Blouse trắng nơi biên hải

(ĐTTCO) - Hạn chế về trang thiết bị kỹ thuật, về nhân lực, thời tiết khắc nghiệt đã ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện nhiệm vụ, cũng như công tác bảo quản, bảo dưỡng dụng cụ, trang thiết bị… Nhưng với bác sĩ, y sĩ đang làm việc trên các đảo thuộc huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa, mọi khó khăn chỉ là thử thách.

(ĐTTCO) - Hạn chế về trang thiết bị kỹ thuật, về nhân lực, thời tiết khắc nghiệt đã ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện nhiệm vụ, cũng như công tác bảo quản, bảo dưỡng dụng cụ, trang thiết bị… Nhưng với bác sĩ, y sĩ đang làm việc trên các đảo thuộc huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa, mọi khó khăn chỉ là thử thách.

Điều kỳ diệu giữa biển khơi

Đôi mắt tròn xoe, lấp lánh ẩn dưới làn mi dày và cong vút, bé Thái Bình Hải Thùy, cái tên bất cứ ai được may mắn đặt chân lên Trường Sa đều mong muốn được gặp để bế nựng, ôm ấp. Sau bé Nguyễn Ngọc Trường Xuân, em Hải Thùy là cô bé thứ hai chào đời bằng phương pháp đẻ mổ trực tuyến ở đảo Trường Sa. Mẹ bé Hải Thùy - chị Nguyễn Bình Phương Ái khi ấy 29 tuổi, sinh con lần thứ ba, mang thai 39 tuần tuổi. Sản phụ trước đó tiền sử thai đa ối và đối mặt với nhiều nguy cơ như dây nhau quấn cổ hay nghẹt thai… Vì thế, các bác sĩ đã đặc biệt theo dõi rồi xác định mổ chủ động. 9 y, bác sĩ Bệnh viện Quân y 175 do Đại tá, Tiến sĩ Trần Lê Đồng, Phó Giám đốc Bệnh viện Quân y 175, làm Trưởng đoàn đã được máy bay đưa tới đảo Trường Sa thực hiện ca mổ hiếm thấy này. Khoảnh khắc bé cất tiếng khóc chào đời là kỷ niệm không thể nào quên không chỉ đối với quân, dân trên đảo mà đó còn là một mốc son đối với những y sĩ, bác sĩ ở Trường Sa.

Nằm ẩn mình dưới những tán bàng vuông xanh mướt, trạm xá ở Trường Sa không có vẻ lạnh lẽo vốn có của các cơ sở y tế mà ngược lại rất ấm áp, thân thiện. Bác sĩ Trương Đức Cường, Trạm xá trưởng, nói chuyện với chúng tôi bên chiếc bàn đá được đặt trên khoảng sân rộng đầy nắng nằm giữa 2 khu điều trị. Đây là cái Tết đầu tiên trên đảo, cũng là cái Tết xa nhà, xa vợ con đầu tiên của anh. Song với những người mang 2 quân hàm trên biển như anh, thời gian rảnh cũng không có nhiều bởi ở giữa trùng khơi, công việc tưởng chừng không bao giờ hết. Ngay những ngày đầu khi đến nơi này, chưa kịp bắt quen cái sóng, gió ở nơi tiền tiêu Tổ quốc, bệnh xá đã cùng lúc gặp 2 ca cấp cứu được xếp vào loại hiểm hóc. Một là trường hợp tàu phó tàu kiểm ngư bị đau ruột thừa cấp đến giờ thứ 48, khi chuyển vào trạm xá ruột thừa đã bục vỡ, phải tiến hành mổ khẩn cấp sau khi hội chẩn trực tuyến với Bệnh viện 175 tại TPHCM. Cùng trong tối đó, một ngư dân của tàu cá Bình Thuận sau gần 2 tháng đánh bắt mực tại ngư trường này đột nhiên bị viêm ruột thừa cấp và các bác sĩ ở nơi này phải tiến hành mổ cấp cứu.

Theo con số thống kê sơ bộ, trong vòng 1 năm qua, riêng bệnh xá ở Trường Sa đã cấp cứu, khám chữa khẩn cấp cho hàng trăm trường hợp, mổ thành công 7 ca đại phẫu, 12 ca trung phẫu… Không chỉ làm việc quên mình không kể ngày đêm để giành giật sự sống từ tay tử thần, chính mỗi bác sĩ, y sĩ tại nơi này còn tự coi mình là một ngân hàng máu di động. Câu chuyện hiến máu của Thượng úy - bác sĩ An Quang Vũ ngay trong ngày đầu tiên bước chân tới nhận công tác tại đảo Trường Sa vẫn được quân và dân trên đảo nhắc tới thật trìu mến. Người được bác sĩ An Quang Vũ cho máu và cứu chữa là chiến sĩ Nguyễn Duy Phương. Anh Phương và bác sĩ Vũ cùng có mặt trên tàu HQ 561 để lên đường đến Trường Sa làm nhiệm vụ. Chàng bác sĩ quê Hà Nội vẫn nhớ như in khoảnh khắc cứu chữa bệnh nhân. Theo đó, anh Phương bị thương gây vỡ tụy, chấn thương bụng, chảy máu trong ổ bụng suốt hải trình ra đảo hơn 2 ngày. Tới nơi, các bác sĩ xét nghiệm thấy anh trong tình trạng thiếu máu nặng. Chưa kể, quá trình thực hiện ca mổ cho anh Phương còn gây tổn thương, mất máu nhiều nên cần có máu truyền khi phẫu thuật. “Là người có nhóm máu O nên khi đến đảo, tôi quyết định hiến máu ngay. Lúc ấy còn đợi xét nghiệm nhóm máu nữa sẽ không kịp...” - bác sĩ An Quang Vũ rất kiệm lời khi nhắc tới chuyện ấy.

