Giá thép không thể tăng mạnh

(ĐTTCO) -  Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trong tháng 3 các doanh nghiệp đã trở lại sản xuất nên hoạt động ngành thép đều có mức tăng mạnh hơn so với tháng 1 và 2. Hiện giá thép xây dựng trong nước đã tăng khoảng 400.000-600.000 đồng/tấn so với cuối tháng 1. ĐTTC đã trao đổi với ông NGUYỄN VĂN SƯA (ảnh), Phó Chủ tịch VSA, về thực trạng giá thép tăng này.

(ĐTTCO) -  Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trong tháng 3 các doanh nghiệp đã trở lại sản xuất nên hoạt động ngành thép đều có mức tăng mạnh hơn so với tháng 1 và 2. Hiện giá thép xây dựng trong nước đã tăng khoảng 400.000-600.000 đồng/tấn so với cuối tháng 1. ĐTTC đã trao đổi với ông NGUYỄN VĂN SƯA (ảnh), Phó Chủ tịch VSA, về thực trạng giá thép tăng này.

Có dấu hiệu đầu cơ

PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, giá thép các loại trong nước đang tăng mạnh, vậy nguyên nhân tăng giá do đâu? 

Ông NGUYỄN VĂN SƯA: - Giá thép trong tháng 2 tăng mạnh từ 200-300 đồng/kg  so với tháng trước, hiện giá bán lẻ trên thị trường tại các tỉnh miền Bắc và miền Trung dao động ở mức 11.700-15.200 đồng/kg, các tỉnh miền Nam 11.700-15.300 đồng/kg.

Lượng tiêu thụ thép trong tháng 2 cũng vượt nguồn cung khoảng 170.000 tấn. Việc giá thép trong nước tăng là theo xu hướng chung của thế giới, khi giá nguyên liệu sản xuất thép, quặng sắt, thép phế, than cốc, phôi thép và thép thành phẩm thế giới đều tăng thời gian qua.

Trong khi đó, ngành thép trong nước phụ thuộc rất nhiều vào giá nguyên liệu, giá thép bán thành phẩm của thế giới. Thí dụ, năm 2016 Việt Nam nhập khẩu tới 17 triệu tấn thép thành phẩm và bán thành phẩm để phục vụ thị trường và nhu cầu sản xuất thép. Bên cạnh đó, nước ta cũng nhập khoảng 4 triệu tấn thép phế và hơn 1 triệu tấn quặng, vài triệu tấn than mỡ về để sản xuất than cốc phục vụ luyện thép.

 Trong tháng 2 vừa qua, giá phôi thép tại thị trường thế giới tăng khoảng 10-15USD/tấn so với cuối tháng trước. Cụ thể, giá chào phôi thép CFR Đông Nam Á ở khoảng 425-450USD/tấn, giá chào phôi CIS khoảng 435USD/tấn FOB Biển Đen. Hơn nữa, việc áp dụng thuế tự vệ với các sản phẩm thép dài và phôi thép nhập khẩu cũng tác động phần nào đến việc tăng giá thép trên thị trường.

Theo đó, thuế suất nhập khẩu đối với mặt hàng phôi thép nhập khẩu vào Việt Nam sẽ là 21,3% trong vòng 1 năm, từ ngày 22-3-2017 đến 21-3-2018.

- Nhưng khi giá thép tăng  sẽ xuất hiện tình trạng các nhà phân phối thép gom hàng, thổi giá nhằm kiếm lời?

- Theo số liệu của VSA, trong tháng 2 ngành sản xuất thép xây dựng trong nước sản xuất được trên 700.000 tấn thép và tiêu thụ khoảng 870.000 tấn. Như vậy, trong tháng này nhu cầu tiêu thụ thép vượt cầu sản xuất trong nước, nên không loại trừ hiện tượng các nhà phân phối, nhà bán lẻ thép đầu cơ gom hàng để thổi giá thép.

Vì giá thép đang lên, có thể nhiều nhà phân phối sẽ gom thép từ các nhà máy để thu lợi nhuận khi giá thép còn có thể tăng cao hơn nữa trong tháng 3 này, khi các hoạt động xây dựng triển khai mạnh mẽ hơn. Đây là nhận định chủ quan của tôi và một số chuyên gia trong ngành và đến nay chưa có kết luận chính thức từ các cơ quan chức năng liên quan.

Giá thép lên chủ yếu do giá nguyên vật liệu sản xuất và giá thép thế giới tăng. Và trong bối cảnh thép tăng giá, có thể xảy ra hiện tượng các nhà phân phối gom hàng, thổi giá nhằm kiếm lợi. Nhưng nhìn tổng quan giá thép không thể tăng mạnh, bởi năng lực sản xuất của ngành thép hoàn toàn đáp ứng nhu cầu trong nước và hướng tới xuất khẩu.

