Mối lo gà cúm từ Trung Quốc

(ĐTTCO) - Trước diễn biến phức tạp của dịch cúm H7N9 ở Trung Quốc, nhiều ý kiến lo ngại lượng lớn gà dịch có thể tràn vào thị trường VN qua đường tiểu ngạch, nếu không có những biện pháp quyết liệt.

(ĐTTCO) - Trước diễn biến phức tạp của dịch cúm H7N9 ở Trung Quốc, nhiều ý kiến lo ngại lượng lớn gà dịch có thể tràn vào thị trường VN qua đường tiểu ngạch, nếu không có những biện pháp quyết liệt.

Ngày 19.2, PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết trước diễn biến dịch cúm gia cầm H7N9 có nguy cơ xâm nhập VN, Bộ Y tế đã đề nghị các tỉnh, thành phố triển khai các biện pháp ngăn chặn, giám sát, trong đó chú trọng ngăn chặn việc buôn bán, vận chuyển gia cầm và sản phẩm gia cầm không được kiểm dịch, bao gồm các sản phẩm đông lạnh. “Gà đông lạnh hay trứng gà đã nhiễm vi rút cúm gia cầm A/H7N9 hay H5N1 hoàn toàn có khả năng lây sang người, giống như cơ chế lây truyền từ gia cầm sống gây nhiễm cho người”, ông Trần Đắc Phu khuyến cáo và lưu ý người dân không sử dụng các sản phẩm từ gia cầm sống, thịt gia cầm đông lạnh, trứng gia cầm nhập lậu không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, không được kiểm dịch.

Tính đến nay, số người chết vì dịch cúm gia cầm tại Trung Quốc đã quá 100. Cúm A/H7N9 đã xảy ra ở 13 tỉnh thành của Trung Quốc, trong đó Quảng Đông, Quảng Tây là nơi có giao thương nhiều với VN cũng ghi nhận các ca mắc.

Giá gà rẻ bất thường

Nhiều nhà quản lý vẫn khẳng định gà Trung Quốc khó lọt vào thị trường VN vì giá cao, song thực tế nhiều lô hàng được các cơ quan chức năng phát hiện và thu giữ là hàng nội tạng, chân, cánh gà từ nước này. Vấn đề là khâu quản lý của chúng ta chưa chặt chẽ lắm đâu để khẳng định không có gà thải từ thị trường lân cận

Ông Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế

Theo thông tin trên một số kênh truyền thông của Trung Quốc và thế giới, giá gà sống tại Trung Quốc hiện đã giảm xuống khoảng 0,769 USD/kg (tương đương 17.500 đồng/kg), thấp hơn 7% so với giá cuối năm 2016. Trong khi đó, từ đầu tháng 2 tại VN, giá gà sống cũng đang có chiều hướng giảm nhanh. Theo ông Hoán, chủ trại nuôi gà tại H.Bến Cát (tỉnh Bình Dương), giá gà sống xuất từ trại đều giảm; đặc biệt với loại gà lông màu, giống gà có thịt dai, thời gian nuôi dài hơn gà lông trắng 15 ngày.

Chẳng hạn, gà lông màu trước Tết Nguyên đán giá xuất trại từ 37.000 - 38.000 đồng/kg, có thời điểm hút hàng lên đến 42.000 đồng/kg, nhưng nay đột ngột giảm xuống 25.000 đồng/kg. Tương tự, giá gà lông trắng cả năm qua luôn ở mức từ 22.000 - 23.000 đồng/kg, tháng trước Tết âm lịch tăng lên 27.000 - 29.000 đồng, thì giờ chỉ còn khoảng 17.000 đồng/kg. Với mức giá thu mua tại trại hiện nay, người nuôi lỗ nặng.

Bà Hai Thảo, chủ trại gà tại H.Hóc Môn (TP.HCM), tỏ ý nghi ngại: “Không hiểu sao giá gà giảm dữ vậy. Hỏi phía công ty mua, họ nói thị trường yếu, hàng đông lạnh nhiều quá. Ra chợ quê thấy toàn đùi ức to bự chảng bán lẻ chỉ 22.000 đồng/kg. Trước đây cũng loại này có giá 28.000 - 30.000 đồng/kg. Họ cũng nói mua rẻ thì bán rẻ. Ở vùng chợ quê ham rẻ, cứ vậy mà mua. Mấy năm trước lâu lâu có đợt nhiều người chở đến mấy thùng nội tạng, chân gà bán chỉ 10.000/kg. Sau hỏi ra mới nghe nói hàng thải từ Trung Quốc tràn về. Nay cũng gà đùi ức thịt bán rẻ như thế phải chăng cũng từ Trung Quốc?”.

Theo các chủ trại nuôi gà tại Đồng Nai và Bình Dương, có 3 nguyên nhân dẫn đến tình trạng giá gà trong nước đang giảm sâu. Đó là sức mua thị trường sau tết có giảm; lượng gà đông lạnh giá rẻ không rõ nguồn gốc được nhập về bán tràn ngập các chợ quê và cuối cùng là thị trường xuất khẩu gà sang Campuchia đang chững lại. “Sau tết thì mặt hàng nào cũng giảm là điều tất yếu, nhưng giá gà giảm mạnh đến mức lỗ nặng và kéo dài là điều không bình thường. Phải có nguồn hàng lớn thay thế mới khiến thị trường “đông cứng” thế này”, ông Hoán nhận xét.

