Hoa Kỳ đang thay đổi (B2): Đồng minh, đối tác hay đối đầu

(ĐTTCO) - Giấc mơ Hoa Kỳ (American Dream) là nét văn hóa, niềm tự hào không chỉ riêng cho các công dân, mà cả thường trú nhân ở xứ sở cờ hoa, với mục tiêu cải thiện, nâng cao cuộc sống nhờ học tập cần cù và lao động siêng năng; ai cũng có thể đạt được ước mơ của mình bằng nỗ lực và khả năng cá nhân hơn là thành phần xuất thân, địa vị xã hội hoặc bằng cơ may từ đâu đưa đến... Sự thịnh vượng, giàu có của Hoa Kỳ ngày nay cũng nhờ từ yếu tố này: Mọi người nỗ lực cải thiện cuộc sống của chính mình vun đắp cho thịnh vượng quốc gia. Nay Giấc mơ Hoa Kỳ đang trải qua nhiều biến động kể từ khi Donald Trump nhậm chức tổng thống.

(ĐTTCO) - Giấc mơ Hoa Kỳ (American Dream) là nét văn hóa, niềm tự hào không chỉ riêng cho các công dân, mà cả thường trú nhân ở xứ sở cờ hoa, với mục tiêu cải thiện, nâng cao cuộc sống nhờ học tập cần cù và lao động siêng năng; ai cũng có thể đạt được ước mơ của mình bằng nỗ lực và khả năng cá nhân hơn là thành phần xuất thân, địa vị xã hội hoặc bằng cơ may từ đâu đưa đến... Sự thịnh vượng, giàu có của Hoa Kỳ ngày nay cũng nhờ từ yếu tố này: Mọi người nỗ lực cải thiện cuộc sống của chính mình vun đắp cho thịnh vượng quốc gia. Nay Giấc mơ Hoa Kỳ đang trải qua nhiều biến động kể từ khi Donald Trump nhậm chức tổng thống.

Hoa Kỳ đang thay đổi (B1): Sự khởi đầu đầy khó khăn

Tan mộng Giấc mơ Hoa Kỳ

Giấc mơ Hoa Kỳ đã tồn tại từ lâu theo tiến trình lịch sử đất nước này. Khi khai sinh Hợp Chủng quốc Hoa Kỳ, hiến pháp đã hiến định: “Mọi người đều có quyền bình đẳng, cuộc sống tự do và mưu cầu hạnh phúc”. Đây như điều thôi thúc, rằng mọi người đều có thể đạt được sự thịnh vượng cá nhân to lớn hơn là điểm xuất phát gốc gác của mình.

Niềm hy vọng ấy không chỉ cho họ mà còn đối với con cháu họ, những người nhập cư mới khi đến Hoa Kỳ, được tiếp nhận một nền giáo dục tốt, cơ hội làm việc tốt và khả năng tiến thân; không bị ràng buộc bởi dân tộc, giai cấp, đảng phái, tôn giáo...

Để tiếp tục giữ vai trò đầu tàu, thống trị thế giới trong không gian hội nhập rộng mở, Tổng thống Bill Clinton từng nói: “Chúng ta cần một tinh thần cộng đồng mới, một cảm xúc rằng tất cả đang ở trong cộng đồng này cùng với nhau, hoặc Giấc mơ Hoa Kỳ sẽ héo tàn. Vận mệnh của chúng ta bị ràng buộc với vận mệnh của mọi người khác”.

Thế nhưng ngay sau khi nhậm chức, Tổng thống D. Trump đã ra tuyên bố, nói rõ để bảo vệ công việc của người bản xứ, tránh gây tổn hại nền kinh tế, Hoa Kỳ sẽ rút khỏi TPP - một thành quả lớn của vị tổng thống tiền nhiệm, và ra sắc lệnh cấm nhập cư đối với 7 nước Hồi giáo (Iran, Iraq, Syria, Libya, Somalia, Sudan và Yemen).