Với mỗi người chiến sĩ quân y đang ngày đêm chăm sóc, phục vụ sức khỏe cho Nhân dân và chiến sĩ nơi đầu sóng, ngọn gió phên dậu của Tổ quốc, mỗi ca cấp cứu thành công, mỗi lần làm thủ tục xuất viện cho người bệnh là một điều kỳ diệu.

Các bác sĩ trên đảo Trường Sa thực hiện ca mổ cấp cứu.
Các bác sĩ trên đảo Trường Sa thực hiện ca mổ cấp cứu.

Khám chữa bệnh trực tuyến

Chúng tôi đến với An Bang, một trong những đảo có điều kiện thiên nhiên dữ dội khắc nghiệt nhất trên quần đảo Trường Sa vào những ngày đầu năm 2017. Đúng dịp này bệnh xá của đảo cũng bắt đầu triển khai hệ thống khám-chữa bệnh từ xa hiện đại (hệ thống Telemedicine).

Trung úy Phan Quang Anh, Bệnh xá trưởng của đảo, không giấu nổi vui mừng khi chia sẻ về hệ thống kỹ thuật hiện đại này, bởi nhờ đây khoảng cách giữa hải đảo và đất liền sẽ xích gần lại hơn, đồng nghĩa với việc các bệnh nhân sẽ được cứu, chữa tốt hơn. Anh Quang Anh chia sẻ: Các chiến sĩ và ngư dân đánh bắt cá trên ngư trường Trường Sa đôi khi mắc bệnh đau ruột thừa, các bệnh về da và mắt, hay rủi ro tai nạn trong quá trình lao động, công tác.

Một ca cấp cứu ở Trường Sa.
Một ca cấp cứu ở Trường Sa.

Những bệnh thông thường không đáng nói, nhưng gặp những ca phức tạp y-bác sĩ bệnh xá cũng không tránh khỏi lúng túng, rất cần sự hỗ trợ của đội ngũ chuyên gia trình độ cao ở đất liền. Đó là lý do vì sao phải đầu tư trang bị hệ thống khám-chữa bệnh từ xa cho các đảo. Hệ thống khám-chữa bệnh cho các bệnh xá đảo kết nối chặt chẽ với các bệnh viện trong đất liền, phục vụ việc thăm khám, hội chẩn, phẫu thuật… Hệ thống gồm một loạt thiết bị: phục vụ hội nghị truyền hình (máy tính, camera), thiết bị y tế ghi lại thao tác mổ làm tư liệu cho học viên và phục vụ công tác hội chẩn. Ngoài ra còn có thiết bị soi da, họng, khám các bệnh tổng thể; máy đo các chỉ số sống còn, máy đo nhịp tim, máy nghe tim, phổi…

Bác sĩ Quang Anh kể, để đưa được trang thiết bị này đến đảo, đội ngũ bác sĩ, kỹ thuật viên của Bệnh viện 175 đã phải neo đậu ở đây nhiều ngày đợi tới khi sóng ở An Bang đỡ dữ dằn hơn mới có thể chuyển trang thiết bị vào. Tới thời điểm này, khi mọi thứ được lắp đặt, vận hành thử đều có tín hiệu tốt, cả trạm xá và đội ngũ bác sĩ, kỹ thuật viên Bệnh viện 175 - nơi đảm nhận khâu lắp đặt và hướng dẫn sử dụng - mới thở phào nhẹ nhõm. Với việc trang bị hệ thống khám - chữa bệnh này, cơ sở vật chất, năng lực khám - chữa bệnh cũng như trình độ chuyên môn nghiệp vụ đội ngũ y-bác sĩ các bệnh xá đảo không ngừng được cải thiện và nâng cao nhờ kết nối với các chuyên gia từ đất liền.

Hệ thống khám - chữa bệnh từ xa cho quân dân 9 đảo nổi thuộc quần đảo Trường Sa do Tổng cục Hậu cần, Bộ Quốc phòng triển khai từ năm 2012. Đầu tiên là đảo Trường Sa, đến An Bang là đảo thứ 8 và sắp tới là đảo cuối cùng - Trường Sa Đông, dự kiến hoàn thành trong năm 2017. Việc trang bị thêm các thiết bị y học tiên tiến hiện đại giống như nối dài thêm cánh tay của các chiến sĩ khoác blouse trắng miền biên hải. Giờ đây, giữa ngàn trùng sóng nước, những người lính mang 2 sắc phục ấy cùng với đồng đội vẫn đang chiến đấu cam go với nhiều ca bệnh hiểm nghèo để giành giật lại sự sống từ tay tử thần. Những chiến công của họ được lưu truyền đầy tự hào với ca đỡ đẻ thành công ở Song Tử Tây, chuyện cứu người đuối nước ở Sinh Tồn, Sơn Ca... Họ chính là điểm tựa vững chắc giữa trùng khơi.

Các tin khác