Hàng ngoại tràn ngập, đẩy lùi hàng nội

(ĐTTCO) - 2 tháng đầu năm 2017, Việt Nam tăng mạnh nhập khẩu từ Hàn Quốc với mức tăng 40% so với cùng kỳ. Nổi bật trong số hàng hóa nhập khẩu là rau củ quả, với giá trị nhập khẩu tăng hơn 54,7% so cùng kỳ. Những con số này đang đặt ra thách thức rất lớn với các hàng hóa, sản phẩm trong nước trong bối cảnh hiện nay.

(ĐTTCO) - 2 tháng đầu năm 2017, Việt Nam tăng mạnh nhập khẩu từ Hàn Quốc với mức tăng 40% so với cùng kỳ. Nổi bật trong số hàng hóa nhập khẩu là rau củ quả, với giá trị nhập khẩu tăng hơn 54,7% so cùng kỳ. Những con số này đang đặt ra thách thức rất lớn với các hàng hóa, sản phẩm trong nước trong bối cảnh hiện nay.

Phổ biến tâm lý sính hàng ngoại 

Chúng ta là nước nông nghiệp, nhiều nông sản trong nước thời gian qua còn phải nhờ đến những cuộc giải cứu của người tiêu dùng mới tiêu thụ hết, nhưng lượng nhập khẩu vẫn không ngừng gia tăng.

Trước đây chị Nguyễn Thu Hà (Gò Vấp, TPHCM) thường cho con gái mình sử dụng các sản phẩm sữa trong nước như sữa tươi Vinamilk hay sữa bột của Nutifood, nhưng dạo gần đây chị chuyển hẳn sang các dòng sữa ngoại.

Ban ngày chị cho con uống sữa hạt óc chó, hạnh nhân, đậu đen của Hàn Quốc, đây đang là loại sữa hạt đang gây sốt cho các bà mẹ Việt Nam. Buổi tối chị cho con uống sữa bột A2 của Australia, được giới thiệu là dòng sữa sạch nổi tiếng và cũng là một trong những sản phẩm được giới bán hàng trẻ em giới thiệu khá nhiều.

Chị Hà là một điển hình khá tiêu biểu cho nhiều bà mẹ trẻ hiện nay thường dễ tin tưởng vào các loại sữa ngoại hơn sản phẩm trong nước, dù giá cao và nhiều khi “đứt hàng”.

 Không chỉ các loại sữa ngoại dành cho trẻ em mới được tin dùng, người tiêu dùng Việt ngày càng chuộng các sản phẩm, hàng hóa nhập từ các nước trong khu vực châu Á như Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia…

Ngay như sản phẩm cà phê, dạo gần đây giới văn phòng thay vì uống các sản phẩm cà phê hòa tan của Việt Nam lại truyền tai nhau một dòng khá mắc của Malaysia là cà phê trắng với giá khoảng 190.000 đồng/1 bịch 15 gói nhỏ. Hay nếu như trước người tiêu dùng chủ yếu thích những loại trái cây nhập khẩu từ New Zealand, Australia, Hoa Kỳ… thì vài tháng trở lại đây có 2 loại trái cây nhập khẩu đang gây sốt là mãng cầu Đài Loan và thanh long Malaysia.

Mãng cầu hay thanh long là 2 loại trái cây rất phổ biến ở Việt Nam và giá bán khá rẻ, chỉ vài chục ngàn đồng/ký, trong khi mãng cầu Đài Loan có giá tới 400.000 đồng/kg, thanh long Malaysia 700.000 đồng/kg. Chị Thu Hạnh, một tín đồ của mãng cầu Đài Loan khẳng định hàng ngoại ngon hơn hẳn hàng nội và rất đáng đồng tiền.