Còn theo ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam bộ, gà đông lạnh nhập khẩu thông thường chỉ có đùi và ức, giá rất rẻ và đa số là nguồn hàng thải từ các nước, nhập quanh năm chủ yếu từ thị trường Mỹ, Brazil, Hàn Quốc với giá chỉ 17.000 - 18.000 đồng/kg, có đợt gà thải giá chỉ 14.000 đồng/kg. Hiện Hàn Quốc và Nhật Bản cũng đang lo ngại cúm gia cầm có thể lây lan từ Trung Quốc, ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi của họ.

Hải quan Quảng Ninh bắt giữ vụ vận chuyển gà lậu tại Km15 TP.Móng Cái.
Hải quan Quảng Ninh bắt giữ vụ vận chuyển gà lậu tại Km15 TP.Móng Cái.

100.000 tấn gà thải từ Trung Quốc vào VN mỗi năm

Trước nghi vấn gà dịch từ Trung Quốc vào VN, một chuyên gia trong lĩnh vực thú y tại tỉnh Bình Dương phân tích: Xưa nay Trung Quốc là quốc gia có nhiều dịch bệnh trên gà, đây cũng là nơi phát đi nhiều chủng loại vi rút cúm gà mới trên thế giới. Năm 2012, chính lượng lớn gà thải từ Trung Quốc vào VN đã khiến ngành nuôi gà VN lao đao khủng khiếp, đã có không ít “đại gia” trong ngành chăn nuôi gà phải trắng tay do “làn sóng gà thải”. “Giá thành nuôi gà tại Trung Quốc luôn cao hơn VN, từ đó dẫn đến giá bán tại thị trường này luôn cao hơn VN. Tuy nhiên, hàng thải, muốn tống đi thu về được đồng nào hay đồng đó thì không nên dựa vào giá để nhận định. Hàng cấm không cho bán, đổ đống để tiêu hủy, nếu thu về cấp đông, thời gian sau bán giá 1/5 vẫn lãi chán. Không thể chủ quan nếu lượng lớn hàng bị ngưng bán tại chợ bên kia được tuồn vào các thị trường lân cận, trong đó có VN”, vị này nói.

Tương tự, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cảnh báo: “Nhiều nhà quản lý vẫn khẳng định gà Trung Quốc khó lọt vào thị trường VN vì giá cao, song thực tế nhiều lô hàng được các cơ quan chức năng phát hiện và thu giữ là hàng nội tạng, chân, cánh gà từ nước này. Vấn đề là khâu quản lý của chúng ta chưa chặt chẽ lắm đâu để khẳng định không có gà thải từ thị trường lân cận”.

Còn theo thông tin từ Hiệp hội Chăn nuôi VN, gà thải, nội tạng gia cầm đông lạnh, thực phẩm chế biến từ gà vẫn được nhập lậu từ Trung Quốc vào VN với mức giá cực rẻ. Tại các cửa khẩu tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai... hầu như năm nào cũng phát hiện và bắt giữ nhiều vụ buôn lậu gà đông lạnh từ Trung Quốc vào VN với số lượng mỗi vụ từ vài tấn lên đến hàng chục tấn. Số liệu thống kê sơ bộ của Hiệp hội Chăn nuôi VN cho thấy, trung bình mỗi năm khoảng 100.000 tấn gà thải các loại từ Trung Quốc được tuồn vào VN. Ngay những ngày đầu năm nay, tại Hải Phòng cũng đã phát hiện, bắt giữ gần 40.000 quả trứng gà nhập lậu từ Trung Quốc.

Ông Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi VN, lo ngại ngoài gà nhập lậu theo đường biên mậu, nguy cơ đưa gà thải, gà từ các vùng dịch bệnh vào VN qua con đường tạm nhập tái xuất là hoàn toàn có thể xảy ra. Tại một số hội thảo về thức ăn chăn nuôi do Báo Thanh Niên tổ chức năm qua, nhiều doanh nghiệp cũng cảnh báo việc núp bóng hàng tạm nhập tái xuất. “Một số doanh nghiệp nhập khẩu gà đông lạnh theo chính sách tái xuất sang nước thứ 3 nhưng thực chất tuồn hàng đó ra tiêu thụ tại VN. Trong đợt dịch cúm này, khi gà của Trung Quốc cấm bán, đến mùa xuất chuồng, buộc phải xuất, thường họ sẽ làm cấp đông để có dịp tiêu thụ sau. Theo tôi biết, Trung Quốc đang có lệnh cấm bán nhưng không có lệnh tiêu hủy tại các trại gà này, nên khả năng gà thải này tuồn sang các nước lân cận như Campuchia, Lào, VN là rất cao”, đại diện một doanh nghiệp đầu tư nuôi gà gia công tại H.Cẩm Mỹ (Đồng Nai) cho biết.

Khuyến cáo về cúm gia cầm H5N1

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, theo thông báo của Tổ chức Thú y quốc tế (OIE) tại tỉnh Svay Rieng (Campuchia), đã xảy ra một số ổ dịch cúm A (H5N1) trên gia cầm, vì vậy khả năng xâm nhập dịch bệnh vào nước ta là rất cao. Theo ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, văn phòng đáp ứng dịch khẩn cấp dự kiến có cuộc họp vào chiều nay (20.2) để đưa ra các dự báo cũng như kế hoạch đáp ứng dịch trước nguy cơ dịch cúm gia cầm xâm nhập và lây lan.

Vi rút cúm gia cầm H5N1 từng được biết là chủng có độc lực mạnh, người nhiễm vi rút cúm có thể tử vong do viêm phổi, suy hô hấp, suy đa tạng.

Các tin khác