Cung đáp ứng đủ cầu

- Theo ông giá thép có tiếp tục tăng và ông dự báo thế nào về cung cầu thép thị trường trong nước thời gian tới?

- Giá thép có thể sẽ tăng nữa nhưng VSA dự báo không tăng nhiều. Xét về lượng cung cầu thị trường trong nước, năm nay hàng hóa thép hoàn toàn không có hiện tượng khan hiếm. Bởi lẽ năng lực sản xuất ngành thép trong nước hoàn toàn đủ đáp ứng nhu cầu thép tiêu thụ nội địa và còn dư thừa nguồn cung thép để phục vụ xuất khẩu.

Nhưng nếu giá thép và giá nguyên liệu luyện cán thép thế giới tiếp tục tăng lên, giá thép trong nước buộc phải tăng. Vì như tôi đã nói, ngành thép trong nước phụ thuộc rất nhiều vào nguyên liệu và giá thép bán thành phẩm của thế giới.

Năm 2016, tiêu thụ thép xây dựng trong nước đạt 8,6 triệu tấn, nếu năm nay ngành thép dự báo lượng thép tiêu thụ chỉ tăng trưởng khiêm tốn khoảng 10%, năm 2017 cả nước sẽ tiêu thụ từ 9,6-9,7 triệu tấn thép xây dựng. Như vậy chia đều cho 12 tháng trong năm, trung bình 1 tháng thị trường trong nước tiêu thụ hơn 800.000 tấn thép xây dựng.

Thực tế trong tháng 1 năm nay mới tiêu thụ được 434.000 tấn thép xây dựng, tháng 2 tiêu thụ 870.000 tấn, và trong 2 tháng đầu năm trung bình mỗi tháng cả nước mới tiêu thụ khoảng 650.000 tấn thép. Thực tế này cho thấy lượng tiêu thụ thép trong tháng 2 tăng vượt cầu sản xuất trong nước nhưng cũng không phải là tăng đột biến.

- Nguồn cung thép trong năm 2017 không thiếu, vậy điều VSA lo ngại nhất với ngành thép trong nước năm nay là gì?

- Lo lắng lớn nhất của VSA trong năm 2017 là thị trường xuất khẩu thép có thể bị đe dọa. Các thị trường nhập khẩu thép, sản phẩm thép, tôn mạ màu của Việt Nam như Hoa Kỳ, Australia, Indonesia, Malaysia, Thái Lan… đang tiến hành các vụ kiện tự vệ thương mại với các sản phẩm thép xuất khẩu của Việt Nam.

Đặc biệt các mặt hàng thép mạ kẽm, tôn mạ màu của Việt Nam đang có nguy cơ sẽ bị thu hẹp thị trường xuất khẩu. Song ở đây cũng cần hiểu rằng phản ứng kiện tự vệ thương mại của các nước nhiều khi mang tính dây chuyền, thấy nước khác kiện được cũng kiện. Chẳng hạn như Indonesia, một nước có tới 250 triệu dân, nông thôn là chính, tại các đảo của họ nhà cửa chủ yếu lợp tôn, trong khi nước này sản xuất rất ít tôn, nhưng khi doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu thép mạ kẽm và tôn mạ màu vào thị trường này với giá cả rất hợp lý họ vẫn kiện mình bán phá giá.

Tất nhiên ngoài quyền lợi của người dân Indonesia, một số tập đoàn xuyên quốc gia đang thao túng thị trường nước này. Thí dụ như Công ty thép Bluescope (Australia) có nhà máy sản xuất thép ở Indonesia, Thái Lan và Malaysia, nên khi doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu thép sang các thị trường này, buộc Bluescope phải thu hẹp thị trường nên họ kiện thông qua các đại diện tại Indonesia, Malaysia, Thái Lan và cả tại Australia.

Bên cạnh đó, tại Hoa Kỳ thị trường chiếm 27% cơ cấu xuất khẩu thép năm ngoái và thị trường Australia cũng đang khởi kiện các nhà sản xuất thép Việt Nam về việc lẩn tránh thuế và chống trợ cấp, khi họ nghi ngờ thép Trung Quốc đội lốt thép Việt Nam để xuất khẩu sang các thị trường này.

Nghĩa là họ đã áp thuế chống bán phá giá với thép Trung Quốc, bây giờ họ thấy có hiện tượng thép Việt Nam xuất sang thị trường Hoa Kỳ tăng đột biến, họ nghi nghờ và tiến hành khởi kiện điều tra luôn. Quan trọng là doanh nghiệp khi bị cơ quan nước ngoài áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, phải có tinh thần hợp tác cao, kiên trì, không được tránh né.

- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác