Gọi vốn bằng… Facebook

(ĐTTCO) -  Việc chuyển phân khúc khách hàng từ NĐT chuyên nghiệp sang khách hàng đại chúng đã buộc các công ty quản lý quỹ (CTQLQ) thay đổi cách thức tiếp cận với khách hàng.

(ĐTTCO) -  Việc chuyển phân khúc khách hàng từ NĐT chuyên nghiệp sang khách hàng đại chúng đã buộc các công ty quản lý quỹ (CTQLQ) thay đổi cách thức tiếp cận với khách hàng.

Không còn “sang chảnh”

Khoảng 1 năm qua, khá nhiều người làm việc hoặc có liên quan đến ngành tài chính thấy được trang facebook của CTQLQ Vietcombank (VCBF) xuất hiện trên bảng tin (news feed) của mình với những nội dung rất đời thường, gần gũi. Trang này ngoài việc giới thiệu về các quỹ mở của VCBF như BCF-VCBF hay TBF-VCBF cũng chủ động làm content (nội dung) liên quan quản lý tài chính một cách dễ hiểu. Cách lập fanpage để tiếp cận khách hàng của VCBF nhìn chung không mới nếu xét trên bình diện chung của các doanh nghiệp, nhưng cũng có thể xem là điểm nhấn trong lĩnh vực quản lý quỹ.

Trong một chừng mực nào đó, ngành quản lý quỹ được mặc định với sự chuyên nghiệp, chặt chẽ và cũng tương đối thầm lặng trong khi mạng xã hội lại có phần gần gũi, dân dã hơn. Dù vậy, theo ông Trần Hùng, Trưởng phòng marketing của CTQLQ VFM, đây sẽ là hướng đi của nhiều CTQLQ và VFM cũng là đơn vị có trang fanpage với gần 14.800 lượt thích (likes). Mới đây, VFM đã cho ra mắt sản phẩm đầu tư định kỳ VF-iSaving, với mục tiêu giúp khách hàng dành ra một khoản tiền cố định và tối thiểu chỉ 1 triệu đồng mua các CCQ của VFM hàng tháng.

Với sản phẩm này, giá trị CCQ của NĐT khi tham gia iSaving sẽ được tăng trưởng và cộng dồn với giá trị gốc. Rõ ràng, với việc đem 1 triệu đồng đi mua CP trong khi phải tìm hiểu hàng ngàn mã CK cộng với các kiến thức liên quan sẽ phức tạp hơn nhiều so với việc mua CCQ, giống như gửi tiền cho CTQLQ đầu tư giúp. Đương nhiên, ở đây khách hàng sẽ phải chọn mặt gửi vàng. iSaving của VFM nằm trong xu hướng chia nhỏ các khoản đầu tư để giải ngân định kỳ mà một số CTQLQ khác như Baoviet Fund cũng đã thực hiện.

Đối với giới trẻ hiện nay, gửi tiết kiệm không phải là ưu tiên hàng đầu để giữ tiền và hưởng lãi, họ thích tìm kiếm những cách thức đầu tư khác, tuy nhiên vẫn phải an toàn, và đây là lợi thế của các quỹ mở hiện nay. Ông Trần Thanh Tân, Tổng giám đốc VFM, nhận định các chương trình đầu tư định kỳ như iSaving không chỉ hướng đến mục tiêu lợi nhuận mà ở đây còn là kỹ năng quản lý tài chính và xây dựng nguyên tắc sống của mỗi con người. Có thể gọi đầu tư định kỳ là một sản phẩm lai giữa đầu tư và gửi tiết kiệm với mục tiêu “tập dần” để NĐT quen với một kênh mới ngoài việc chỉ nghĩ đến gửi tiết kiệm.

Các CTQLQ giờ đây đã gần gũi hơn với NĐT.

Các CTQLQ giờ đây đã gần gũi hơn với NĐT.

Nỗ lực hơn nữa

2 năm trước, VinaWealth đề ra chiến lược hợp tác với ngân hàng để phân phối chứng chỉ quỹ mở nhưng hiệu quả tính đến nay vẫn còn để ngỏ. Cũng chính VinaWealth là một trong những đơn vị tiên phong trong việc đại chúng hóa quỹ mở, sử dụng nhiều kênh marketing, truyền thông khác nhau để tiếp cận khách hàng. Tuy nhiên, sau một thời gian chạy các quảng cáo trên đầu báo phổ thông, hoặc trong thang máy các tòa nhà, hiện không còn thấy VinaWealth xuất hiện nhiều. Cũng có CTQLQ dự định đưa nhân viên đến tận sàn CK, lập một quầy thông tin để gặp các NĐT trao đổi, nhưng cũng không khả thi.

Ý tưởng sử dụng những kỹ năng, mô hình trong lĩnh vực bảo hiểm để bán CCQ cũng đã từng được một đơn vị ngành quỹ tính đến nhưng cuối cùng cũng không thực hiện được. Thực tế, một chiến lược có thể đúng, cũng có thể sai, điều quan trọng hơn cả là sự nỗ lực tìm những hướng đi đúng đắn. Nửa thập niên gần đây đã ghi nhận một sự thay đổi toàn diện của các CTQLQ trong nước trong việc tiếp cận với khách hàng. Sự thay đổi từ truyền thông, tiếp thị cho đến sản phẩm dù nói một cách công tâm vẫn chưa thể tạo ra sự đột phá nhưng người ta có cảm giác các CTQLQ giờ đây đã chịu làm hơn trước.

Mặt khác, khoảng chục CTQLQ chịu tiếp cận với khách hàng công chúng cũng đang từng bước tạo ra sự phân hóa cực kỳ rõ nét trên thị trường. Những CTQLQ nào hiện nay không biết làm marketing, không có những sản phẩm như quỹ mở sẽ gần như không có cửa tiếp cận với khách hàng công chúng, trong khi cách thức tiếp thị hay kinh nghiệm nghiên cứu sản phẩm phải được tích luỹ, triển khai qua từng năm. Giả sử, CTQLQ “bỗng dưng” huy động được số vốn lớn để lập quỹ nhưng lại thiếu những kỹ năng trên cũng rất khó để làm ra trò. Vừa không có quy trình, kinh nghiệm lại vừa thiếu cả người. Nhân sự trong ngành quản lý quỹ nhìn chung rất khó kiếm, đặc biệt quỹ nội địa vốn chưa phải là giai đoạn bứt phá nên việc kéo người lại càng khó, chỉ những người thực sự gắn bó với nghề mới theo đuổi được ngành này. 

Nói cách khác, sự phân hóa trong ngành quản lý quỹ đang diễn ra và cũng sắp đến hồi kết thúc và chắc cũng chỉ khoảng một chục cái tên bật lên thực sự. Vấn đề là sự tương tác giữa các CTQLQ vẫn chưa cao. Nói đơn cử như việc một số CTQLQ liên tục ra sản phẩm mới, bất chấp nhu cầu sản phẩm đó thấp, vẫn có CTQLQ giữ quan điểm chưa có lợi chưa làm. Mỗi đơn vị mỗi chiến lược và tất nhiên nguồn vốn ai cũng muốn bảo toàn. Tuy nhiên, ngành quản lý quỹ nội địa vốn đã nhỏ lại còn “xé lẻ” các xu hướng, ý tưởng nên xem chừng sự phát triển có thể bị rời rạc, chậm chạp hơn. Nên chăng, các ý tưởng đột phá trong ngành quản lý quỹ cũng cần được nhân rộng để tạo ra luồng sinh khí thực sự, giúp việc tiếp cận khách hàng thuận lợi hơn.

Các tin khác