luật sư Nguyễn Minh Hương, chuyên về sở hữu công nghiệp và quyền tác giả, nhận định: Công ty Liên doanh Bột Quốc tế được thành lập ngày 23-9-2003, là DN chuyên sản xuất và kinh doanh các loại bột trộn sẵn, trong đó có sản phẩm bột bánh xèo Hương Xưa được cấp phép sản xuất từ năm 2008, sử dụng các nhãn hiệu được cấp phép hợp pháp từ các chủ sở hữu có liên quan.

Thiết kế bao bì với các chỉ dẫn của sản phẩm được Intermix sử dụng ổn định, lâu dài từ năm 2008 đến nay, đã trở nên quen thuộc, tạo ấn tượng nhận biết sản phẩm cho người tiêu dùng. Trong khi đó, sản phẩm bột bánh xèo Hương Quê (Vinamix) của Công ty TNHH Liên doanh Bột Sài Gòn có bao bì tương tự, gây nhầm lẫn với bao bì sản phẩm bột bánh xèo Hương Xưa của Intermix.

Dấu hiệu của Vinamix là yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu Intermix theo Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 61978 đã được giám định, và có kết luận của Viện Khoa học SHTT (là yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu bằng Bản kết luận giám định số NH057-17YC/KLGĐ ngày 1-3-2017).

Hơn nữa, các chỉ dẫn thương mại về các màu sắc chủ đạo, bố cục hình ảnh minh họa, cách thức trình bày nhãn hàng Hương Quê giống hoặc tương tự gây nhầm lẫn đối với bao bì bột bánh xèo Hương Xưa đã lưu hành từ năm 2008, trong khi Vinamix chỉ mới thành lập vào ngày 14-12-2016.

Việc Vinamix thiết kế bao bì bột bánh xèo Hương Quê với các chỉ dẫn thương mại tương tự gây nhầm lẫn với bao bì bột bánh xèo Hương Xưa có dấu hiệu của hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu và vi phạm cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp. Mức xử phạt vi phạm hành chính cao nhất đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp lên tới 500 triệu đồng.

Đối với DN bị hại, mỗi ngày trôi qua hết sức nặng nề vì doanh thu bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Thế nhưng, thực tế hiện nay theo quy định mức xử phạt cao nhất cho hành vi xâm phạm quyền SHTT, sản xuất hàng nhái chỉ là xử phạt hành chính, nên DN vi phạm đôi khi “lờn thuốc”. Không loại trừ khả năng DN biết sai phạm nhưng vẫn cố tình vi phạm, vì mức xử phạt vẫn chưa đủ sức răn đe.

Thêm nữa, nếu DN bị hại khởi kiện ra tòa, chờ được xử cũng tiếp tục... phải đợi. Tức DN bị hại đằng nào cũng chịu thiệt. Đã đến lúc, Nhà nước cần phải có chế tài chặt chẽ, triệt để nhằm hỗ trợ, bảo vệ các DN làm ăn chân chính trong bối cảnh hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền SHTT tràn lan, “vàng thau lẫn lộn” như hiện nay.

Chúng tôi sẽ theo dõi sát diễn biến vụ việc, đồng thời đang chờ báo cáo tổng hợp từ Ban Chỉ đạo 389 của một số tỉnh có liên quan đến vụ việc. Ban Chỉ đạo 389 luôn đồng hành, ủng hộ, bảo vệ người tiêu dùng, các DN sản xuất, kinh doanh chân chính.

Ông Trần Hùng,
Cục phó Cục QLTT, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia

Đây là hành vi cạnh tranh không lành mạnh của Công ty TNHH  Liên doanh Bột Sài Gòn. Bởi đại diện Công ty TNHH Liên doanh Bột Sài Gòn đã thừa nhận sai phạm thì cơ quan chức năng chuyên trách cần phải xử lý công ty này theo quy định pháp luật, không để DN bị hại phải tiếp tục chờ đợi.

Luật sư Nguyễn Minh Hương

Các tin khác