Ở nhiều thành phố và các sân bay, hàng chục ngàn người đã xuống đường biểu tình chống lại sắc lệnh này. Nhiều thẩm phán đã phản đối cho rằng sắc lệnh này trái với Hiến pháp Hoa Kỳ, thả hàng trăm người trước đó bị tạm giam ở các sân bay.

Trước các phản ứng mạnh mẽ trong nước và quốc tế, Nhà Trắng vẫn tiếp tục bảo vệ quyết định này, cho rằng đây không phải là sự phân biệt “vấn đề tôn giáo”, mà là để “bảo vệ công dân và biên giới Hoa Kỳ”; dự kiến sẽ ký sắc lệnh di trú mới chặt chẽ hơn nhằm kiên quyết với vấn đề nhập cư bất hợp pháp.

Và mới đây, Cơ quan Di trú và nhập tịch Hoa Kỳ thông báo, kể từ ngày 3-4 tới, sẽ ngừng việc xét duyệt nhanh thị thực cho lao động nước ngoài (H-1B). Đây là loại thị thực không định cư, cho phép chủ doanh nghiệp Hoa Kỳ tuyển dụng và thuê chuyên gia nước ngoài trong các ngành nghề chuyên môn như công nghệ thông tin, y học, kỹ thuật... làm việc trong khoảng thời gian nhất định.

Trước khi có quyết định này mỗi năm Hoa Kỳ cấp khoảng 65.000 thị thực dạng H-1B và khoảng 20.000 thị thực cho những người đi học có bằng thạc sĩ tại Hoa Kỳ; thị thực có thời hạn 3 năm và có thể được gia hạn thêm 3 năm nữa. Với các quy định trên, có thể nói cánh cửa vào Hoa Kỳ đang đóng sầm lại.

Ngay khi có lệnh cấm nhập cư đến từ 7 quốc gia Hồi giáo, chính sách này đã khơi dậy hàng loạt cuộc biểu tình trên khắp cả nước. Điều đáng nói các doanh nghiệp lớn như Ford, Coca-Cola, Apple, Amazon, Microsoft, Google, IBM, Facebook, Uber... cũng lên tiếng chỉ trích Trump. Họ cho rằng sự đang dạng, phong phú của đội ngũ cán bộ-nhân viên là yếu tố giúp họ phát triển.

Vì vậy, quy định mới gây cản trở hoạt động của doanh nghiệp, đặt họ vào tình thế kém cạnh tranh so với các công ty ở quốc gia khác. Nhiều tập đoàn lớn của Hoa Kỳ đã bày tỏ thái độ thất vọng và không ủng hộ chính sách này. Bởi lẽ, phần lớn tập đoàn ở Hoa Kỳ đều do người nhập cư gầy dựng. Nếu không có người nhập cư, Hoa Kỳ chẳng bao giờ có nhiều tập đoàn hùng mạnh như hiện nay.

Một nghiên cứu của Viện Kinh tế quốc tế Peterson, một tổ chức nghiên cứu độc lập có trụ sở tại Washington, đưa ra cảnh báo: Chính sách “đóng cửa” do tổng thống phát động có thể làm các doanh nghiệp thu hẹp hoạt động hoặc chuyển ra nước ngoài, có thể khiến Hoa Kỳ mất đi 4 triệu việc làm ở khu vực tư nhân, đẩy kinh tế vào suy thoái.

Điều đáng nói là những người dễ tổn thương nhất lại là tầng lớp lao động giản đơn, kỹ năng thấp. Điều oái oăm đây lại là thành phần ủng hộ ông Trump mạnh nhất trong đợt bầu cử vừa qua!

Dân lao động Mexico dọc biên giới Hoa Kỳ bán hàng rong mưu sinh. Ảnh: LÊ DUYÊN

Dân lao động Mexico dọc biên giới Hoa Kỳ bán hàng rong mưu sinh. Ảnh: LÊ DUYÊN

Ngăn cách và chia rẽ

Tục ngữ phương Đông phổ biến “triết lý” sống: “Nhất cận thân, nhì cận lân”; “Họ hàng xa không bằng láng giềng gần”. Nhưng ngay sau khi nhậm chức, D.Trump đã bày tỏ thái độ sẽ đàm phán lại các thỏa thuận trong Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) ký kết giữa Hoa Kỳ với 2 nước láng giềng Canada và Mexico từ năm 1994. Thậm chí Nhà Trắng cảnh báo rằng Tổng thống Trump sẽ rút hỏi hiệp định này nếu các thành viên NAFTA không đưa ra các điều khoản “công bằng hơn” cho nước này!

NAFTA là tổ chức giúp cho 3 nước Bắc Mỹ nâng cao khả năng về công nghệ, nguồn nhân lực, nền kinh tế để đối trọng với các khối EU, AFTA... Nay nó đang trong cơn rung lắc dữ dội, đe dọa bước tiến mới trong tương lai. NAFTA với triển vọng hợp nhất Bắc Mỹ theo kiểu Liên minh châu Âu, khó hình thành do lợi ích dân tộc. Khi nền kinh tế mỗi nước suy giảm, người ta thường viện dẫn do nước khác chèn ép hoặc người nhập cư gây nên, là các yếu tố khách quan chứ ít khi nhìn vào nguyên nhân nội tại chính mình.

Mexico - nước kế cận ở phía Nam, còn đón nhận thêm “trận động đất” ngay khi D. Trump vừa nhiếp chính. Sắc lệnh của tổng thống ngày 25-1 chỉ đạo giam giữ, trục xuất những người nhập cư bất hợp pháp và kiểm tra tính hiệu quả việc viện trợ cho Mexico; xây bức tường kiên cố 3.200km ngăn cách Hoa Kỳ-Mexico trị giá 8 tỷ USD. Ông còn tuyên bố Mexico phải trả tiền cho bức tường này, đánh thuế 20% hàng hóa Mexico nhập vào Hoa Kỳ...

Tổng thống Mexico lập tức hoãn chuyến công du sang nước này và cho rằng Mexico sẽ không trả tiền việc xây bức tường trên. Còn chỉ vài giờ sau khi Trump ký sắc lệnh này nhiều cuộc “biểu tình khẩn cấp” trên khắp Hoa Kỳ đã nổ ra phản đối việc xây bức tường biên giới. Tại Mexico, từ thành phố nhộn nhịp đến làng quê, người dân nổi giận kêu gọi tẩy chay hàng hóa Hoa Kỳ; cắt đứt mối liên kết đồng minh lâu năm giữa hai nước.

Thái độ nóng giận của người dân Mexico xuất phát từ lâu vì nhiều vấn đề nhạy cảm: Là nước nghèo bên cạnh quốc gia đại hùng cường; là nước tiêu thụ lớn hàng hóa tiêu dùng hàng ngày của Hoa Kỳ; là nước cung ứng lao động chân tay, khó nhọc nhưng thu nhập thuộc diện thấp nhất tại Hoa Kỳ...

Bạn cứ thử so sánh mức sống: Với 1USD ở Hoa Kỳ người ta không mua được chai nước suối, chỉ mua được 1 trái táo ở Canada nhưng có thể mua được 48 quả chuối ở Mexico. Ở Canada, Hoa Kỳ không có cảnh này, nhưng chỉ bước sang biên giới Mexico bạn sẽ thấy ngay hình ảnh của các gánh hàng rong, người bán dạo; dọc đường đầy rẫy các xe chuối chiên, bắp nướng bán cho du khách...

Ông Marcus Noland, Phó Chủ tịch Viện Kinh tế quốc tế Peterson (Hoa Kỳ) nhận xét: Nếu áp thuế cao lên hàng hóa xuất khẩu Mexico và xây dựng bức tường biên giới phía Nam để ngăn chặn người nhập cư, nhằm giúp Hoa Kỳ “tạo được công việc tốt cho người lao động” là việc lợi bất cập hại. Ông cho rằng “nếu Trump đẩy nước láng giềng vào suy thoái, ông chỉ làm điều ngược lại: Hoa Kỳ cuối cùng sẽ phải đón nhận làn sóng nhập cư trái phép còn lớn hơn hiện tại”.

Thủ tướng Anh Theresa May là người đầu tiên “xông đất” Nhà Trắng dưới triều đại D. Trump. Tuy nhiên ở trong nước của đồng minh thân cận lâu năm này cũng xảy ra điều bất bình. Năm 2006, doanh nhân D. Trump mua lại một điền trang ở Scotland - một quốc gia thuộc khối Liên hiệp Anh và Bắc Ireland, xây dựng một sân golf nghỉ dưỡng trên phần đất quy hoạch nghiên cứu khoa học, gây khiếu kiện căng thẳng với dân địa phương.

You’ve Been Trumped (Bạn đã bị Trump chơi xỏ) là một bộ phim tài liệu thuật lại sự việc này; trong đó Trump hứa hẹn sẽ tạo ra 6.000 việc làm, nhưng một thập niên sau đó sân golf ở Scotland chỉ tạo ra có 200 việc làm!

Còn 2 vụ kiện tụng nữa liên quan đến các dự án của Trump ở Scotland. Do đó, khi Tổng thống D. Trump đưa ra lệnh trục xuất người các nước Hồi giáo nhập cảnh vào Hoa Kỳ, không chỉ trong nước mà các chính khách, cựu lãnh đạo nổi tiếng quốc tế, trong đó có nguyên thủ tướng Anh David Cameroon, cũng bày tỏ thái độ không đồng tình.

Một cuộc vận động với tên gọi “Cấm D. Trump tới Anh” được phát động trên trang web kiến nghị Quốc hội kêu gọi Chính phủ Anh cấm Trump nhập cảnh và chỉ trong thời gian ngắn đã thu thập hơn 500.000 chữ ký, vượt xa mức 100.000 theo yêu cầu để triệu tập một cuộc tranh luận tại Nghị viện. Trong cuộc tranh luận lại Hạ viện Anh kéo dài trong 3 giờ, nhiều thành viên nghị viện không ngại dùng các từ miêu tả Trump là “một thằng hề”, “kẻ điên khùng”, “hiếu chiến, khó ưa”...

Tiếp tục phản đối sắc lệnh nhập cư mới

Ngày 6-3, Tổng thống D. Trump đã ký một sắc lệnh mới cấm nhập cảnh tạm thời đối với công dân 6 quốc gia có số đông dân theo đạo Hồi, thay cho sắc lệnh đầu tiên (ngày 27-1) gây ra tình trạng xáo trộn, các cuộc biểu tình khắp các thành phố lớn và sự bất bình của các đồng minh phương Tây của Hoa Kỳ. Sắc lệnh mới đưa Iraq ra khỏi danh sách, những người có thẻ xanh thuộc 6 quốc gia trên được cư trú dài hạn hợp pháp tại Hoa Kỳ... Tuy nhiên các nghị sĩ Dân chủ vẫn phản đối mạnh mẽ sắc lệnh mới. Bà Nancy Pelosi, thủ lĩnh phe Dân chủ tại Hạ viện Hoa Kỳ tuyên bố: “Sắc lệnh mới của chính quyền Trump chẳng làm được gì để thay đổi những mục tiêu phi đạo đức, bất hợp hiến và nguy hiểm đưa ra trong sắc lệnh ban đầu. Rõ ràng đây là một lệnh cấm nhằm vào người Hồi giáo”.

Các tin khác