Hoa Kỳ đang thay đổi (B1): Sự khởi đầu đầy khó khăn

(ĐTTCO) -  LTS: Ngày 20-1-2017, tỷ phú Donald Trump tuyên thệ nhậm chức, trở thành Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ. Slogan tranh cử của D. Trump “Làm cho Hoa Kỳ vĩ đại trở lại”, đã thu hút lá phiếu và đưa vị doanh nhân-tài tử này đi đến chiến thắng trong một cuộc bầu cử đầy sự cố và tranh cãi. Người dân kỳ vọng vị tổng thống mới sẽ hiện thực hóa lời hứa của mình khi tranh cử, nhưng thực tế trong tháng cầm quyền đầu tiên, kinh tế-xã hội Hoa Kỳ lại tỏ ra bất ổn, tiếp nối những sự cố và tranh cãi...

(ĐTTCO) -  LTS: Ngày 20-1-2017, tỷ phú Donald Trump tuyên thệ nhậm chức, trở thành Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ. Slogan tranh cử của D. Trump “Làm cho Hoa Kỳ vĩ đại trở lại”, đã thu hút lá phiếu và đưa vị doanh nhân-tài tử này đi đến chiến thắng trong một cuộc bầu cử đầy sự cố và tranh cãi. Người dân kỳ vọng vị tổng thống mới sẽ hiện thực hóa lời hứa của mình khi tranh cử, nhưng thực tế trong tháng cầm quyền đầu tiên, kinh tế-xã hội Hoa Kỳ lại tỏ ra bất ổn, tiếp nối những sự cố và tranh cãi...

Cử tri ủng hộ thấp

Đất nước Hoa Kỳ đang thay đổi, phân tán. “Cuộc chiến” giữa người ủng hộ và phản đối vẫn đang tiếp diễn và sẽ còn tồn tại dai dẳng, thế giới vẫn đang dõi theo những hành động của vị tổng thống “khác biệt” này.

Đánh dấu 1 tháng ngày Tổng thống D. Trump nhậm chức, ngày 20-2, người dân Hoa Kỳ lại đổ ra đường tuần hành phản đối với sự tham gia của hàng chục ngàn người tại ít nhất 28 thành phố trên khắp cả nước.

Những người tham gia diễu hành bày tỏ bất bình trước những chính sách mới phi thực tế và cả những phát ngôn bốc trời, thiếu cẩn trọng của ông. Những cuộc tuần hành bất thường này cũng như các cuộc tuần hành diễn ra vào ngày tân tổng thống nhậm chức - một dịp đáng lẽ người dân phải bày tỏ sự hỉ hả, tôn kính.

Xâu chuỗi các sự kiện, các cuộc tuần hành này tiếp nối cuộc tổng đình công diễn ra hôm 17-2, khi hàng ngàn người nhập cư trên khắp nước đồng loạt nghỉ việc hoặc không đến trường, nhằm bày tỏ thông điệp về vai trò của họ đối với sự phát triển nền kinh tế số 1 thế giới này.

Một ngày trước đó, trong cuộc họp báo tại Washington DC, tổng thống đã công kích giới truyền thông, cho rằng báo chí chỉ là “sự giả dối”, “là kẻ thù”. Ngày hôm sau, D. Trump nêu ra danh sách “các hãng truyền thông tin tức giả mạo” gồm các tên tuổi lớn, lừng lẫy gồm New York Times, NBC News, ABC, CBS, CNN và cho rằng “là kẻ thù của người dân Hoa Kỳ”!

Nhìn nhận một cách khách quan, “cuộc chiến” giữa tổng thống và báo giới đã có từ lâu, ngay cả thời gian D. Trump còn đang tranh cử. Trump không ưa gì những tờ báo xét nét, vùi dập ông. Ngược lại báo chí cũng không mấy thiện cảm với ông, ít khi phản ánh những điều tích cực về vị tổng thống-doanh nhân này.

Một khảo sát do tờ NBC News và Wall Street Journal thực hiện, cho thấy tỷ lệ ủng hộ Tổng thống D. Trump rất thấp so với bất kỳ tổng thống nào trong lịch sử cận đại nước này: Chỉ có 44% người dân Hoa Kỳ ủng hộ cách điều hành của tổng thống; trong khi số người không ủng hộ lên đến 48%.

CNN đưa tin thăm dò của Trường Đại học Quinnipiac (bang Connecticut) cũng cho ra kết quả tương tự: 55% phản đối các chủ trương, quyết định của D. Trump; chỉ có 38% đồng ý, ủng hộ. Có đến 58% cử tri được hỏi cho rằng hành động của Tổng thống Trump đang chia rẽ đất nước, chỉ có 36% cho rằng Trump đang cố gắng đoàn kết Hoa Kỳ.

Có lẽ đó cũng là lý do mà trong bài phát biểu đầu tiên trước Quốc hội mới đây, Tổng thống D. Trump có thái độ nhẹ nhàng, mềm mỏng hơn; đưa ra những kế hoạch thực hiện trong 4 năm cầm quyền: cam kết chống tham nhũng và làm trong sạch bộ máy chính quyền; cắt giảm mạnh thuế cho tầng lớp trung lưu Hoa Kỳ, giới doanh nghiệp và tạo hàng triệu việc làm mới cho người lao động, người thất nghiệp; củng cố an ninh quốc gia, làm cho Hoa Kỳ an toàn hơn...

