Tập trung tái cơ cấu và xử lý nợ xấu

(ĐTTCO) - Định hướng chính sách điều hành tiền tệ, phương hướng tái cơ cấu (TCC) NHTM và xử lý nợ xấu của NHNN trong năm 2017 đang là vấn đề thu hút sự quan tâm lớn từ doanh nghiệp, nhà đầu tư trên thị trường. Để hiểu rõ hơn về những giải pháp thực hiện, ĐTTC đã ghi nhận ý kiến ông PHẠM CHÍ QUANG, Phó Vụ  trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN.

(ĐTTCO) - Định hướng chính sách điều hành tiền tệ, phương hướng tái cơ cấu (TCC) NHTM và xử lý nợ xấu của NHNN trong năm 2017 đang là vấn đề thu hút sự quan tâm lớn từ doanh nghiệp, nhà đầu tư trên thị trường. Để hiểu rõ hơn về những giải pháp thực hiện, ĐTTC đã ghi nhận ý kiến ông PHẠM CHÍ QUANG, Phó Vụ  trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN.

Lạc quan chính sách tiền tệ 2017

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, trong năm 2016 chính sách tiền tệ đã phối hợp và hỗ trợ rất tốt cho chính sách tài khóa trong việc điều hành nền kinh tế, nhất là trong phát hành trái phiếu tài trợ cho nguồn ngân sách của Chính phủ. Có thể nói, sự thành công của Bộ Tài chính trong việc phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP) có sự hỗ trợ của chính sách tiền tệ.

Trước đây, để thực hiện cơ chế TCC nợ công, TCC ngân sách, Quốc hội yêu cầu Chính phủ thay vì phát hành trái phiếu có kỳ hạn ngắn, nên phát hành trái phiếu có kỳ hạn dài với mức lãi suất thấp. Với sự hỗ trợ của NHNN, các kỳ hạn phát hành TPCP đã tăng rất tốt, như kỳ hạn 5 năm, 10 năm, thậm chí kỳ hạn 20 năm với mức lãi suất rất thấp.

Quốc hội cũng đã có Nghị quyết về mục tiêu điều hành nền kinh tế năm 2016-2020, trong đó yêu cầu thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, đảm bảo giá trị VNĐ, kiểm soát lạm phát dưới 4% trong các năm đầu và ở mức 3% vào năm 2020. Theo đó, Chính phủ đã ra Nghị quyết 01 đầu năm 2017 quy định tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân khoảng 4%.

Với mục tiêu đó, Thống đốc NHNN đã ban hành Chỉ thị 01 tổ chức thực hiện chính sách tiền tệ và đảm bảo an toàn hoạt động NH trong năm 2017, đồng thời ban hành Quyết định về kế hoạch hành động của ngành NH triển khai Nghị quyết 01 của Chính phủ. Theo đó, NHNN tiếp tục điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa hỗ trợ tăng trưởng theo mục tiêu Quốc hội đề ra.

Năm nay, tổng tăng trưởng tín dụng đề xuất 18% và tổng phương tiện thanh toán 16-18%. Về tín dụng, NHNN sẽ hỗ trợ thanh khoản cho các TCTD cũng như những công cụ khác để đưa nguồn vốn, mở rộng tín dụng đến 5 lĩnh vực ưu tiên. Tuy nhiên, doanh nghiệp (DN) và nhà đầu tư cần cân nhắc đối với một số ngành NHNN chủ trương hạn chế tín dụng, như tín dụng trung và dài hạn, tín dụng cho BOT, BT, bất động sản, nhất là bất động sản thương mại giá trị cao.

Về mặt thị trường, tỷ giá, năm 2016 không chịu tác động nhiều từ yếu tố nội tại mà là từ bên ngoài. Song với cơ chế tỷ giá trung tâm, định giá VNĐ vào một số đồng tiền thay vì chỉ dựa vào đồng USD, tỷ giá đủ linh hoạt và ứng phó được những cú sốc trong giai đoạn vừa qua, như sự biến động của đồng NDT và hiện tượng Brexit. NHNN sẽ tiếp tục phát huy điểm mạnh và khắc phục những điểm tồn tại trong năm 2017 để đáp ứng yêu cầu điều hành.

Hình thành thị trường mua bán nợ xấu

Một trong những việc quan trọng nhất Quốc hội giao NHNN là giữ được sự ổn định của VNĐ, từ đó giữ được lòng tin nhà đầu tư, DN. Vì thế, năm nay TCC nền kinh tế và cải cách DNNN là mệnh lệnh bắt buộc, cụ thể nếu người đứng đầu DNNN không chịu cổ phần hóa có thể xử lý hình sự. Như vậy, mức độ cam kết về cổ phần hóa năm nay từ Chính phủ rất lớn.

Theo đó, lượng hàng hóa cung cấp trên thị trường chứng khoán sẽ đa dạng hơn những năm trước đây. Do đó, tôi nghĩ không chỉ đối mặt với nguồn tiền ra mà còn đón chờ nguồn tiền mới từ nước ngoài chảy vào Việt Nam, cán cân thanh toán sẽ được cải thiện tốt hơn. Đó là điểm chúng tôi cũng mong đợi sẽ diễn ra trong năm 2017 để hỗ trợ cho chính sách tiền tệ của NHNN.

Về xử lý nợ xấu NH, hiện NHNN đã trình Chính phủ và Bộ Chính trị đề án cơ cấu lại hệ thống TCTD và xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020. Trên cơ sở được phê duyệt của Chính phủ, NHNN đang gấp rút hoàn thiện và có hướng dẫn cụ thể đến từng TCTD để triển khai. Thống đốc NHNN cũng vừa ban hành Chỉ thị 02 về xử lý nợ xấu và TCC các TCTD trong năm 2017.

Trong đó, NHNN chỉ đạo NHTM tăng cường công tác cơ cấu lại TCTD, tăng cường xử lý nợ xấu, tăng cường năng lực thể chế cho các TCTD và tăng cường công tác thanh tra giám sát. Điểm quan trọng nhất là rà soát lại các văn bản pháp quy, dần hình thành một thị trường mua bán nợ xấu, thay vì mua bán nợ xấu như trước. Đây là vấn đề pháp lý rất lớn và sẽ rà soát trong thời gian tới. Công ty Quản lý tài sản các TCTD Việt Nam (VAMC) cần nâng cao vai trò bằng việc cơ cấu lại công ty, tăng vốn điều lệ, mở các khả năng hoạt động để hỗ trợ các TCTD mua bán nợ theo nguyên tắc thị trường.

Một điểm mới nữa trong năm 2017 là Thống đốc đã chỉ đạo đơn vị chức năng của NHNN phối hợp với các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Tư pháp để ban hành luật mới trình Quốc hội thông qua. Hiện nay chúng ta có Luật NHNN, Luật các TCTD, Luật Phá sản… nhưng quá trình TCC và xử lý nợ xấu nổi lên vấn đề là mức độ xử lý vẫn chưa đạt yêu cầu. Đặc biệt, vai trò, trách nhiệm nghĩa vụ của người quản lý điều hành, sở hữu các TCTD chưa được nêu đầy đủ trong nhiều văn bản pháp quy, nên thời gian tới phải nhanh chóng bổ sung.

Thống đốc đã chỉ đạo và chúng tôi cũng làm việc với một số bộ, ngành chức năng liên quan, dự kiến sẽ sớm có đề án Luật Hỗ trợ TCC các TCTD và xử lý nợ xấu trong khoảng tháng 5 hoặc tháng 7 tới để NHNN trình Quốc hội.

Các tin khác