Siêu lãi suất để cân bằng tỷ lệ an toàn

(ĐTTCO) - Trước yêu cầu huy động vốn để đáp ứng các quy định về tỷ lệ an toàn vốn, các NH đã liên tục điều chỉnh lãi suất huy động ở các kỳ hạn trong thời gian qua. Đến quý I-2017, cuộc đua huy động vốn ngày càng nóng hơn khi các NH liên tục phát hành chứng chỉ tiền gửi (CCTG) với mức lãi suất cao hơn đáng kể so với lãi suất tiết kiệm thường cùng kỳ hạn.

(ĐTTCO) - Trước yêu cầu huy động vốn để đáp ứng các quy định về tỷ lệ an toàn vốn, các NH đã liên tục điều chỉnh lãi suất huy động ở các kỳ hạn trong thời gian qua. Đến quý I-2017, cuộc đua huy động vốn ngày càng nóng hơn khi các NH liên tục phát hành chứng chỉ tiền gửi (CCTG) với mức lãi suất cao hơn đáng kể so với lãi suất tiết kiệm thường cùng kỳ hạn.

Huy động vốn dài hạn bằng CCTG

Ngày 15-3, Sacombank vừa công bố sẽ phát hành chứng chỉ tiền gửi bằng VNĐ trên toàn hệ thống dành cho khách hàng cá nhân và tổ chức. Mệnh giá tối thiểu 10 triệu đồng, kỳ hạn 5 năm +1 ngày với lãi suất 8,48%/năm và kỳ hạn 7 năm với lãi suất 8,88%/năm cho năm đầu tiên. Ngày 17-3, VietABank cũng thông báo phát hành CCTG ghi danh kỳ hạn 6, 9, 13, 15, 18 tháng với lãi suất lên đến 8,2%/năm cho khách hàng cá nhân.

Trước đó, VIB cũng đã phát hành CCTG kỳ hạn 18 tháng và 24 tháng, LienVietPostBank phát hành CCTG trung và dài hạn bằng tiền VNĐ cho cá nhân và tổ chức với tổng giá trị lên tới 1.000 tỷ đồng, kỳ hạn 18 tháng, 24 tháng, 36 tháng và 60 tháng với lãi suất đến 8,8%/năm.

Trong khi đó, biểu lãi suất CCTG VNĐ ghi danh cho khách hàng cá nhân của VPBank cũng được điều chỉnh từ 9-3 với mức lãi suất áp dụng lên đến 9,2%/năm. Cụ thể, kỳ hạn 18 tháng và 24 tháng áp dụng lãi suất từ 7,5-7,8%/năm, kỳ hạn 36 tháng áp dụng lãi suất từ 7,8-8,1%/năm.

Đối với kỳ hạn 60 tháng, mức tiền gửi dưới 100 triệu đồng áp dụng lãi suất 8,9%/năm, từ 100 triệu đến dưới 500 triệu đồng lãi suất 9%/năm, từ 500 triệu đến dưới 5 tỷ đồng áp dụng mức 9,1%/năm, từ 5 tỷ đồng trở lên được hưởng lãi suất 9,2%/năm. Nếu so với lãi suất huy động của hình thức tiết kiệm thường với kỳ hạn từ 18 tháng trở lên, lãi suất huy động CCTG rõ ràng hấp dẫn hơn rất nhiều.

Tại VPBank, lãi suất tiết kiệm thường kỳ hạn 18 tháng chỉ từ 7,2-7,5%/năm, kỳ hạn 24 tháng chỉ từ 7,2-7,5%/năm, kỳ hạn 36 tháng chỉ từ 7,3-7,6%/năm. VietABank áp dụng lãi suất tiết kiệm thường kỳ hạn 18 tháng trở lên ở mức 7,8%/năm.

Lý giải về xu hướng phát hành CCTG, một số NH cho rằng cùng với việc đầu tư thông qua tài khoản tiền gửi tiết kiệm, CCTG đang trở thành một trong những kênh đầu tư ưa thích của các khách hàng tổ chức và cá nhân có nguồn tài chính lớn muốn đầu tư trung và dài hạn, với nhu cầu an toàn và linh hoạt trong sử dụng vốn.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng nguyên nhân chính dẫn đến việc hàng loạt NH phát hành CCTG xuất phát từ yêu cầu cơ cấu lại nguồn vốn huy động để bổ sung vốn cho vay, vì từ năm 2017 tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn giảm về mức 50% và sẽ tiếp tục giảm về mức 40% trong năm 2018.

