Tầm nhìn mới quy hoạch không gian đô thị

(ĐTTCO) - LTS: Ngày 15-3, Báo SGGP tổ chức tọa đàm với chủ đề: “Không gian đô thị để chống ùn tắc giao thông, “vun” dân và “giãn” dân”. Lãnh đạo các sở ngành, các chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch và giao thông đã nêu ra nhiều nhận xét về thực trạng, các điểm nghẽn cần tháo gỡ và kiến nghị các giải pháp liên quan đến các vấn đề này. Điểm chung, các đại biểu đều mong muốn TPHCM phát triển đồng bộ theo hướng văn minh, hiện đại và bền vững.

(ĐTTCO) - LTS: Ngày 15-3, Báo SGGP tổ chức tọa đàm với chủ đề: “Không gian đô thị để chống ùn tắc giao thông, “vun” dân và “giãn” dân”. Lãnh đạo các sở ngành, các chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch và giao thông đã nêu ra nhiều nhận xét về thực trạng, các điểm nghẽn cần tháo gỡ và kiến nghị các giải pháp liên quan đến các vấn đề này. Điểm chung, các đại biểu đều mong muốn TPHCM phát triển đồng bộ theo hướng văn minh, hiện đại và bền vững.

Mặt tối cấu trúc đô thị

Đề dẫn buổi tọa đàm, ông Lê Tiền Tuyến, Phó Tổng biên tập Báo SGGP, nhấn mạnh tổ chức không gian đô thị để chống ùn tắc giao thông, “vun” dân và “giãn” dân là những vấn đề lớn của TPHCM. Để giải quyết vấn đề này cần sự góp sức chung tay thực hiện của các ngành và cả người dân.

Các đại biều tham dự cuộc tọa đàm. Ảnh: CAO THĂNG

Các đại biều tham dự cuộc tọa đàm. Ảnh: CAO THĂNG

TPHCM trước đây được ví như Hòn ngọc Viễn Đông và chỉ có 2,5 triệu dân, nhưng nay đã hơn 10 triệu dân, như vậy quy hoạch đô thị và cụm dân cư, các tuyến giao thông mới như thế nào? Vì sao người dân vẫn tập trung chủ yếu ở nội đô? Vì vậy để “giãn” dân kèm theo phải có hạ tầng đầu tư đồng bộ, kết nối giao thông để hạn chế ùn tắc giao thông.

 Thực tế giai đoạn vừa qua TPHCM đã làm được một số việc chấn chỉnh đô thị, giảm ùn tắc giao thông nhưng có 2 vấn nạn lớn chưa giải quyết được. Các đại biểu tham dự tọa đàm đều cho rằng đây là bài toán rất khó và nên làm cuộc “cách mạng lớn” để thay đổi không gian đô thị, giải được các điểm nghẽn hiện nay. Nếu có giải pháp đúng, người dân sẽ đồng tình, cùng góp phần xây dựng TPHCM  có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình; lấy lại vị thế Hòn ngọc Viễn Đông.

Theo nhận định của TS. Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TPHCM, không gian đô thị TPHCM có cấu trúc không bình thường. Khu vực các quận 1, 3, 5 và 10 có hệ thống hạ tầng giao thông đủ tiêu chuẩn. Nhưng phần lớn diện tích khu vực các quận nội và ngoại thành còn lại phát triển tự phát, với cấu trúc chủ yếu là đường hẻm và nhà phố dạng ống.

Nhà cửa trong các khu dân cư nơi đây được xây dựng dàn trải, mật độ xây dựng dày đặc nhưng hệ số sử dụng đất thấp, thiếu các trục đường chính đô thị, thiếu hệ thống cây xanh, thoát nước và công trình công cộng đáp ứng nhu cầu dân cư. Dạng cấu trúc đô thị đặc trưng này chỉ phù hợp với giao thông bằng xe gắn máy và khó phát triển xe buýt công cộng. Khi kinh tế phát triển, nhiều người chuyển từ xe gắn máy lên ô tô, dẫn đến ùn tắc giao thông.

