Lạm dụng điều kiện kinh doanh

Tại hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp do Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Bộ Công Thương tổ chức hôm qua (22-3) về vấn đề này, đại diện nhóm hơn 10 doanh nghiệp nhỏ kinh doanh mặt hàng LPG từ Phú Yên ra miền Bắc, cho biết nếu Nghị định 19 không được sửa sớm, số lượng doanh nghiệp nhỏ kinh doanh mặt hàng này sẽ giảm dần.

(ĐTTCO) - Dự thảo nghị định về kinh doanh khí thay thế Nghị định 19/2016/NĐ-CP ngày 22-3-2016 đã bãi bỏ nhiều quy định mang tính ngặt nghèo, hạn chế quyền kinh doanh của doanh nghiệp.

 

Đặc biệt là việc bỏ quy định điều kiện đối với thương nhân đầu mối phải sở hữu các bồn chứa khí và sở hữu chai chứa LPG (hay khí gas). Bởi lẽ, điều kiện phải có kho tổng dung tích các bồn chứa tối thiểu 3.000m3 đối với LPG; có số lượng chai LPG với tổng dung tích chứa tối thiểu 2.620.000 lít… được coi là yêu cầu gây khó khăn cho thương nhân trong quá trình tiếp cận đầu tư và duy trì điều kiện kinh doanh.

Tại hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp do Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Bộ Công Thương tổ chức hôm qua (22-3) về vấn đề này, đại diện nhóm hơn 10 doanh nghiệp nhỏ kinh doanh mặt hàng LPG từ Phú Yên ra miền Bắc, cho biết nếu Nghị định 19 không được sửa sớm, số lượng doanh nghiệp nhỏ kinh doanh mặt hàng này sẽ giảm dần.

Tuy nhiên, nhiều dự kiến sửa đổi về hoạt động kinh doanh khí Bộ Công Thương đưa ra trong dự thảo vẫn chưa thật sự hợp lý. Thí dụ, Khoản 6 Điều 23 về quyền và nghĩa vụ của thương nhân kinh doanh mua bán khí quy định “Được thiết lập hệ thống phân phối kinh doanh khí theo quy định của Luật Thương mại và phải đăng ký hệ thống phân phối, gửi đăng ký nhãn hiệu hàng hóa tới Bộ Công Thương” sẽ gây khó cho thương nhân kinh doanh mua, bán khí.

Bởi theo quy định này chỉ một số trạm chiết có thương hiệu riêng, việc gửi đăng ký nhãn hàng hóa thực hiện được ngay, trong khi với thương nhân mua, bán khí không thể có nhãn hiệu hàng hóa. Lý do không có thương hiệu riêng, không có vỏ gas thuộc sở hữu, họ chỉ thực hiện mua, bán hàng hóa. Nếu dùng nhãn hàng hóa của các đơn vị khác (mua theo hợp đồng) gửi về Bộ Công Thương sẽ gây ra sự chồng chéo, vì 1 thương hiệu có thể bán cho 10 thương nhân mua bán khí. Và nếu 10 thương nhân đều gửi đăng ký nhãn hàng hóa sẽ không hợp lý vì nhãn hiệu này không phải của họ.

Hay quy định về niêm yết giá, theo đại diện 1 doanh nghiệp, chỉ nên áp dụng với những cơ sở bán lẻ cho người dân, không nên áp dụng với những doanh nghiệp bán khí cho nhà máy. Bởi giá cả do hợp đồng ký kết, thỏa thuận giữa 2 bên. Chưa kể, việc giá cả, hợp đồng giữa 2 bên bị lộ ra ngoài sẽ ảnh hưởng đến sự cạnh tranh của doanh nghiệp.

Hoặc Khoản 3, Điều 31 về quyền và nghĩa vụ của cửa hàng bán lẻ LPG chai quy định “không chiếm giữ chai LPG của các thương nhân kinh doanh LPG ngoài hợp đồng mà cửa hàng đã ký”. Đúng là lâu nay có tình trạng chiếm dụng bình LPG, nhưng dự thảo nên quy định để các bên có thể kiện nhau ra tòa án, còn nếu đưa vào điều kiện kinh doanh để Bộ Công Thương giải quyết sẽ rất khó.

Dù đã có nhiều thay đổi trong tư duy soạn thảo nhưng nghị định sửa đổi kinh doanh khí vẫn vướng vào những điều khoản, câu chữ mang tính chất “cầm tay chỉ việc” của cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp. Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), bình luận vấn đề liên quan đến điều kiện kinh doanh là một trong những nhiệm vụ ưu tiên của CIEM 16 năm qua.

Qua 16 năm cải cách giai đoạn thành công nhất là 2000-2003 khi bãi bỏ được 160 giấy phép con, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển trên nguyên tắc người dân được làm những gì pháp luật không cấm. Thế nhưng, từ năm 2003 đến nay là thất bại khi hàng loạt giấy phép con, điều kiện kinh doanh quay trở lại.

Điều kiện kinh doanh là cần thiết cho quản lý, nhưng nếu lạm dụng nó sẽ cản trở sự phát triển. Luật Đầu tư đưa ra yêu cầu ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện vì liên quan đến quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng. Song quy định chung chung như vậy đang bị lạm dụng vì mọi hoạt động đều ảnh hưởng tính mạng, sức khỏe.

Rõ ràng sửa đổi Nghị định 19 và thực tế về điều kiện kinh doanh hiện nay, cho thấy việc nhiều điều kiện kinh doanh đưa ra theo hướng mô tả kỹ lưỡng hành vi doanh nghiệp phải tuân theo, can thiệp sâu vào hoạt động cần phải được bãi bỏ, thay đổi. Bởi điều đó sẽ tạo ra gánh nặng thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, tạo rào cản cho thị trường, sự cạnh tranh, hạn chế sự sáng tạo, quyền tự do hợp đồng, thỏa thuận giá cả và không phù hợp với thông lệ quốc tế.

Các tin khác