Tận dụng cơ hội

(ĐTTCO) - Từ ngày 15 đến 19-3, Công ty TNHH Thái Expo phối hợp cùng CTCP Quảng cáo và xúc tiến thương mại Đông Nam tổ chức chương trình “Hội chợ Thái Lan 2017 tại TPHCM - lần 2”. Hội chợ lần này có sự tham gia của gần 140 gian hàng trưng bày sản phẩm tới từ các công ty và nhà nhập khẩu hàng Thái Lan, giới thiệu đến người tiêu dùng Việt Nam những nét văn hóa tiêu biểu và kênh mua sắm hàng hóa chính hãng, chất lượng cho người dân TPHCM.

(ĐTTCO) - Từ ngày 15 đến 19-3, Công ty TNHH Thái Expo phối hợp cùng CTCP Quảng cáo và xúc tiến thương mại Đông Nam tổ chức chương trình “Hội chợ Thái Lan 2017 tại TPHCM - lần 2”. Hội chợ lần này có sự tham gia của gần 140 gian hàng trưng bày sản phẩm tới từ các công ty và nhà nhập khẩu hàng Thái Lan, giới thiệu đến người tiêu dùng Việt Nam những nét văn hóa tiêu biểu và kênh mua sắm hàng hóa chính hãng, chất lượng cho người dân TPHCM.

Thực tế, suốt 14 năm qua, kể từ năm 2002, mỗi năm Thái Lan tổ chức ít nhất 4 kỳ hội chợ hàng Thái tại Việt Nam. Đặc biệt, trong năm 2017, Thái Lan đã lên kế hoạch tổ chức khoảng 10 hội chợ hàng Thái tại TPHCM (6), Hà Nội (2), Đà Nẵng (1) và Cần Thơ (1). Vì sao họ “dám” tổ chức nhiều hội chợ hàng Thái tại Việt Nam như vậy? Có yếu tố thiên thời là trong bối cảnh các dòng sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc với giá thành rẻ, mẫu mã bắt mắt nhưng chất lượng kém, gây ảnh hưởng đến sức khỏe đã bị người tiêu dùng tẩy chay.

Họ tìm đến các cửa hàng, siêu thị bán hàng hóa các nước khác để mua những dòng sản phẩm có giá thành đắt hơn nhưng đảm bảo an toàn hơn. Người tiêu dùng không chỉ đến các cửa hàng, siêu thị để mua hàng bày bán mà còn đặt mua các sản phẩm trên các trang mạng bán hàng online.

Nói rộng ra, trước nỗi lo về chất lượng hàng Trung Quốc, hàng tiêu dùng Thái tận dụng cơ hội đổ bộ vào thị trường Việt Nam, phủ sóng các ngóc ngách, từ chợ truyền thống đến siêu thị. Thí dụ, Tập đoàn bán lẻ Central Group của Thái Lan mua lại hệ thống siêu thị Big C Việt Nam gồm 33 siêu thị, 10 cửa hàng tiện lợi và một trang thương mại điện tử với giá gần 1,1 tỷ USD.

Tập đoàn bán lẻ của Thái là BCJ Group cũng đã mua lại Metro Việt Nam gồm 19 siêu thị và các bất động sản liên quan với giá 876 triệu USD. Có được hệ thống bán lẻ trong tay, dĩ nhiên hàng Thái cũng dễ dàng lọt vào chuỗi bán lẻ này.

Điều này được thể hiện qua số liệu từ Tổng cục Hải quan: trong 2 tháng đầu năm 2017, Việt Nam chi 164 triệu USD (tương đương 3.720 tỷ đồng), tăng 54,7% so cùng kỳ năm 2016, để nhập rau củ quả. Trong đó nhập từ Thái Lan chiếm 82,6 triệu USD, hơn 50% giá trị nhập khẩu rau củ quả của cả nước.

Như vậy, tính trung bình, mỗi ngày người Việt chi 62 tỷ đồng để mua rau quả ngoại, trong đó khoảng 31 tỷ đồng/ngày (tức hơn 1 nửa) mua rau quả Thái Lan. Trong khi đó, nhập rau quả từ Trung Quốc chỉ đạt 31 triệu USD, chiếm hơn 19% giá trị nhập khẩu cả nước.

 Trong nhiều năm qua, mối quan hệ kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Thái Lan có bước phát triển vượt bậc. Kim ngạch thương mại 2 chiều dự kiến đạt gần 13 tỷ USD trong năm 2016 góp phần tạo ra mức tăng trưởng trung bình xấp xỉ 11% trong 10 năm trở lại đây. 2 bên hiện đang đặt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại 2 chiều lên mức 20 tỷ USD vào năm 2020. Về hợp tác đầu tư, tính đến cuối năm 2016, Thái Lan đứng thứ 10 trong số 115 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam và đứng thứ 3 trong các nước ASEAN với tổng số vốn đầu tư đăng ký 9,44 tỷ USD. Các dự án đầu tư của Thái Lan đã có mặt tại 41/63 tỉnh thành của Việt Nam.

Đứng trước bối cảnh hội nhập rộng mở, trong khi doanh nghiệp Việt còn loay hoay tìm hướng đi, người Thái đã nhanh chân “đổ bộ” vào nước ta. Cụ thể, các hội chợ hàng Thái tại Việt Nam có sự góp mặt đầy đủ những nhà phân phối hàng đầu của họ. Điều này cho thấy những nhà phân phối Thái Lan có kế hoạch thâm nhập bài bản từ thí điểm quảng bá thương hiệu đến đưa hàng qua đường xách tay, mở thử nghiệm chuỗi phân phối, đại lý nhượng quyền và các chuỗi cung ứng, đại lý bán lẻ.

Cạnh tranh của các nhà phân phối Thái rất trực diện và đi vào hiệu quả, không chỉ bằng vài ba cuộc vận động tiêu dùng hàng trong nước như doanh nghiệp Việt Nam thường làm. Đặc biệt, các chính sách trợ giá, đổi trả sản phẩm linh hoạt… là một trong những yếu tố góp phần tạo nên niềm tin với hàng tiêu dùng Thái Lan. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Thái chi mạnh trong việc xúc tiến, quảng cáo sản phẩm đến các nhà phân phối Việt Nam, nhằm tăng ưu thế cạnh tranh cho sản phẩm mình.

Đây có lẽ là bài học quý giá cho doanh nghiệp, nhà sản xuất và phân phối Việt trong việc nhắm đến thị trường nội địa trên 90 triệu dân, để sản phẩm Việt nói chung, trái cây, rau quả nói riêng, không bị lép vế trên sân nhà.

Các tin khác