Vụ Điện Quang: Nguy cơ trục lợi từ cổ phần hóa

(ĐTTCO) - Cần quy định, giám sát chặt chẽ công tác cổ phần hóa trước nguy cơ thâu tóm cổ phần, biến tài sản nhà nước thành tài sản cá nhân hoặc lợi ích nhóm.

(ĐTTCO) - Cần quy định, giám sát chặt chẽ công tác cổ phần hóa trước nguy cơ thâu tóm cổ phần, biến tài sản nhà nước thành tài sản cá nhân hoặc lợi ích nhóm.

 

Cổ phần hoá, thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước không cần nắm giữ đã và đang được triển khai quyết liệt. Đây là quá trình chuyển đổi đầy khó khăn và phức tạp. Các chuyên gia cảnh báo, nếu không có những quy định hoặc giám sát chặt chẽ thì đây là thời điểm dễ xảy ra nguy cơ thâu tóm cổ phần, biến tài sản nhà nước thành của riêng cá nhân hoặc lợi ích nhóm.

Câu chuyện về khối tài sản “khủng” cũng như số cổ phần nắm giữ của Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa và người thân trong gia đình đang nắm giữ tại Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang vẫn đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận.

Công ty này vốn là doanh nghiệp nhà nước nhưng đã cổ phần hóa vào năm 2005. Hiện, Nhà nước không nắm giữ cổ phần nào tại doanh nghiệp này. Đây cũng là việc bình thường, vì chủ trương của Nhà nước là sẽ dần rút vốn ở những nơi nhà nước không cần nắm giữ, thay vào đó là huy động vốn đầu tư của các thành phần kinh tế và thay đổi mô hình quản trị.

Tuy nhiên, dư luận đặt nhiều câu hỏi về việc các thành viên trong gia đình Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa hiện nắm giữ tới 11,8 triệu cổ phiếu, chiếm 34,12% vốn điều lệ doanh nghiệp, ước tính giá trị gần 700 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính (VAFI) cho rằng, cần truy lại quá trình giao dịch thâu tóm cổ phiếu tại Điện Quang của các cổ đông lớn, trong đó có bà Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa và những người thân trong gia đình.

Đặc biệt, sau khi Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) thoái vốn, bán hơn 3,9 triệu cổ phiếu Điện Quang vào năm 2014 theo hình thức thỏa thuận, không tổ chức bán đấu giá công khai và một trong những người mua là họ hàng với bà Thoa. Một năm sau, số cổ phiếu đó được bán đi và người mua lại chính là ông Hồ Quỳnh Hưng (em trai Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa) Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang.

“Đợt SCIC bán vốn ở Điện Quang, lúc đó thị trường chứng khoán đã phát triển rồi, sao không bán đấu giá công khai để nhà nước thu được nhiều hơn, mà lại bán theo thỏa thuận? Nói về vấn đề thoái vốn nhà nước cần chính sách cụ thể hơn, không để cho cơ quan đại diện tùy chọn. Bán vốn theo thỏa thuận dễ bị tiêu cực, nhiều nhà đầu tư không mua được vì giao dịch ngầm. Thực tế đã có nhóm lợi ích và không phải bán đấu giá công khai”, ông Hải nêu ý kiến.

Quá trình cổ phần hóa thoái vốn ở Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang chỉ là một trong nhiều ví dụ cho thấy sự phức tạp và khó khăn trong quá trình thoái vốn, cổ phần hóa tại các doanh nghiệp Nhà nước và có nguy cơ dễ xảy ra thất thoát tài sản hoặc biến tài sản nhà nước thành của riêng, nếu không quy định chặt chẽ về bán vốn nhà nước.

Nhìn lại quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước từ năm 1991 đến nay, các chuyên gia cho rằng vẫn còn không ít lỗ hổng đáng lo ngại. Đó là sự thiếu minh bạch trong quá trình bán vốn nội bộ theo thỏa thuận. Những người trong cuộc nắm rõ thông tin, có thể thao túng để mua với giá thấp. Vì vậy số tiền mà Nhà nước thu thực tế đã bị thất thoát trong quá trình cổ phần hoá doanh nghiệp.