Trong một lần trao đổi với ĐTTC, chị Lê Hà Mộng Ngọc, Giám đốc CTCP Nấm Việt, cho biết sản phẩm nấm linh chi của DN chị là loại trồng theo hướng hữu cơ nên tai nấm khá nhỏ. Điều này cũng là lý do khiến người tiêu dùng chưa thực sự thích mà vẫn thích những sản phẩm tai nấm linh chi lớn nhập từ Hàn Quốc. Quan trọng hơn, người dùng vẫn nghĩ nấm Hàn Quốc chất lượng hơn hàng Việt.

Chủ tịch Hiệp hội Táo Washington khảo sát thị trường trái cây nhập khẩu Việt Nam.

Chủ tịch Hiệp hội Táo Washington khảo sát thị trường trái cây nhập khẩu Việt Nam.

Những con số giật mình

Từ số liệu của 2 tháng đầu năm, có thể tính được trung bình mỗi ngày người Việt chi khoảng 62 tỷ đồng để nhập khẩu rau củ quả. Cụ thể, trong 2 tháng vừa qua, các thị trường nhập khẩu rau củ quả chủ yếu của Việt Nam là: Hoa Kỳ với 13 triệu USD, chiếm 8% giá trị; New Zealand đạt 3,8 triệu USD, chiếm hơn 2,3% giá trị, Australia là 2,5 triệu USD, chiếm hơn 1,5% giá trị. Đặc biệt, lớn nhất là thị trường rau củ quả nhập từ Thái Lan, với 82 triệu USD, chiếm hơn 50% giá trị; hoa quả Trung Quốc đạt 31 triệu USD, chiếm hơn 19% giá trị.

Ông Nguyễn Công Suất, Giám đốc Công ty Chế biến dầu thực vật và thực phẩm Việt Nam - nhà sản xuất dầu gấc, chia sẻ trái gấc một loại trái khá phổ biến của Việt Nam có rất nhiều tác dụng tốt, các DN trong nước như DN ông đang cố gắng đa dạng hóa các sản phẩm từ gấc để phục vụ người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Thế nhưng do quá quen và do quảng bá chưa mạnh nên người tiêu dùng còn chưa quan tâm. Từ gấc Việt, nhìn sang nhân sâm Hàn Quốc.

Trước hết phải khẳng định đây là sản phẩm tốt cho sức khỏe, nhưng đằng sau đó chính là nỗ lực quảng bá bài bản của các DN, người dân và cả chính phủ Hàn Quốc. Người Hàn còn tổ chức lễ hội nhân sâm hàng năm tại Geumsan, địa phương nổi tiếng với nghề trồng nhân sâm. Tại lễ hội này du khách được chiêm ngưỡng nhiều sản phẩm tự nhiên từ nhân sâm, trải nghiệm liệu pháp chăm sóc sức khỏe từ nhân sâm… Và phần nhiều du khách khi đến Hàn Quốc đều mua sâm về làm quà cho gia đình và bạn bè.

Nói đến các sản phẩm của Hàn Quốc, không chỉ các sản phẩm tiêu dùng, thực phẩm, đồ uống được đẩy mạnh đưa vào Việt Nam mà rất nhiều sản phẩm khác cũng đang tăng tốc. Cụ thể, theo cơ quan hải quan, Việt Nam tăng mạnh nhập khẩu từ thị trường Hàn Quốc trong 2 tháng qua với mức tăng khoảng 40% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt hơn 5,84 tỷ USD, chiếm 20,7%. Hàn Quốc trở thành thị trường nhập khẩu lớn thứ hai của Việt Nam.

Báo cáo của Tổng cục Hải quan cho thấy nhóm mặt hàng máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng, Việt Nam nhập khẩu từ Hàn Quốc 1,31 tỷ USD, tăng 83,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Song song đó, nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện là những mặt hàng Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất từ thị trường xứ kim chi trong 2 tháng qua…

Theo đánh giá của giới chuyên gia, thời gian tới hàng hóa Hàn Quốc còn vào Việt Nam nhiều hơn nhờ hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc đã có hiệu lực. Cuộc chiến hàng hóa, sản phẩm của Việt Nam ngay trên sân nhà đang ngày càng khốc liệt. 

Các tin khác