Lãi càng lớn, càng thận trọng

(ĐTTCO) - Đó là tình trạng của một số doanh nghiệp (DN) ngành thép hiện nay khi đã trải qua 1 năm 2016 vàng son. Giá thép năm 2017 diễn biến như thế nào vẫn là một ẩn số, cộng với xu hướng đầu tư mở rộng công suất là 2 trong số những nguyên nhân chủ đạo dẫn đến sự thận trọng này.

(ĐTTCO) - Đó là tình trạng của một số doanh nghiệp (DN) ngành thép hiện nay khi đã trải qua 1 năm 2016 vàng son. Giá thép năm 2017 diễn biến như thế nào vẫn là một ẩn số, cộng với xu hướng đầu tư mở rộng công suất là 2 trong số những nguyên nhân chủ đạo dẫn đến sự thận trọng này.

Kỳ vọng chừng mực 

Việc lựa chọn kế hoạch kinh doanh thận trọng có thể là một nước cờ khôn ngoan của các DN thép, vì nếu có rủi ro xuất hiện việc hoàn thành kế hoạch cũng đảm bảo uy tín cho lãnh đạo DN, thậm chí còn gia tăng kỳ vọng của NĐT. Lãnh đạo DN cũng sẽ được đánh giá là sáng suốt, cẩn trọng. Cách làm này cũng gián tiếp “điều hòa” kỳ vọng của NĐT, cũng như giá CP và đảm bảo tính bền vững cho CP.

5 năm gần nhất, Hòa Phát (HPG) đều vượt khoảng 46% kế hoạch lợi nhuận (LN), riêng năm 2016 LN sau thuế của công ty đạt 6.606 tỷ đồng, tăng 88,5% so với cùng kỳ năm trước. Nhưng mới đây, HPG công bố nghị quyết HĐQT về kế hoạch kinh doanh 2017 với doanh thu 38.000 tỷ đồng và LN sau thuế 4.997 tỷ đồng, nghĩa là giảm hơn 24% so với thực hiện 2016.

Trước HPG, CTCP Đầu tư Thương mại SMC (SMC) còn dự kiến kế hoạch kinh doanh 2017 ngay từ… đầu quý IV-2016. Năm 2016, SMC lãi ròng hơn 362 tỷ đồng, nhưng kế hoạch cho 2017 HĐQT công ty đề ra chỉ... 80 tỷ đồng LN sau thuế, tức chỉ tương đương 22% thực hiện 2016. Một công ty sản xuất bậc nhất, một công ty phân phối, gia công hàng đầu đều bộc lộ sự thận trọng có thể cho thấy nhiều chỉ báo của ngành thép.

 Không phủ nhận nỗ lực của toàn DN, nhưng ông Nguyễn Ngọc Anh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc SMC, nhấn mạnh diễn biến như năm 2016 phải vài chục năm mới xuất hiện. “Tính đến thời điểm này tôi vẫn thấy những tín hiệu tích cực của ngành thép trong thời gian tới, chẳng hạn một số quốc gia sản xuất thép lớn trên thế giới có thể cắt giảm sản lượng do vấn đề ô nhiễm.

Tuy nhiên, việc dự báo giá thép theo quý, thậm chí theo tháng bây giờ đã khó chứ chưa nói đến dự báo năm. Không ai cấm DN làm vượt kế hoạch, nhưng nếu không đạt lãnh đạo DN sẽ gặp rất nhiều áp lực” - người đứng đầu SMC nhấn mạnh.

Giai đoạn trước và sau Tết Nguyên đán, một số DN lớn trong ngành thép thậm chí không còn chỗ để cất trữ hàng hóa. Nguyên nhân vì giai đoạn sau Tết thường rơi vào cao điểm của ngành thép, có thể có sóng nên hàng hóa được mua tương đối để tranh thủ thời cơ. Mặt khác, việc các DN nghỉ Tết cộng với sức tiêu thụ giảm đi những ngày giáp Tết cũng khiến cho hàng hóa làm ra chưa thể đến tay khách hàng. Một lãnh đạo DN ngành thép dự báo KQKD quý I-2017 của DN ông và có thể là của nhiều DN khác cũng sẽ rất tích cực, dựa vào diễn biến giá thép vẫn thuận lợi từ cuối 2016 đến nay.

