Sóng gió mùa ĐHCĐ 2017 (K2): Vỡ mộng vì tham vọng

(ĐTTCO) - Đến hẹn lại lên, cứ đến mùa ĐHCĐ, nhiều doanh nghiệp lại trình tờ trình tăng vốn điều lệ bằng việc phát hành thêm CP.

Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng sử dụng hiệu quả nguồn vốn này, thậm chí lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp bất ngờ sa sút do “vung tay quá trán”.

HQC - Tham vọng đến thất vọng 

Hiệu quả kinh doanh đi xuống cũng chính là nguyên nhân kéo giá CP HQC xuống đáy 2.700 đồng/CP. Còn với HHS, đến thời điểm hiện nay chỉ còn giao dịch quanh mức 3.000-4.000 đồng/CP. Với ITA, khoảng 1 năm trở lại đây gần như không có đợt sóng tăng nào và CP hiện đang giao dịch quanh mốc 4.000 đồng/CP.

ĐHCĐ năm 2016 của CTCP Tư vấn - Thương mại - Dịch vụ địa ốc Hoàng Quân (HQC) đã thông qua tờ trình tăng vốn điều lệ bằng việc phát hành thêm 205 triệu CP. Các phương án phát hành được HQC đưa ra gồm: phát hành 31,6 triệu CP (tương đương 8% vốn điều lệ) để trả cổ tức với tỷ lệ 25:2; phát hành 98,75 triệu CP cho cổ đông hiện hữu theo phương thức  quyền mua với giá 10.000 đồng/CP; phát hành 74,65 triệu CP cho đối tác chiến lược.

Theo công bố của HQC, toàn bộ số tiền thu được từ các đợt phát hành này dự kiến 1.734 tỷ đồng sẽ được bổ sung vào vốn lưu động (84 tỷ đồng) và rót vào các dự án nhà ở xã hội (NoXH) Tân Hương (HQC Tân Hương), Tây Ninh (HQC Tây Ninh); góp vốn hợp tác kinh doanh các dự án NoXH tại Bình Thuận (HQC Bình Thuận), KCN Bình Minh (HQC Bình Minh), HOF (HQC Hồ Học Lãm); hợp tác dự án xây dựng nhà ở công nhân và NoXH KCN Hàm Kiệm.

Bên cạnh các phương án phát hành CP tăng vốn, HQC cũng phát hành 5 triệu trái phiếu chuyển đổi với tổng giá trị phát hành 500 tỷ đồng tài trợ dự án Cảng Bình Minh (giai đoạn 1).

 Mặc dù sau đó, HQC đã hủy phương án phát hành 74,65 triệu CP cho cổ đông chiến lược, nhưng đến thời điểm hiện tại vốn điều lệ của HQC đã đạt hơn 4.266 tỷ đồng. Nếu so với thời điểm cổ phần hóa năm 2007 là 150 tỷ đồng, vốn điều lệ của HQC đã tăng hơn 28 lần.

Tại ĐHCĐ năm 2016, để thuyết phục cổ đông thông qua tờ trình tăng vốn, lãnh đạo HQC đã vẽ ra bức tranh tươi sáng về lợi nhuận, thậm chí giá CP HQC sẽ trở về đúng giá trị thật 10.000 đồng/CP. Thế nhưng, kết quả kinh doanh của HQC lại đi xuống sau những đợt tăng vốn đầy tham vọng này.

Kết thúc năm 2016, lãi ròng của HQC chỉ đạt hơn 112 tỷ đồng, hoàn thành 22% kế hoạch đề ra trước đó. Hiệu quả kinh doanh đi xuống cũng chính là nguyên nhân kéo giá CP HQC xuống đáy 2.700 đồng/CP.

Theo ông Trương Anh Tuấn, Tổng giám đốc HQC, nguyên nhân khiến KQKD của HQC sa sút là việc gói 30.000 tỷ đồng chỉ còn giải ngân tiếp phần còn lại của các hợp đồng tín dụng đã ký trước 31-3-2016 và chính thức dừng từ sau ngày 31-12-2016.

Trong khi chính sách mới hỗ trợ tín dụng ưu đãi lãi suất dành cho NoXH theo Luật Nhà ở chưa giải ngân, đã ảnh hưởng đến tiến độ các dự án đang triển khai. Xem ra giải trình này chắc chắn sẽ gặp sự phản ứng từ cổ đông trong mùa ĐHCĐ năm 2017, bởi việc ngừng giải ngân gói 30.000 tỷ đồng là điều được dự báo từ lâu. Vậy tại sao HĐQT của HQC vẫn dồn dập đổ tiền vào các dự án NoXH, thay vì chuyển hướng đầu tư sang phân khúc nhà ở có tiềm năng hơn.

 HHS - Mục tiêu dang dở

CTCP Đầu tư dịch vụ Hoàng Huy (HHS) có tốc độ tăng vốn phi mã trong những năm gần đây. Tính đến cuối năm 2016, tổng tài sản của HHS tăng 7,3% so với cuối năm 2015, sau đợt phát hành riêng lẻ 30 triệu CP với giá 10.500 đồng/CP. Như vậy, chỉ trong giai đoạn 2010-2016, vốn chủ sở hữu của HHS đã tăng gấp 27 lần và hiện đạt 2.747 tỷ đồng.

