Đại gia nhảy vào nông nghiệp

(ĐTTCO) - Nhiều đại gia trên sàn CK đang có xu hướng chuyển dịch đầu tư sang lĩnh vực nông nghiệp để đón đầu xu hướng tiêu dùng trong tương lai. Tuy nhiên, không phải đại gia nào cũng thành công ở lĩnh vực này.

(ĐTTCO) - Nhiều đại gia trên sàn CK đang có xu hướng chuyển dịch đầu tư sang lĩnh vực nông nghiệp để đón đầu xu hướng tiêu dùng trong tương lai. Tuy nhiên, không phải đại gia nào cũng thành công ở lĩnh vực này.

Bài học ngàn tỷ 

Vấn đề quan trọng của việc đầu tư vào nông nghiệp (đặc biệt với quy mô lớn) lại liên quan đến khả năng tích tụ đất đai. Điều này đòi hỏi vốn lớn, trong khi khả năng thu hồi chậm. Đây cũng là lý do vì sao những doanh nghiệp Việt bước vào lĩnh vực này thời gian qua đều là những ông lớn trường vốn.

Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT SSI

Ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAG) là đại gia đầu tiên chuyển hướng sang lĩnh vực nông nghiệp. Tính đến thời điểm hiện tại, HAG đã đầu tư vào lĩnh vực này hơn 18.000 tỷ đồng và lập công ty con là CTCP Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HNG) với vốn điều lệ 7.671 tỷ đồng.

Thế nhưng, việc bung sức vào nông nghiệp của bầu Đức đã không thể mang lại hiệu quả như mong muốn, khi kết quả kinh của HAG bị tác động mạnh trong thời gian gần đây. BCTC quý IV và lũy kế cả năm 2016 vừa được HAG công bố, cho thấy doanh nghiệp này lỗ lũy kế lên đến 1.000 tỷ đồng.

Cụ thể, trong quý IV-2016, HAG đạt 1.543 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận gộp tăng mạnh từ 3 tỷ lên 236 tỷ đồng, song vẫn chưa thể bù đắp được chi phí tài chính cũng như một số khoản chi phí khác liên quan đến quá trình tái cơ cấu. Tính chung, lũy kế cả năm 2016, HAG đạt 6.450 tỷ đồng doanh thu nhưng lỗ trước thuế lên đến 1.400 tỷ đồng, trong đó phần lỗ thuộc về cổ đông công ty mẹ 1.020 tỷ đồng.

 Việc HAG báo lỗ không quá bất ngờ bởi mô hình bầu Đức đang theo đuổi đã từng bị nhiều chuyên gia cảnh báo nhiều rủi ro. Ngoài rủi ro về thời tiết, giá, HAG còn phải gánh thêm khoản nợ vay lớn để đầu tư vào lĩnh vực mới mẻ này. Tính đến cuối năm 2016, tổng nợ vay ngân hàng và trái phiếu của HAGL 27.400 tỷ đồng (tương đương thời điểm cuối năm 2015).

Dù được đầu tư khá mạnh thông qua HNG, nhưng lĩnh vực nông nghiệp chưa thể giúp bầu Đức lấy lại những gì đã mất sau đợt đóng băng của thị trường bất động sản. Theo BCTC quý IV và lũy kế cả năm 2016, HNG ghi nhận khoản lỗ ròng lên đến 954 tỷ đồng, trong khi kế hoạch được đề ra lỗ 559 tỷ đồng.

Dù kết quả kinh doanh tương đối bết bát nhưng gần đây 2 mã HAG và HNG bất ngờ tăng mạnh. Tuy nhiên, nghịch lý là sự kỳ vọng không đến từ kết quả kinh doanh mà đến từ việc nhiều khoản vay của HAG được các chủ nợ gia hạn.

Cụ thể, nợ trái phiếu phát hành cho Ngân hàng TMCP Đầu tư phát triển Việt Nam (BIDV) và CTCK BIDV (BSI) vào ngày 31-12-2016 là 6.546 tỷ đồng được kéo dài thời gian đáo hạn lên từ 2021-2026. Đó là chưa kể cuối năm 2016 HAG đã nhận ứng trước hơn 1.937 tỷ đồng từ khách hàng để mua dự án thủy điện, tăng 500 tỷ đồng cho quý IV năm này. HAG cũng đã xác nhận việc bán các thủy điện bên Lào và mảng hoạt động mía đường đang được xúc tiến thực hiện, dự kiến sẽ hoàn thành ngay trong quý I-2017.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm mô hình sản xuất rau sạch công nghệ cao của Vineco đầu tư tại tỉnh Hà Nam. Ảnh: LÊ KIÊN

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm mô hình sản xuất rau sạch
công nghệ cao của Vineco đầu tư tại tỉnh Hà Nam. Ảnh: LÊ KIÊN