Tổng thống D. Trump vẫn nhắc lại cam kết sớm xây dựng bức tường dọc biên giới, ngăn cách với Mexico; ban hành hệ thống nhập cư mới nhằm cải thiện việc làm và lương bổng cho người dân. Kết thúc bài diễn văn trước Quốc hội, ông Trump kêu gọi toàn thể người dân “hãy một lần nữa đặt niềm tin vào Hoa Kỳ, tin tưởng vào bản thân, tương lai cũng như sự hồi sinh của tinh thần Hoa Kỳ”.

Điều trái khoáy là bất chấp lời kêu gọi đoàn kết vì lợi ích đất nước của tổng thống, BBC tường thuật, các nghị sĩ Dân chủ vẫn ngồi im hoặc tỏ vẻ lãnh đạm, thậm chí có người còn ngủ gật!

Rất đông đảo người dân Hoa Kỳ xuống đường tuần hành phản đối các chính sách của D.Trump.

Rất đông đảo người dân Hoa Kỳ xuống đường tuần hành phản đối các chính sách của D.Trump.

Hoa Kỳ trên hết - chủ thuyết bảo hộ

Có lẽ chưa có đời tổng thống nào của Hoa Kỳ mà chỉ trong một thời điểm ngắn - trước và sau khi nhậm chức - báo chí trong và ngoài nước lại tập trung phản ánh, theo dõi từng động thái, phát ngôn, dư luận xã hội, phản biện chính sách... quyết liệt và đậm đặc như đối với D. Trump. Trong cơn lốc truyền thông này, sự chống đối lại bao trùm, sự ủng hộ và đồng tình rất hạn hữu.

Điều này có thể xuất phát do D. Trump không phải xuất thân từ chính khách, có sự mềm dẻo, linh hoạt, biết lấy lòng số đông nhưng vẫn thực hiện được ý đồ của mình. Trên báo chí suốt hơn tháng qua người ta chỉ thấy các mặt “non kém” của Trump. Vậy lý lẽ của Trump là gì và vì sao ông vẫn đắc cử tổng thống trong một kỳ bầu cử vô cùng căng thẳng?

Trong bài phát biểu đầu tiên trước Quốc hội ngày 1-3, Tổng thống Donald Trump đã phần nào hé lộ quan điểm của mình trong các chính sách gây chia rẽ thời gian qua. Ông đã đưa ra bức tranh không mấy lạc quan về nền kinh tế lớn nhất thế giới này: 43 triệu người đang sống trong nghèo đói; sự phục hồi kinh tế vẫn yếu ớt; 1/4 việc làm trong khu vực sản xuất bị mất đi kể từ khi Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) có hiệu lực; 60.000 nhà máy biến mất kể từ khi Trung Quốc gia nhập WTO (2001)...

Vì những lý do này, Trump tuyên bố mạnh mẽ: “Tôi sẽ không để cho đất nước, các doanh nghiệp Hoa Kỳ và người lao động bị lợi dụng hơn nữa. Công việc của tôi không phải là đại diện cho thế giới, mà là đại diện cho Hoa Kỳ!”. Trong bài phát biểu này, cho thấy D. Trump vẫn sẽ quyết liệt điều chỉnh các chính sách về đối ngoại và thương mại của Hoa Kỳ.

Ông vẫn kịch liệt phê phán xu hướng tự do thương mại, cho biết Hoa Kỳ đã thâm hụt ngân sách lên tới 800 tỷ USD về trao đổi hàng hóa trong năm trước; cho rằng “doanh nghiệp chúng ta xuất khẩu hàng hóa phải trả các mức thuế, phí rất cao do các nước ấn định, trong khi đổi lại Hoa Kỳ gần như chẳng yêu cầu gì khi nhập khẩu hàng hóa của họ”. Và ông lại tái khẳng định sẽ tạo ra một sân chơi công bằng, bình đẳng.

Tổng thống Donald Trump đang đi theo hướng tạo ra một chủ thuyết mới - “Học thuyết Trump”, đặt quyền lợi Hoa Kỳ trên hết và có khả năng tạo ra những cuộc chiến tranh thương mại. Cục diện thế giới hiện nay đã đầy bất ổn, liệu Trump có tạo ra bất ổn mới ở quy mô lớn hơn?

Nhiều nhà phân tích kinh tế thế giới nhận định động thái bảo hộ của Hoa kỳ có thể kích hoạt các biện pháp trả đũa của các quốc gia khác; kết cục là thương mại và tăng trưởng của các bên cùng đi xuống. Và mặc dù các chuyên gia không ngừng cảnh báo hệ quả này, nhưng những người ủng hộ, tầng lớp bỏ phiếu để ông trở thành tổng thống vẫn muốn ông hành động quyết liệt như đã cam kết với cử tri.

(Còn tiếp)

Các tin khác