Từ năm 2017, thép cùng với ngân hàng là một trong những nhóm CP có sóng vào loại tốt nhất với tỷ lệ khoảng 10% trong vòng 1 tháng qua, như HPG đã tăng từ 4.1 lên hơn 4.5, HSG tăng từ 4.7 lên hơn 5.1, SMC thậm chí tăng từ 2.2 lên gần 2.8… Xu hướng này cho thấy kỳ vọng TTCK dành cho ngành thép vẫn còn dồi dào, nhưng sự thận trọng của DN không phải là thừa, có thể ví như lời nhắc nhở để các cổ đông có sự chừng mực, bớt đi sự thái quá.

Dây chuyền gia công thép SMC. Ảnh: LONG THANH

Dây chuyền gia công thép SMC. Ảnh: LONG THANH

Cẩn trọng vẫn hơn

Dự kiến HPG sẽ chia cổ tức năm 2016 với tỷ lệ 50% bằng CP và nếu theo phương án này xảy ra vốn điều lệ của công ty sẽ tăng lên 12.895 tỷ đồng. Chia cổ tức bằng CP không nằm ngoài việc giữ lại LN tại DN để tiếp tục tái đầu tư, đây lại là xu hướng trong ngành thép khi các DN, từ HPG đến HSG cũng tăng cường đầu tư nhà máy, SMC cũng tăng cường các sản phẩm gia công chế biến chuyên sâu…

Mục tiêu của các DN khi liên tục mở rộng công suất hiện có, hoặc tăng cường thêm các chủng loại sản phẩm khác nhau để đáp ứng nhu cầu thị trường. Điều này sẽ khiến DN buộc phải phân bổ nguồn lực với mục đích đảm bảo hoạt động sẵn có, trong khi cũng phải theo đuổi các mục tiêu đầu tư sao cho hợp lý. Rủi ro phân tán nguồn lực rõ ràng là hiện hữu và tất nhiên trong trường hợp giá thép diễn biến không thuận lợi áp lực sẽ lại gia tăng.

Chia cổ tức bằng CP có thể giải quyết lập tức nhu cầu của cổ đông cũng như DN, nhưng áp lực cổ tức về mặt dài hạn là không tránh khỏi. Thậm chí, với những thành quả ngành thép đã đạt được trong năm 2016 DN hoàn toàn có thể phát hành thêm CP cho cổ đông hiện hữu hoặc thông qua chào bán riêng lẻ.

CP thép cũng đã nổi sóng cả năm 2016 và lịch sử cho thấy rất khó chuyện một nhóm CP có thể “hot” được đến 2 năm. Nguyên nhân có thể phụ thuộc vào diễn biến của ngành, xu hướng của TTCK hoặc khẩu vị của NĐT. Như vậy không thể phủ nhận sức hút của CP thép vẫn còn với những câu chuyện mới mẻ như đã nói bên trên, hoặc giả như với một số DN thận trọng, NĐT lại đặt câu hỏi về khả năng có thể hoàn thành kế hoạch trước hạn không, cuối năm vượt kế hoạch bao nhiêu.

Về mặt thời điểm, cho đến hết quý I-2017 này, áp lực lợi nhuận cho ngành thép có thể chưa lớn do giá thép bắt đầu phục hồi dần vào quý I-2016 và chỉ “bay” vào quý II-2016, nên viễn cảnh LN quý I-2017 của nhiều DN duy trì sự tăng trưởng so với cùng kỳ 2016 là hoàn toàn khả thi, nhưng đến các quý tiếp theo cần tiếp tục theo dõi thêm. 

Các tin khác