Các đại biểu tham dự tọa đàm đều cho rằng không nên hiểu một cách máy móc khái niệm “vun” và “giãn”. Chỉ có thể làm được việc này khi phát triển được đô thị đa trung tâm. Mỗi trung tâm là một tổng thể hoàn chỉnh về hạ tầng kỹ thuật và xã hội, nối kết với nhau bằng hệ thống giao thông thuận tiện.

Liên kết cùng phát triển 

Để giảm ùn tắc giao thông đô thị cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó thực hiện quy hoạch xây dựng đã được duyệt nhằm phân bố lại dân cư trên địa bàn; giảm lượng người đổ dồn vào khu trung tâm bằng cách thực hiện mô hình phát triển TP tập trung - đa cực. Khu vực trung tâm là khu vực nội thành với bán kính 15km và 4 cực phát triển cần đầu tư bài bản, thực hiện đồng bộ mới từ các khu đô thị với các loại hình nhà ở, tới hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật đô thị.

Ông Hoàng Minh Trí, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM

GS.TS Nguyễn Trọng Hòa, chuyên viên cao cấp Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, nhận định sau giai đoạn phát triển khá ngoạn mục với tốc độ phát triển GDP luôn đạt 2 con số, TP đang chững lại do nhiều vấn đề, trong đó nổi bật là nạn ách tắc giao thông, ngập nước, ô nhiễm môi trường và vấn đề nhà ở giá rẻ cho người lao động.

TP đang quyết liệt  thực hiện 7 chương trình đột phá với nhiều giải pháp cụ thể, nhưng TPHCM vẫn đang đối mặt với các thách thức trên. TPHCM chỉ có thể thoát ra khỏi những vấn nạn này nếu Chính phủ, các bộ ngành Trung ương, TPHCM và các tỉnh thành khác trong vùng có cách nhìn nhận mới, như tập trung xử lý mối quan hệ hữu cơ giữa phát triển đô thị TP với các đô thị khác trong vùng theo hướng liên kết cùng phát triển nhanh.

 Thí dụ, khi Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng sau khi thăm Bình Dương đã đặt vấn đề TPHCM có thể xây dựng được nhà ở với giá 100 triệu đồng cho người lao động? Câu trả lời của các sở ngành, quận huyện chỉ tập trung phân tích về việc thiếu quỹ đất giá rẻ nên chỉ có thể xây dựng ở những nơi rất xa, trong khi không có cơ quan nào đề xuất tập trung đầu tư phát triển tốt hệ thống giao thông kết nối với Bình Dương, để người lao động tại TPHCM có thể mua nhà giá rẻ ở Bình Dương, thay vì lên Củ Chi, xuống Nhà Bè.

Tại nhiều quốc gia, các vùng đô thị lớn, bài toán dân số, lao động, việc làm, nhà ở đều được nghiên cứu xử lý và tìm được lời giải thông qua giải pháp liên kết giữa các đô thị trong vùng bằng phát triển hệ thống hành khách công cộng.

Các đại biểu tham dự đã phân tích mô hình “đô thị nén” và “đô thị dàn trải”. Xu hướng chung của thế giới trong thời gian qua là “vun” dân, tức phát triển đô thị nén với nhà cao tầng, giao thông công cộng khối lớn, đường cao tốc và đi bộ. Tổ chức không gian để “vun” dân có hiệu quả kinh tế cao hơn “giãn” dân, nhưng với điều kiện đảm bảo hạ tầng. Khi không bảo đảm điều kiện đó việc “vun” dân sẽ làm đô thị kẹt cứng.

Còn “giãn” dân là phát triển đô thị đa trung tâm hoàn chỉnh về các điều kiện sống, làm việc, học hành... Đối với các khu đô thị cũ không đủ tiêu chuẩn về hạ tầng đô thị, cần có kế hoạch từng bước cải tạo, nâng cấp và theo đúng nguyên tắc hạ tầng đi trước. Khi chưa có điều kiện cải tạo hệ thống hạ tầng, tuyệt đối không “vun” thêm dân vào các khu vực đó.