Những đợt tăng vốn của HHS nhằm mục tiêu trở thành công ty hàng đầu tại Việt Nam và khu vực chuyên về lĩnh vực sản xuất, nhập khẩu cung cấp dịch vụ xe tải hạng trung và hạng nặng. Riêng đợt tăng vốn bằng việc phát hành CP trong năm 2016 của HHS nhằm bổ sung vốn lưu động nhập khẩu xe tự đổ (100 tỷ đồng), xe sắt xi (140 tỷ đồng) và xe đầu kéo (70 tỷ đồng).

Thế nhưng, nhìn vào kết quả kinh doanh của HHS trong 2 năm gần đây sẽ thấy sự suy giảm đáng ngại sau giai đoạn tăng trưởng đột biến 2014-2015. Cụ thể, doanh thu thuần năm 2016 đạt 1.576 tỷ đồng (giảm 55%, hoàn thành 39,4% kế hoạch), lợi nhuận sau thuế 138,5 tỷ đồng (giảm 71%, hoàn thành 34,8% kế hoạch). Với kết quả này, EPS năm 2016 của HHS chỉ còn 535 đồng/CP, giảm 84% so với mức 3.427 đồng/CP của năm 2015.

Đặc biệt, cổ tức chi trả cho cổ đông cũng sụt giảm mạnh từ 25% năm 2015 xuống còn 4% năm 2016. Từ mức giá hơn 30.000 đồng/CP thời điểm giữa năm 2015, đến thời điểm hiện nay, HHS chỉ còn giao dịch quanh mức 3.000-4.000 đồng/CP (thấp nhất kể từ khi niêm yết).

Theo giải trình của HHS, doanh thu chủ yếu từ hoạt động kinh doanh các mặt hàng ô tô tái nhập khẩu, máy móc và linh kiệm kèm theo. Vì thế, việc lợi nhuận sau thuế giảm mạnh do sản phẩm của các công ty trong lĩnh vực ô tô bão hòa, dẫn đến tiêu thụ chậm. Theo nhiều NĐT, giải trình này không thuyết phục, bởi 2016 được đánh dấu là năm tăng trưởng mạnh của thị trường ô tô.

Cụ thể, số liệu thống kê từ Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), cho thấy doanh số bán hàng của toàn thị trường trong năm 2016 đạt 304.427 xe (tăng 24%); doanh số bán hàng của các hãng xe lắp ráp trong nước tăng 32%, xe nhập khẩu tăng 5%.

Sóng gió mùa ĐHCĐ 2017 (K2): Vỡ mộng vì tham vọng ảnh 1

Kỳ vọng của cổ đông tại ĐHCĐ 2016  HQC xem ra sẽ thành nỗi thất vọng  tại ĐHCĐ 2017 tới đây.

ITA - Ngập trong nợ

CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (ITA) được xem là một trong những doanh nghiệp hạ tầng KCN hàng đầu Việt Nam. Để có vốn triển khai đầu tư vào các dự án KCN và bất động sản, ITA liên tục tăng vốn, chủ yếu thông qua phát hành riêng lẻ cho cổ đông hiện hữu và các đơn vị trực thuộc.

Quy mô vốn liên tục tăng giúp ITA tích lũy được quỹ đất sạch khá lớn tại Tân Đức (Long An), Tân Tạo (TPHCM) và Kiên Lương (Kiên Giang). Tuy nhiên, việc phát triển quá nóng đã khiến ITA luôn ở tình trạng xoay sở trong đống nợ, khi lợi nhuận của ITA các năm qua không tăng trưởng tương ứng với những đợt tăng vốn trước đó.

Tại ĐHCĐ năm 2016, ITA đã phê duyệt phương án phát hành riêng lẻ hơn 100 triệu CP với mức giá bằng mệnh giá (tương đương giá trị hơn 1.000 tỷ đồng) để cấn trừ nợ cho 3 doanh nghiệp là CTCP Truyền thông giải trí và Sản xuất media Ban Mai (30,1 triệu CP), Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh Kiên Lương (gần 38 triệu CP), CTCP Đầu tư đô thị Sài Gòn - Mê Kông (31,8 triệu CP).

Trong khi đó, theo BCTC năm 2016, doanh thu và lãi ròng của doanh nghiệp đều giảm mạnh 71%, lần lượt ở mức 296 tỷ đồng và 53 tỷ đồng. Tại thời điểm cuối năm 2016, ITA đang gánh khoản vay nợ lên đến 1.492 tỷ đồng, trong đó vay ngắn hạn 420 tỷ đồng.

Hoạt động phát hành CP riêng lẻ để cấn trừ các khoản chi viện đặc biệt của các đối tác chiến lược trong các năm vừa qua nhìn chung giúp ITA giảm phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng, giảm chi phí lãi vay nhưng lại đẩy CP vào tình trạng pha loãng. Một trong những giải pháp giảm nợ ITA đang tính đến là phương án thoái vốn khỏi các dự án đầu tư để thu hồi vốn.

ĐHCĐ năm 2016 của ITA đã thông qua phương án bán các dự án khu thương mại dịch vụ nghỉ dưỡng tại Bãi Sao (Phú Quốc), thủy điện Dakmi 2 tại Quảng Nam, thủy điện Chi Khê tại Nghệ An. Tuy nhiên, ngoài dự án tại Phú Quốc có khả năng thoái vốn thành công, các dự án thủy điện không được kỳ vọng nhiều do khó khăn trong việc tìm đối tác.

Với những gì đang diễn ra tại ITA, không khó để lý giải sự lao dốc CP của doanh nghiệp trong những năm gần đây. Khoảng 1 năm trở lại đây, ITA gần như không có đợt sóng tăng nào và CP hiện đang giao dịch quanh mốc 4.000 đồng/CP.

Các tin khác