Thậm chí, không loại trừ trường hợp người đứng đầu doanh nghiệp cố ý buông lỏng quản lý, để làm ăn thua lỗ trước khi cổ phần hóa nhằm “hạ giá” tài sản nhà nước trong doanh nghiệp. Sau đó, họ tìm cách mua bán, thâu tóm cổ phiếu, để người thân trong gia đình nắm vị trí quan trọng trong công ty…

Ngay cả việc định giá tài sản đất đai để đưa vào cổ phần hóa vẫn còn nhiều bất cập. Nhiều lô “đất vàng” có giá thị trường rất cao, nhưng đưa vào xác định thành giá trị tài sản của doanh nghiệp khi cổ phần hóa lại thấp. Đây cũng chính là một kẽ hở lớn dễ bị nhóm lợi ích trục lợi.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, cổ phần hóa nhiều nhưng vẫn chưa có luật về cổ phần hóa, đấy là một kẽ hở lớn. Có nhiều doanh nghiệp nhà nước sau một thời gian lại rơi vào nhóm lợi ích.

“Nhiều doanh nghiệp cổ phần hóa nhưng không công bố ai là cổ đông cho thấy sơ hở lớn trong công khai minh bạch, làm cho nhiều người trục lợi và mua cổ phần ưu đãi để giàu lên từ đó. Hướng tới cần phải có luật cổ phần hóa để quy định chặt chẽ về công khai minh bạch từng bước về giá trị, về người mua”, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nhận xét.

Bản chất cổ phần hóa là rút vốn nhà nước ở những lĩnh vực nhà nước không cần tiếp tục nắm giữ, thay vào đó là huy động vốn đầu tư của toàn xã hội vào sản xuất kinh doanh. Nhà nước không cấm các cá nhân mua cổ phần doanh nghiệp, trở thành cổ đông của công ty.

Tuy nhiên, trong thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, không ít người lợi dụng thay đổi chính sách để trục lợi, làm giàu nhanh chóng từ nguồn cổ phần hay đất đai…

Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, những năm gần đây, nhiều văn bản pháp luật ra đời nhằm hạn chế đến mức tối đa sự việc đó. Quá trình cổ phần hóa đến thời điểm hiện nay, tuy số lượng đạt mục tiêu đặt ra nhưng tỷ lệ vốn mà Nhà nước thoái ra chưa đến 15%.

“Kinh nghiệm thực tế từ các nước chuyển đổi mô hình kinh tế tập trung sang kinh tế thị trường như ở các nước Đông Âu đã hình thành lên một bộ phận triệu phú, tỷ phú từ nguồn lợi cổ phần hóa, từ đất đai. Trong chính sách của chúng ta cố gắng hạn chế đến mức tối đa sự việc đó. Hiện nay đã có tương đối đầy đủ văn bản pháp luật trong việc thoái vốn, quy định bán đấu giá công khai minh bạch. Doanh nghiệp IPO rồi phải niêm yết trên sàn Hà Nội hoặc TP HCM. Hiện chúng ta đang triển khai theo những quy định mà Chính phủ và Quốc hội ban hành. Những văn bản đấy đang có giá trị và tác động tích cực đưa những nguyên tắc nền kinh tế thị trường vào mua bán sáp nhập doanh nghiệp.”

Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước vẫn phải tiếp tục thực hiện quyết liệt, để tới năm 2020 chỉ còn 103 doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. 4 năm tới cần sắp xếp, cổ phần hóa 240 doanh nghiệp nhà nước, trong đó có tới hơn 100 doanh nghiệp trong diện thoái vốn quy mô lớn.

Các chuyên gia đề nghị, cần tăng tính minh bạch, công khai quá trình mua bán cổ phần, giám sát chặt quá trình cổ phần hóa để hạn chế trục lợi làm thất thoát tài sản sản nước hoặc biến doanh nghiệp nhà nước thành tài sản gia đình.

Các tin khác