VietinBank - nỗi lo hậu sáp nhập

(ĐTTCO) - Dù công tác quản lý tài sản và rủi ro tín dụng của NHTMCP Công thương Việt Nam (CTG) đang dần được cải thiện, nhưng cổ đông của NH này vẫn canh cánh nỗi lo về thương vụ sáp nhập với NHTMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank).

(ĐTTCO) - Dù công tác quản lý tài sản và rủi ro tín dụng của NHTMCP Công thương Việt Nam (CTG) đang dần được cải thiện, nhưng cổ đông của NH này vẫn canh cánh nỗi lo về thương vụ sáp nhập với NHTMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank).

Nợ xấu được đẩy lùi  

CTG và Công ty TNHH Ernst&Young Việt Nam vừa ký hợp đồng dịch vụ kiểm toán độc lập năm 2017 về việc cung cấp dịch vụ soát xét, kiểm toán báo cáo tài chính và hoạt động của hệ thống kiểm soát nội bộ của CTG năm 2017.

Tính đến thời điểm ngày 31-12-2016, nợ xấu (nợ từ nhóm 3 đến nhóm 5) của CTG 6.743 tỷ đồng (tăng 36%), tương đương với tỷ lệ nợ xấu 1,02% (cao hơn so với mức 0,92% tại thời điểm cuối năm 2015). Trong đó, nợ nhóm 5 là 3.820 tỷ đồng (tăng 37%).

Dư nợ nhóm 5 tăng cao so với cùng kỳ 2015 do trong năm 2016 số nợ được xử lý bằng nguồn dự phòng ở mức thấp 671 tỷ đồng (tương đương 0,1% tổng dư nợ, thấp hơn so với mức bình quân 1% của giai đoạn 2011-2015).

Để loại bỏ ảnh hưởng của phần nợ đã xóa đến biến động nợ xấu, cần xét đến tổng nợ nhóm 3 đến nhóm 5 và phần dư nợ đã xóa. Con số này đang trong xu hướng giảm kể từ đầu năm 2013, xét cả về giá trị tuyệt đối cũng như tỷ trọng trong tổng dư nợ.

 Như vậy, có thể khẳng định CTG đang kiểm soát và xử lý tốt các khoản nợ xấu của mình. Bên cạnh đó, nguồn dự phòng trong năm 2016 cũng tăng mạnh hơn so với nợ xấu. Số dư dự phòng cuối năm 2016 đạt 6.862 tỷ đồng (tăng 50,8%). Nhờ đó nâng tỷ lệ dự phòng trên nợ xấu (LLCR) của CTG lên mức 102%, đứng thứ 4 trong nhóm các NH niêm yết.

Tính đến cuối năm 2015, tổng mệnh giá trái phiếu VAMC mà CTG sở hữu là 10.341 tỷ đồng. Theo phân tích của CTCK Bảo Việt (BVSC), dù chưa có thuyết minh cụ thể cho năm 2016, nhưng khả năng CTG đã không bán thêm bất kỳ khoản nợ xấu nào cho VAMC trong năm vừa qua dựa trên 3 yếu tố sau: tỷ lệ nợ xấu của CTG ở mức tương đối thấp so sánh với những NH niêm yết khác; tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp ngay cả khi CTG chỉ xóa một lượng nợ xấu tương đương với khoảng 0,1% tổng dư nợ; các NH chỉ thực sự bán nợ đổi lấy trái phiếu VAMC như là lựa chọn cuối cùng, khi không đủ nguồn lực để hạ được tỷ lệ nợ xấu xuống dưới 3%.

Nhiều khả năng trong năm 2017-2018 CTG sẽ mua lại một phần khoản nợ đã bán cho VAMC. Nếu giả định CTG thu hồi được 20% số nợ đã bán cho VAMC (hơn 2.000 tỷ đồng) và đã trích lập được 3.427 tỷ đồng, nên nếu mua toàn bộ nợ lại từ VAMC, số nợ xấu sẽ được phân bổ lại vào nợ nhóm 3 đến nhóm 5 sẽ khoảng 4.900 tỷ đồng (tương đương 0,74% dư nợ cuối năm 2016).

Tính chung cả con số này, tỷ lệ nợ xấu của CTG dự báo vẫn ở dưới mức 2%. Do đó, BVSC cho rằng không có rủi ro nào lớn liên quan đến chất lượng tài sản của CTG trong những năm tới.

Khách hàng giao dịch tại VietinBank.

Khách hàng giao dịch tại VietinBank.

Vẫn còn rủi ro

Trong giai đoạn tái cơ cấu, hầu hết NH đều có tỷ lệ lãi cận biên (NIM) suy giảm từ 2011, sau đó phục hồi kể từ 2013-2014. Biến động về NIM của các NH này có độ trễ khoảng 1 năm sau biến động của lãi dự thu. Sau khi lãi dự thu giảm, NIM của các NH tăng dần. Tuy nhiên, NIM của CTG vẫn đang trên đà suy giảm kể từ 2011, dù lãi dự thu bắt đầu giảm từ 2015.

NIM của CTG năm 2016 đạt 2,73% thấp hơn so với mức bình quân của các NH niêm yết (2,89%). Điều này xuất phát từ chi phí vốn của NH trong năm 2016 tiếp tục tăng mạnh hơn lãi suất đầu ra bình quân, do lợi suất phải trả đối với phát hành giấy tờ có giá tăng từ 5,9% lên 6,3% sau khi CTG phát hành 8.000 tỷ đồng trái phiếu thứ cấp năm 2015, và nguồn vốn tài trợ ủy thác đầu tư giảm mạnh từ 54.237 tỷ đồng năm 2015 xuống 6.713 tỷ đồng vào thời điểm cuối năm 2016.

Dự báo NIM của CTG có thể tiếp tục giảm xuống mức 2,7% do lãi suất đầu ra dự báo tăng chậm hơn lãi suất đầu vào. Ngoài ra, NIM của CTG trong 2017 cũng có thể bị kéo giảm do ảnh hưởng từ việc sáp nhập với PG Bank sẽ phát sinh những chi phí liên quan đến thoái thu lãi.

Trên thực tế, thương vụ sáp nhập với PG Bank nhiều khả năng chưa diễn ra trong năm 2017, nhưng khả năng kéo giảm NIM sau khi sáp nhập do ảnh hưởng của việc thoái thu lãi. Theo hợp đồng sáp nhập, cả 2 NH sẽ không được chia cổ tức trước khi sáp nhập hoàn tất.

Trong khi đó, CTG hoàn tất việc trả cổ tức năm 2015 bằng tiền mặt với tỷ lệ 7% vào ngày 16-2. Do vậy, trong trường hợp việc sáp nhập tiếp tục diễn ra, sẽ cần có thời gian điều chỉnh và xin ý kiến ĐHCĐ liên quan đến việc sáp nhập.

Ngoài thương vụ sáp nhập với PG Bank, CTG đang đối mặt với rủi ro đến từ vụ án Huỳnh Thị Huyền Như đang chuẩn bị được đưa ra xét xử giai đoạn 2 tại TPHCM. Mặc dù quy trình xét xử sẽ còn tốn nhiều thời gian nhưng nhiều khả năng CTG có thể phải ghi nhận khoản lỗ trên 1.000 tỷ đồng mà 5 công ty Phương Đông, Hưng Yên, An Lộc, SBBS và Hoàn Cầu yêu cầu CTG phải trả. Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến lợi nhuận của CTG trong thời gian tới.

Các tin khác