Quản chặt thu phí dự án BOT

(ĐTTCO) - Trong cuộc họp mới đây giữa Đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Kiểm toán Nhà nước (KTNN) về thực hiện chính sách pháp luật trong đầu tư khai thác công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT), nhiều ý kiến cho rằng cần quản chặt hoạt động đầu tư này khi hàng loạt sai phạm đã được phát hiện tại các dự án sau kiểm toán, đặc biệt là tình trạng đặt trạm thu phí sai quy định và kéo dài thời gian thu phí.

(ĐTTCO) - Trong cuộc họp mới đây giữa Đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Kiểm toán Nhà nước (KTNN) về thực hiện chính sách pháp luật trong đầu tư khai thác công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT), nhiều ý kiến cho rằng cần quản chặt hoạt động đầu tư này khi hàng loạt sai phạm đã được phát hiện tại các dự án sau kiểm toán, đặc biệt là tình trạng đặt trạm thu phí sai quy định và kéo dài thời gian thu phí.

Giảm thời gian thu

Theo ông Nguyễn Quang Hanh, Phó tổng KTNN, kết quả kiểm toán cho thấy việc tính toán xác định tổng mức đầu tư 11/27 dự án BOT chưa chính xác đã làm tăng tổng mức đầu tư bất hợp lý. Nguyên nhân do tính toán dự phòng trượt giá chưa phù hợp, áp dụng lương công nhân không đúng quy định, áp sai giá vật liệu, tính sai khối lượng thi công...

Cùng với đó, chất lượng công tác thiết kế cơ sở chưa tốt, trong quá trình thực hiện phải điều chỉnh bổ sung dự án nhiều lần dẫn đến phải điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư. Sau khi rà soát các chỉ tiêu đầu vào, tính toán lại phương án tài chính sát thực tế, phù hợp quy định, KTNN đã giảm thời gian thu phí hoàn vốn của các dự án từ 10 tháng đến 13 năm so với phương án tài chính ban đầu.

Sau khi tiến hành kiểm toán một loạt dự án BOT, KTNN đã đề nghị giảm thời gian thu phí nhiều dự án. Trong đó, dự án mở rộng Quốc lộ 1, đoạn qua tỉnh Khánh Hòa, đề nghị giảm thời gian thu phí trên 13 năm; dự án mở rộng đường Hồ Chí Minh, đoạn qua Đắk Nông, giảm trên 12 năm 3 tháng; dự án nối đường Nguyễn Duy Trinh vào Khu công nghiệp Phú Hữu (TPHCM) giảm 11 năm; dự án BOT Cổ Chiên - Trà Vinh giảm 5,5 năm; dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng giảm 1 năm 3 tháng…

Nguyên nhân giảm thời gian thu phí các dự án này, theo KTNN do chủ đầu tư kê khai tăng chi phí dự phòng, lãi  vay, chi phí giải phóng mặt bằng, và tính toán khối lượng không chính xác… dẫn đến đội vốn dự án và kéo dài thời gian thu phí.

Trước đó, kết quả giám sát công tác thu phí dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1 đoạn Hà Nội - Bắc Giang theo hình thức hợp đồng BOT cho thấy trung bình mỗi ngày trạm BOT này thu về hơn 1 tỷ đồng, chênh lệch số thu bình quân 1 ngày giám sát so với số thu kê khai của trạm là 8,27%. Dự án này được thực hiện trong 3 năm 2014-2016 với tổng mức đầu tư khoảng 4.213.000 tỷ đồng.

Nếu tính theo con số giám sát của Tổng cục Đường bộ, mỗi năm dựa án BOT Hà Nội - Bắc Giang sẽ thu về gần 4.000 tỷ đồng, dự kiến hoàn vốn sau 11 năm khai thác. Tuy nhiên, theo hợp đồng BOT ký giữa liên danh nhà đầu tư dự  án và cấp có thẩm quyền, để hoàn vốn, liên danh nhà đầu tư được phép thu phí từ tháng 7-2016, với thời hạn dự kiến 18 năm 7 tháng kể từ ngày bắt đầu thu phí.

Cần định kỳ giám sát

Nhận định về tình trạng hàng loạt dự án BOT buộc phải giảm thời gian thu phí sau kiểm toán, ông Nguyễn Ngọc Long, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kỹ thuật cầu đường Việt Nam, cho rằng lợi nhuận của nhà đầu tư là từ thu phí, trong khi nguồn thu nhiều ít phụ thuộc lưu lượng giao thông, nhưng các chủ đầu tư lại tăng phí không ai kiểm soát. Ông Long đề nghị đoàn giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội kiến nghị Chính phủ tăng tần suất giám sát các dự án đầu tư BOT và chu kỳ giám sát định kỳ 1 năm hoặc 3 năm.

Trước tình trạng đội vốn đầu tư, tính toán không đúng lưu lượng xe, kéo dài thời gian thu phí diễn ra khá phổ biến tại các dự án BOT, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ông Hà Văn Hiền cho rằng có nhiều vấn đề cần làm rõ trong việc thiếu kiểm soát các dự án BOT hiện nay để các chủ đầu tư tự tung tự tác, dẫn đến thất thoát, tiêu cực từ tài chính đến chất lượng dự án...

Nếu cơ quan quản lý nhà nước chặt chẽ, sẽ không có tình trạng này. Các sai phạm này xuất phát từ khâu lựa chọn nhà đầu tư khi hầu hết các dự án đều được chỉ định nhà đầu tư thực hiện. Vị này đặt câu hỏi tại sao không đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư các dự án BOT mà phần lớn dự án được chỉ định thầu? Đồng tình với quan điểm này, ông Dương Quốc Anh, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế (Quốc hội), nhấn mạnh ngay việc tổ chức hội nghị nhiều khi cũng phải đấu thầu, nhưng dự án đầu tư quy mô hàng ngàn tỷ như các BOT lại chỉ định thầu là vấn đề cần xem xét lại.

Kết luận Thanh tra 11 dự án BOT trên Quốc lộ 1 được Bộ KH-ĐT công bố trước đây cũng chỉ ra nhiều bất cập trong công tác thu phí hoàn vốn vay, chưa có quy định về nơi đặt trạm thu phí nên dự án ở một nơi, đặt trạm thu phí một nẻo. Chẳng hạn trạm thu phí hầm BOT Phước Tượng - Phú Gia lại đặt trên Quốc lộ 1 trước hầm Hải Vân khiến người dân thị trấn Lăng Cô khi đi lại, giao dịch với TP Đà Nẵng không qua hầm BOT này vẫn phải trả tiền. Hay dự án BOT tuyến tránh TP Vĩnh Yên lại tổ chức thu phí tại Bắc Thăng Long - Nội Bài…

Các tin khác