Chiến lược bài bản

Sau thành công trong lĩnh vực bất động sản, CTCP Tập đoàn Vingroup (VIC) quyết định lấn sân sang lĩnh vực nông nghiệp bằng việc thành lập Công ty TNHH Đầu tư sản xuất phát triển nông nghiệp Vineco (VinEco), với vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng, trong đó VIC góp 1.400 tỷ đồng (tương ứng 70% vốn điều lệ). Khác với HAG, VinEco sẽ triển khai các hoạt động nông nghiệp tại nhiều địa phương, trong đó tập trung bước đầu vào lĩnh vực trồng trọt, áp dụng các công nghệ và kỹ thuật tiên tiến để cung cấp rau quả hữu cơ và rau quả sạch cho thị trường theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.

Để đảm bảo chất lượng sản phẩm, VinEco quy hoạch các vùng sản xuất theo mô hình tập trung và khép kín. Dự kiến VinEco sẽ làm việc với đối tác từ các nền nông nghiệp nổi tiếng thế giới như Israel, Nhật Bản, Hà Lan… nhằm tận dụng các thế mạnh về công nghệ, kỹ thuật, giống và thiết bị nông nghiệp của các cường quốc về nông nghiệp này.

Theo nhận định của giới đầu tư, chiến lược đầu tư nông nghiệp của VIC là khôn ngoan vì đáp ứng nhu cầu của thị trường hiện nay là sản phẩm an toàn và tận dụng được những lợi thế sẵn có, nhất là khâu phân phối. Cụ thể, đầu ra cho nông sản VinEco sẽ được đảm bảo bởi hệ thống siêu thị Vinmart và cửa hàng tiện lợi Vinmart+.

Ngoài ra, VinEco sẽ cung cấp cho các đối tác khác nhằm đảm bảo bất cứ khách hàng nào cũng có cơ hội tiếp cận sản phẩm an toàn với giá thành hợp lý. Bên cạnh sản phẩm rau quả sạch, VinEco cũng sản xuất các sản phẩm rau quả hữu cơ, đồng thời đi sâu nghiên cứu và sản xuất một số loại nông sản thế mạnh của Việt Nam, hướng tới việc cạnh tranh và xuất khẩu ra thị trường quốc tế.

Không phải bỏ tiền vào là thắng

Sức hấp dẫn của lĩnh vực nông nghiệp đang lôi kéo thêm nhiều đại gia trên sàn CK nhảy vào. Mới đây, CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) cũng quyết định đầu tư thêm lĩnh vực nông nghiệp, cụ thể là thức ăn chăn nuôi, lợn, bò, gà. Hiện HPG chủ yếu đầu tư thức ăn chăn nuôi và lợn. Tính đến thời điểm hiện tại, HPG đã đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng vào lĩnh vực nông nghiệp.

Tương tự, CTCK Sài Gòn (SSI) cũng đầu tư vào nông nghiệp thông qua việc tăng tỷ lệ sở hữu tại CTCP Tập đoàn PAN (PAN). Tính đến nay, PAN đã đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp gần 150 triệu USD (tương đương 3.300 tỷ đồng). Tận dụng lợi thế về công nghệ, mới đây CTCP Tập đoàn FPT (FPT) cũng tuyên bố sẽ nhảy vào nông nghiệp.

Theo ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT FPT, với vai trò là công ty công nghệ, FPT cần dẫn dắt về công nghệ trong các ngành trọng điểm của Việt Nam, trong đó có nông nghiệp. FPT kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy việc hình thành nền nông nghiệp thông minh nhanh hơn và hiệu quả hơn.

Thực ra, hiện tượng đại gia CK đổ tiền vào nông nghiệp xuất phát từ những chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư hơn nữa vào lĩnh vực nông nghiệp, góp phần làm thay đổi diện mạo ngành nông nghiệp, đưa nền nông nghiệp trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp tương xứng cho GDP. Cùng với đó, thông điệp của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về việc sẽ có gói tín dụng 60.000 tỷ đồng cho nông nghiệp công nghệ cao, càng tạo thêm niềm tin cho doanh nghiệp khi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

Thế nhưng, việc đầu tư không đơn giản bỏ tiền vào là thắng, thậm chí nhiều doanh nghiệp còn lỗ nặng. Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT SSI, trong một cuộc họp các cổ đông của doanh nghiệp, đã thẳng thắn nhìn nhận có rất nhiều thách thức trong việc phát triển một doanh nghiệp nông nghiệp, từ nguyên liệu đầu vào, quy trình sản xuất, công nghệ đóng gói cho đến tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Thách thức lớn nữa là nguồn cung ứng nguyên liệu ở ngành này bị dàn trải, trong khi doanh nghiệp vẫn phải bảo đảm chất lượng đầu ra ổn định.

Các tin khác