Nhiều NH đưa ra mức siêu lãi suất cùng với khuyến mại để huy động nguồn vốn dài hạn bằng CCTG.

Nhiều NH đưa ra mức siêu lãi suất cùng với khuyến mại
để huy động nguồn vốn dài hạn bằng CCTG.

Cân nhắc ưu và nhược điểm

Trước xu hướng CCTG được phát hành phổ biến thu hút sự quan tâm của thị trường, một chuyên gia tài chính NH chia sẻ điểm hấp dẫn của CCTG là người tham gia sẽ được hưởng lãi suất tốt hơn so với lãi suất tiết kiệm thông thường.

Thời hạn càng dài, lãi suất CCTG được áp dụng sẽ càng cao, vì đây là phần bù cho việc các nhà đầu tư sẽ phải gửi tiền của mình trong thời gian lâu hơn. Khi triển khai CCTG, khả năng thu hút tiền gửi dài hạn của NH cũng lớn hơn, từ đó có thể yên tâm với kế hoạch sử dụng nguồn vốn trong bối cảnh huy động vốn của NH chủ yếu là ngắn hạn, nhưng nhu cầu vay vốn lại tập trung lớn ở kỳ hạn trung và dài.

Tuy nhiên, người mua CCTG cần cân nhắc trước khi tham gia, vì sản phẩm này không được rút trước hạn hoặc được rút trước hạn thấp hơn nhiều so với lãi suất cuối kỳ, thậm chí có NH còn áp dụng lãi rút trước hạn bằng lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thấp nhất. Bên cạnh đó, lãi suất cao cũng chỉ được áp dụng với hình thức lãnh lãi cuối kỳ, còn hình thức lãnh lãi hàng tháng hoặc hàng quý, lãi suất áp dụng hầu hết thấp hơn lãi suất tiết kiệm thường cùng kỳ hạn từ 0,1-0,5% tùy theo mức tiền và kỳ hạn. Trong trường hợp phải sử dụng CCTG làm tài sản vay cầm cố, lợi tức từ CCTG sẽ giảm mạnh vì lãi suất vay vốn cao hơn lãi tiền gửi.

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính-tiền tệ quốc gia, dự báo trong năm nay lãi suất có thể tăng 1-2% trước các tác động trong nước và thế giới. Tại thị trường trong nước, nguyên nhân tác động đến lãi suất là lạm phát và việc tăng lương cơ bản. Đồng thời, diễn biến tăng của lãi suất liên NH và lãi suất trái phiếu chính phủ đang có xu hướng đi lên cũng sẽ ảnh hưởng đến lãi suất thị trường. Song song đó, năm 2017, Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) đã nâng lãi suất đồng USD và dự kiến cả năm sẽ nâng 3 lần. Các yếu tố này làm áp lực tăng lãi suất có thực.

Còn theo TS. Trần Du Lịch, năm nay Quốc hội đề ra chỉ tiêu tăng CPI trung bình 4%. Chỉ số CPI năm 2016 so với tháng 12 năm trước đó tăng gần 5%, nhưng tính trung bình chưa đến 3%. Năm nay cho phép CPI trung bình 4%, như vậy so với tháng 12 năm trước chỉ số CPI ở khoảng 5-6%, với mức này sẽ khó giảm lãi suất vì còn liên quan đến chỉ số CPI.

Trong bối cảnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, cuộc đua huy động vốn cùng với hình thức CCTG đang nở rộ sẽ tiếp tục làm cho bài toán lãi suất nóng lên. Hiện theo Thông tư 39/2017, lãi suất cho vay trung, dài hạn đã được cởi trói và thực hiện theo cơ chế lãi suất thỏa thuận. Vì vậy, diễn biến này cũng làm tăng lo ngại lãi suất vay trung và dài hạn sẽ tăng trong thời gian tới.

Các tin khác