Làm phim từ kịch

(ĐTTCO) -  Bản nhạc “Dạ cổ hoài lang” được nhạc sĩ Cao Văn Lầu viết từ đầu thế kỷ 20. Năm 1995, vở kịch lấy tên “Dạ cổ hoài lang” ra mắt khán giả, bày tỏ tâm trạng bơ vơ tha hương của người Việt xa xứ. Và đến tháng 3-2017, tác phẩm nổi tiếng trên sân khấu được chuyển thể thành bộ phim “Dạ cổ hoài lang”.

(ĐTTCO) -  Bản nhạc “Dạ cổ hoài lang” được nhạc sĩ Cao Văn Lầu viết từ đầu thế kỷ 20. Năm 1995, vở kịch lấy tên “Dạ cổ hoài lang” ra mắt khán giả, bày tỏ tâm trạng bơ vơ tha hương của người Việt xa xứ. Và đến tháng 3-2017, tác phẩm nổi tiếng trên sân khấu được chuyển thể thành bộ phim “Dạ cổ hoài lang”.

Đưa một vở bi kịch lên màn ảnh giữa trào lưu phim hài nhảm đang tác oai tác quái trên thị trường, liệu có phải là một giải pháp tài chính khôn ngoan? Nhà đầu tư chưa hẳn hứng thú với vở kịch “Dạ cổ hoài lang” mà chủ yếu tin cậy 2 nhân vật chính do danh hài Hoài Linh và danh hài Chí Tài thể hiện sẽ thu hút khán giả.  

Còn đạo diễn Nguyễn Quang Dũng thổ lộ: “Phim chủ yếu hiện nay là phim với tuyến nhân vật có tình yêu đầu đời lãng mạn, trong sáng; phim hài… điều đó không hẳn là cái dở của nền điện ảnh vì nó vẫn ăn khách, nhưng chúng ta không có nhiều câu chuyện khác. Bản thân tôi là người làm phim, coi riết cũng ngán các phim như thế nên trước khi làm phim này, chính tôi cần có nhu cầu thay đổi với cảm xúc mới. Và với riêng tôi, trong cuộc đời có nhiều câu chuyện hay, câu chuyện chân thật, “Dạ cổ hoài lang” là một câu chuyện như thế”. 

Cảnh trong phim Dạ cổ hoài lang.
Cảnh trong phim Dạ cổ hoài lang.

Tất nhiên, người làm phim nào cũng có quyền lạc quan nhất định. Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng thực tế cũng không phải người khởi xướng ý tưởng đột phá làm phim từ kịch. Ở lĩnh vực truyền hình, nhiều bộ phim nhiều tập đã được dàn dựng từ những vở kịch quen thuộc với công chúng, thí dụ bộ phim “Một cơn mê” của đạo diễn Lê Dân từ vở kịch “Cơn mê cuối cùng” của Ngọc Linh, hoặc bộ phim “Khúc tương tư” của đạo diễn Xuân Cường từ vở kịch “Khúc nguyệt cầm” của Đoàn Bá. Còn ở lĩnh vực điện ảnh, hàng loạt bộ phim gần đây được lấy kịch bản sàn diễn mang ra phim trường như “Quả tim máu”, “Thần tiên cũng nổi điên”, “Hợp đồng mãnh thú”, “Ma nữ si tình” hoặc “Năm sau con lại về”.

 Làm phim từ kịch, có cái thuận lợi là ăn theo hiệu ứng đám đông có sẵn của tác phẩm sân khấu, nhưng cũng có cái khó là sự dị biệt thể loại. Sân khấu chủ yếu mang tính ước lệ với lời thoại nhấn nhá theo tâm lý nhân vật, còn điện ảnh lại chú trọng sự chuyển động của tình huống. Ngôn ngữ sân khấu và ngôn ngữ điện ảnh hoàn toàn khác xa nhau. Chuyển thể sân khấu sang điện ảnh là một cuộc chơi đầy phiêu lưu, đòi hỏi bản lĩnh nghề nghiệp rất cao của người làm phim. Đáng tiếc, mặt bằng chung trình độ của các đạo diễn trong làng điện ảnh chỉ “thường thường bậc trung”.

Vở kịch “Dạ cổ hoài lang” dù cặp diễn viên chính Thành Lộc - Việt Anh hay Thành Lộc - Hữu Châu đã lấy nước mắt của hàng vạn khán giả. Một vở bi kịch được dàn dựng bởi một đạo diễn chuyên trị phim hài nhảm như Nguyễn Quang Dũng quả thật khiến công chúng vừa hồi hộp vừa lo lắng cho tương lai bấp bênh của điện ảnh Việt.

Các tin khác