Đồng bộ và trước, sau 

Trước đây chủ trương của TP là “giãn” dân từ các quận nội thành ra các quận ngoại thành. Nhưng hiện nay, cần có tầm nhìn chiến lược theo hướng “giãn” dân từ những khu vực không thuận lợi cho phát triển đô thị TPHCM ra các đô thị trong vùng như Bình Dương, Đồng Nai, Long An. Nghiên cứu giải bài toán dân số phải kèm theo các yếu tố khác như việc làm, nhà ở trên một khu vực rộng hơn. Điều này không những giúp TP giải quyết được vấn đề bức xúc, mà còn tạo điều kiện để các tỉnh thành trong vùng khai thác tiềm năng sẵn có.

GS.TS Nguyễn Trọng Hòa

Ông Nguyễn Thanh Toàn, Phó Giám đốc Sở QH-KT TPHCM, cho biết quy hoạch chung của TPHCM đã được Thủ tướng phê duyệt từ năm 2010. Trong quá trình 7 năm thực hiện quy hoạch chung, có nhiều mặt tốt nhưng vẫn có những dự báo về quy hoạch chưa chính xác và quan trọng nhất không có chương trình tổ chức thực hiện quy hoạch một cách bài bản, hệ thống.

 Theo đó, nếu phát triển TP về 4 hướng cần phải đồng bộ về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật và có chương trình tổ chức thực hiện. Không nên làm hàng ngang, từng việc dẫn đến tình trạng làm cầu thiếu đường dẫn, xây khu đô thị thiếu trường học, công viên… sẽ khó phát triển bền vững. Hiện nay, các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế đã tham gia lĩnh vực bất động sản phát triển đô thị, nhưng phần nguồn lực đầu tư cho hạ tầng lại chủ yếu từ ngân sách.

Do đó cần có kế hoạch ưu tiên phát triển cái nào trước cái nào sau. TP đang thành lập tổ công tác phát triển phía Đông để sắp xếp lại, rà soát lại quy hoạch chung quận 2, 9 và Thủ Đức vì hiện nay đã xuất hiện ùn tắc giao thông ở khu vực cửa ngõ này.

Trước vấn nạn công trình cao tầng nằm trong khu vực nội thành, Sở QH-KT đang chuẩn bị báo cáo TP về một số đề xuất để giải quyết vấn nạn, như phải có kế hoạch triển khai các dự án đầu tư theo quy hoạch, theo lộ trình, phải xác định nguồn lực và có kế hoạch, đầu tư đồng bộ công trình bên trên lẫn công trình dưới đất để tạo ra sự phát triển bền vững.

Đối với vấn đề TPHCM phải gắn với vùng lân cận, ông Nguyễn Văn Tám, Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM, bày tỏ sự đồng tình với ý kiến đóng góp của các chuyên gia. Đây không phải là vấn đề mới mà đã có nghiên cứu đặt ra và có những quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt, như quy hoạch giao thông vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, cốt lõi là TPHCM và các tỉnh thành lân cận. Vấn đề còn lại tổ chức thực hiện.

Riêng về quy hoạch giao thông vận tải của TPHCM định hướng đến năm 2020 và sau năm 2020, năm 2007, Chính phủ đã phê duyệt. Song, Sở GTVT rà soát lại quy hoạch này so với tiến độ, cho thấy việc tổ chức thực hiện đạt được so với quy hoạch rất khiêm tốn do kỳ vọng lớn nhưng nguồn lực hạn chế. Ông Tám bày tỏ mong muốn các sở ngành cùng phối hợp, toàn thể người dân cùng tham gia để thực hiện mục tiêu  giảm ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, cùng góp phần nâng cao chất lượng đời sống người dân.

Các tin khác