Nhiệt điện than bị phản đối ở Philippines

Các tổ chức dân sự cùng nhiều người dân trong tuần qua đã tập trung trước trụ sở Tập đoàn San Miguel ở TP.Mandaluyong (Philippines), yêu cầu đóng cửa nhà máy nhiệt điện than gây ô nhiễm của tập đoàn này tại TP.Limay, Bataan. Đây là một phần trong chiến dịch tuần hành ôn hòa “Break Free 2017” (tạm dịch: Giải thoát 2017) phản đối nhà máy nhiệt điện than ở khắp Philippines trong năm nay, theo trang tin Power Philippines.
(ĐTTCO) - Nhiều người dân mắc các chứng bệnh về da và đường hô hấp do ô nhiễm từ nhà máy nhiệt điện than ở tỉnh Bataan, Philippines.

Các tổ chức dân sự cùng nhiều người dân trong tuần qua đã tập trung trước trụ sở Tập đoàn San Miguel ở TP.Mandaluyong (Philippines), yêu cầu đóng cửa nhà máy nhiệt điện than gây ô nhiễm của tập đoàn này tại TP.Limay, Bataan. Đây là một phần trong chiến dịch tuần hành ôn hòa “Break Free 2017” (tạm dịch: Giải thoát 2017) phản đối nhà máy nhiệt điện than ở khắp Philippines trong năm nay, theo trang tin Power Philippines.

 

Ảnh hưởng nghiêm trọng

Tập đoàn San Miguel có Nhà máy điện than SMC 300 megawatt (MW), một nhà máy lọc dầu và đang xây dựng thêm một nhà máy nhiệt điện than khác với công suất 600 MW, dự kiến hoàn tất trong năm 2017. “Những tập đoàn như San Miguel chắc chắn biết rõ tác hại của đốt than đối với hành tinh và người dân địa phương. Nhưng họ vẫn lựa chọn theo đuổi lợi nhuận hơn là quan tâm đến đời sống của người dân”, Giám đốc điều hành Tổ chức Greenpeace khu vực Đông Nam Á Yeb Saño cho biết, theo trang tin Power Philippines.

Theo trang tin ABS-CBN News (Philippines), tro bụi than từ SMC gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân địa phương. Bà Violeta Yelo ở Limay cho hay nhà máy nhiệt điện than khiến bà khó thở và phải nhập viện cấp cứu nhiều lần. Báo cáo của Tổ chức Greenpeace hồi năm 2016 dẫn lại kết quả nghiên cứu của các chuyên gia Đại học Harvard cho thấy ước tính mỗi năm có trên 2.000 người chết sớm ở Philippines vì đột quỵ, bệnh tim và đường hô hấp do ô nhiễm từ nhà máy nhiệt điện than.

Phía San Miguel khẳng định tro bụi than chỉ phát sinh trong khu vực nhà máy và không thể gây ô nhiễm nước và không khí trong khu vực lân cận như người dân phản ánh. Tuy nhiên, hồi tháng 1.2017, Bộ trưởng Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên Philippines, bà Gina Lopez đã yêu cầu Tập đoàn San Miguel ngừng vận hành SMC. “Chúng tôi ra chỉ thị… Chúng tôi khẳng định họ sẽ phải trả chi phí khám chữa bệnh cho người dân địa phương”, bà Lopez nói.

Điều khó hiểu là Bộ Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên hồi tháng 2.2017 lại ra quyết định cho phép SMC tiếp tục hoạt động và cho phép San Miguel chuyển tro than cặn sang một nhà máy sản xuất xi măng, theo Power Philippines. “Nhà máy nhiệt điện than của San Miguel vẫn tiếp tục hoạt động dù đang hủy hoại môi trường và sức khỏe cộng đồng. Họ phải chịu trách nhiệm cho những thiệt hại đã gây ra”, bà Derek Cabe, điều phối viên Tổ chức Phong trào không điện than Bataan, nói. Những người tham gia tuần hành trước trụ sở San Miguel còn lên án các công ty vận hành nhà máy nhiệt điện than đang kiểm soát nền kinh tế, chính trị và vì lợi ích bất chấp đời sống người dân.

Thảm họa thế giới

Hồi năm 2016, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Jim Yong Kim cho biết các quốc gia ở Nam và Đông Nam Á đang có kế hoạch xây thêm hàng trăm nhà máy điện than trong vòng 20 năm tới, bất chấp cam kết cắt giảm khí nhà kính và dần chuyển sang năng lượng sạch tại hội nghị thượng đỉnh khí hậu ở Paris. “Đây là thảm họa cho chúng ta và hành tinh của chúng ta”, tờ The Guardian dẫn lời ông Jim cảnh báo.

Không chỉ riêng người dân, một số quan chức Philippines, như Bộ trưởng Lopez và Thị trưởng TP.Cebu, ông Tomas Osmeña cũng kịch liệt phản đối nhiệt điện than. Hồi tháng 4.2016, Hội đồng TP.Cebu đã bác bỏ đề xuất của Tập đoàn năng lượng Ludo về việc xây nhà máy nhiệt điện than 300 MW tại đây. 8 tháng sau đó, Ludo trình lại dự án và nỗ lực vận động hành lang các quan chức địa phương. Nhưng Thị trưởng Osmeña hồi cuối tháng 2.2017 nhất quyết nói không: “300 MW thật sự là một con quái vật. Nó tương đương với 250 xe tải chở than mỗi ngày”. Ông Osmeña đồng thời lưu ý việc Ludo đề xuất xây nhà máy điện than ở gần khu dân cư là gây ô nhiễm, đe dọa sức khỏe người dân.

Trong khi đó, khi được bổ nhiệm làm bộ trưởng vào tháng 6.2016, bà Lopez, vốn là nhà hoạt động bảo vệ môi trường nhiều năm qua, từng tuyên bố sẽ ưu tiên năng lượng thay thế, hạn chế cấp phép xây dựng nhà máy nhiệt điện than. “Vì sao phải cho phép xây thêm nhiều nhà máy nhiệt điện than? Tại sao phải đâm đầu vào nguồn năng lượng không có tương lai?”, bà Lopez nói với Bloomberg.

Quốc hội Philippines trong phiên họp hôm 14.3 đã hoãn việc bỏ phiếu phê chuẩn đối với bà Gina Lopez - Bộ trưởng Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên. Lý do được cho là vì bà đã ra lệnh đóng cửa hơn phân nửa các mỏ, thanh tra tất cả nhà máy nhiệt điện than ở Philippines với lập luận bảo vệ môi trường. Quyết định của bà Lopez vấp phải sự phản đối dữ dội từ các doanh nghiệp. Theo thông lệ ở Philippines, quá trình phê duyệt nhân sự cho nội các mới thường kéo dài nên bà Lopez dù đã được Tổng thống Rodrigo Duterte bổ nhiệm từ tháng 6.2016 nhưng đến nay vẫn phải chờ quốc hội phê chuẩn, theo Reuters.
Tân Hoa xã ngày 19.3 đưa tin nhà máy nhiệt điện than cuối cùng ở thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc đã ngừng hoạt động vào ngày 18.3 nhằm cải thiện chất lượng không khí. Bắc Kinh trở thành thành phố đầu tiên ở Trung Quốc từ bỏ nhiệt điện than, hướng đến sử dụng các nguồn năng lượng sạch như khí đốt tự nhiên và điện gió.

Các tin khác