Tạo động lực khu vực tư nhân

(ĐTTCO) - Trao đổi với ĐTTC tại buổi công bố báo cáo kinh tế vĩ mô Việt Nam năm 2016 và triển vọng 2017 diễn ra cuối tuần qua, TS. Đinh Tuấn Minh (ảnh), Giám đốc điều hành MarketIntello - công ty chuyên nghiên cứu xu hướng và triển vọng thị trường, cho rằng nền kinh tế năm 2017 sẽ đối mặt với nhiều thách thức lớn.

(ĐTTCO) - Trao đổi với ĐTTC tại buổi công bố báo cáo kinh tế vĩ mô Việt Nam năm 2016 và triển vọng 2017 diễn ra cuối tuần qua, TS. Đinh Tuấn Minh (ảnh), Giám đốc điều hành MarketIntello - công ty chuyên nghiên cứu xu hướng và triển vọng thị trường, cho rằng nền kinh tế năm 2017 sẽ đối mặt với nhiều thách thức lớn.

PHÓNG VIÊN: - Vậy theo ông đó là những thách thức gì? 

-TS. ĐINH TUẤN MINH: - Thách thức chủ yếu đối với nền kinh tế Việt Nam trong năm 2017 là thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cho phát triển kinh tế - xã hội. Trong tháng 1, lượng vốn FDI đăng ký cũng như thực hiện đều tích cực hơn so với cùng kỳ năm 2016 (vốn đăng ký và thực hiện trong tháng 1 ước tính lần lượt 1,24 tỷ USD và 850 triệu USD, tăng 23% và 6,3% so với cùng kỳ năm 2016).

Tuy nhiên, trong bối cảnh dòng vốn đầu tư toàn cầu đang có xu hướng quay trở lại Hoa Kỳ và các nước phát triển, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang ngưng lại, Việt Nam sẽ gặp khó khăn trong việc thu hút FDI. Để đảm bảo tốc độ tăng trưởng 6,7% như kế hoạch, những chính sách khuyến khích khu vực tư nhân tham gia đầu tư sẽ trở nên vô cùng cần thiết.

 Thách thức nữa là lạm phát sẽ tiếp tục khó kiểm soát dưới ngưỡng mục tiêu 4% trong năm 2017, bởi giá lương thực thực phẩm có thể tiếp đà tăng. Bên cạnh đó, giá nhiên liệu thế giới nhiều khả năng sẽ hồi phục tạo áp lực tăng giá nhiên liệu trong nước.

Nếu Chính phủ quyết tâm theo đuổi mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm 2017 như đã đề ra, nhiều khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ phải tiếp tục mở rộng chính sách tiền tệ và gây thêm áp lực tăng chỉ số giá cả. Trong khi đó, xuất khẩu có thể bị ảnh hưởng bởi các rủi ro quốc tế. Kể từ sau tháng 3 tới, sự kiện Brexit bắt đầu định hình rõ ràng, sẽ ảnh hưởng lớn đối với nền kinh tế của các nước thuộc Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) - thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam.

Ngoài ra, định hướng chính sách thương mại của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump có thể ảnh hưởng không nhỏ đến thương mại của các nền kinh tế đang phát triển hiện phụ thuộc nhiều vào xu hướng toàn cầu hóa, trong đó có Việt Nam. Đó là việc nguồn vốn ngoại chững lại trước thông tin TPP không được Hoa Kỳ thông qua, sẽ khiến xuất khẩu khó tăng trưởng mạnh hơn, trong khi khu vực FDI vẫn là động lực chính của xuất khẩu ở Việt Nam.

Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng nền kinh tế vẫn có những triển vọng tốt. Về cơ bản, các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong tháng 1 vẫn nằm trong kỳ vọng. Vì vậy, chúng tôi vẫn giữ nguyên dự báo cho năm 2017 bao gồm tốc độ tăng trưởng 6,3% và lạm phát đạt 4,3-4,5%; tăng trưởng tín dụng sẽ duy trì ở mức 17-18% do nền kinh tế còn yếu; tỷ giá tăng khoảng 1,5-2%.

- Như ông nói, để đạt được tốc độ tăng trưởng 6,7% khu vực kinh tế tư nhân đóng vai trò quan trọng. Vậy theo ông, khu vực tư nhân có thể đáp ứng được kỳ vọng?

- Trong xuất khẩu, có thể thấy khu vực FDI có tăng trưởng rất tốt và chiếm tỷ trọng rất lớn so với khu vực trong nước. Còn về đầu tư cả 3 khu vực doanh nghiệp FDI, nhà nước, tư nhân khá ngang bằng nhau và không có nhiều thay đổi.

Do vậy, để khu vực tư nhân phát triển được hay không, đó là việc Chính phủ có quyết tâm cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước để tạo cho doanh nghiệp tư nhân có điều kiện thâm nhập những lĩnh vực trước đây không phải của họ. Nếu có sự thay đổi như vậy sẽ có sự thay đổi từ khu vực kinh tế tư nhân.

- Dù được nhìn nhận là động lực quan trọng nhưng việc Bộ Công Thương đưa ra danh mục 20 lĩnh vực độc quyền nhà nước, được coi đã gây ảnh hưởng đến khu vực kinh tế tư nhân. Ông nghĩ sao về điều này?

- Bộ Công Thương cho biết thực chất 20 ngành nghề đưa vào danh sách độc quyền vì đã có trong luật khác. Nếu như vậy cũng không có nghĩa gì vì lĩnh vực nào ở đâu đã ở đó rồi, không cần phải gom vào sau này muốn thay đổi sẽ khó, phiền phức hơn nhiều. Xu hướng chung là phải chia ra. Trên thế giới tùy quốc gia cũng có ngành nghề độc quyền.

Thí dụ một số nước Bắc Âu quy định rõ tỷ lệ cồn trong rượu là bao nhiêu Nhà nước sẽ độc quyền sản xuất và phân phối. Nhưng số lượng danh mục độc quyền của chúng ta 20 lĩnh vực là quá nhiều. Điều đó thể hiện ở những lĩnh vực như xuất bản, hay đường sắt cũng độc quyền, trong khi chúng ta đang kêu gọi tư nhân tham gia và xu hướng phải bãi bỏ dần.

Chính phủ đã đưa ra các thông điệp mạnh mẽ về phát triển kinh tế, nhưng để đánh giá cụ thể ra sao tôi cho rằng hết quý I hoặc giữa năm nay mới nhận định sát được.

- Xung quanh vấn đề tỷ giá, ông có thể cho biết, cơ sở nào để cho rằng mức biến động VNĐ với USD chỉ 1,5-2%?

- Đúng là tỷ giá năm 2017 sẽ có nhiều biến động hơn so với năm 2016, vì nó phụ thuộc rất nhiều vào chính sách của Hoa Kỳ và sự biến động của đồng USD. Thực tế tỷ giá trung tâm của Việt Nam cũng đã có những biến động so với USD và những đồng tiền khác trên thế giới.

Tuy nhiên, trong bối cảnh Chính phủ vẫn chủ trương đẩy mạnh thu hút vốn FDI và tạo môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, Ngân hàng Nhà nước sẽ không phá giá đồng Việt Nam mạnh hơn và nằm trong giới hạn cho phép. Với những dự báo về các chỉ số nêu trên, biến động tỷ giá sẽ chỉ nằm trong khoảng 2%. Mặt khác, VNĐ không bị mất giá đáng kể nhờ cán cân thương mại tiếp tục cân bằng, trong khi cán cân vốn đạt thặng dư và nguồn dự trữ ngoại hối dồi dào.

- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác