Dịch chuyển sang khu Tây

(ĐTTCO) - Nhiều nhà đầu tư đang có xu hướng dịch chuyển về khu Tây TPHCM để phát triển BĐS nhà ở. Nguyên nhân do khu vực này có lợi thế giá đất còn rẻ, hạ tầng kết nối với trung tâm khá tốt, các tuyến metro phát triển trong tương lai và không khí khá trong lành với nhiều mảng xanh, sông nước tự nhiên.

(ĐTTCO) - Nhiều nhà đầu tư đang có xu hướng dịch chuyển về khu Tây TPHCM để phát triển BĐS nhà ở. Nguyên nhân do khu vực này có lợi thế giá đất còn rẻ, hạ tầng kết nối với trung tâm khá tốt, các tuyến metro phát triển trong tương lai và không khí khá trong lành với nhiều mảng xanh, sông nước tự nhiên.

Nguồn cung dồi dào

TPHCM phát triển theo mô hình đa cực, đa trung tâm, phi tập trung hóa nên các khu vực đều có thể đầu tư sinh lời nếu biết nhận ra được lợi thế của nó. Chính sự trộn lẫn, xen cài này tạo ra sự sôi động và sức sống của từng khu vực. Vấn đề là nhà đầu tư ưu tiên cho thế mạnh nào của 4 yếu tố: cơ sở hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ xã hội, khả năng kết nối và tiềm năng cho tương lai. Vùng đất phía Tây, đặc biệt là trục đô thị Tây Nam TP dường như hội đủ các yếu tố trên.

GS.TS Nguyễn Minh Hòa, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển TPHCM

Từ đầu năm 2015 đến nay số lượng nguồn cung căn hộ mở bán mới thuộc các dự án nhà ở trên địa bàn khu Tây TPHCM đạt 9.900 căn, chiếm 19% tổng nguồn cung. Trong đó số lượng căn hộ đã giao dịch thành công đạt đến 8.800 căn, chiếm 18% lượng giao dịch, lượng căn hộ tồn kho chiếm một tỷ lệ rất thấp. Trong năm 2017, dự kiến khu vực này có thêm 7.000-8.000 căn hộ mới gia nhập thị trường, chiếm 20-25% nguồn cung mới tham gia thị trường TPHCM.

Doanh nghiệp tạo dấu ấn và đầu tư mạnh nhất tại khu Tây là Công ty Hưng Thịnh với 8 dự án với hàng ngàn căn hộ do có quỹ đất khá lớn. Ông Nguyễn Nam Hiền, Tổng giám đốc Hưng Thịnh Land, cho rằng nhu cầu nhà ở tại khu Tây TPCHM hiện nay rất cao, đặc biệt là giới trẻ, nên công ty muốn biến nơi đây thành một địa bàn trọng điểm đầu tư kinh doanh nhà ở.

Nhu cầu cao nhưng theo ông Hiền, khách hàng trẻ có những tiêu chí tương đối đặc thù như: diện tích vừa phải từ 45-60m2, có 1-2 phòng ngủ, thiết kế thông minh, không nhất thiết phải ở ngay khu trung tâm nhưng cũng không quá xa, thời gian di chuyển đến trung tâm trong khoảng 15 phút để thuận tiện cho công việc...

Ngoài ra, người trẻ cũng rất quan tâm đến khả năng sinh lời của dự án BĐS. Kể từ năm 2016 trở lại đây, hàng loạt dự án mới bàn giao đi vào hoạt động có tỷ suất sinh lời liên tục tăng, khiến người mua nhà dần thay đổi quan điểm về thị trường BĐS khu Tây. Đơn cử, một dự án căn hộ trên đường Tân Kỳ Tân Quý (quận Tân Phú) đã tăng giá lên 40%, từ 17-18 triệu đồng/m2 lúc mở bán, đến khi chủ đầu tư bàn giao nhà giá thành chuyển nhượng các căn hộ đã tăng lên 25-26 triệu đồng/m2.

Ông Lương Sĩ Khoa, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty An Gia Investment, nhận định các chủ đầu tư có thương hiệu, uy tín, giao nhà đúng cam kết sẽ có lợi thế thu hút khách hàng. Chính vì vậy, trong cuộc chơi mới khốc liệt và có tính sàng lọc hơn, các chủ đầu tư phải có chiến lược khai thác hiệu quả các yếu tố trên thay vì chỉ trông cậy vào vị trí như trước đây. Ngoài ra, theo ông Khoa yếu tố chất lượng và tiện ích bên trong dự án chính là điều kiện đảm bảo được sản phẩm có thể khai thác và sinh lời trong thời gian dài.

Công ty BĐS Trường Phát hiện đang mở bán ra thị trường nhiều dự án căn hộ thuộc địa bàn quận Bình Tân và quận 12 với giá 15-17 triệu đồng/m2. Tiêu biểu như dự án Green Town (Bình Tân) do Công ty IDE Hàn Quốc làm chủ đầu tư; khu căn hộ Võ Đình và Hiệp Thành (quận 12). “Dù đang trong thời điểm “tháng ăn chơi” của doanh nghiệp địa ốc, nhưng tôi phải kêu gọi nhân viên nhanh chóng làm việc trở lại vì giao dịch trên thị trường khu Tây đang “nóng” lên” - ông Trần Văn Dũng, Giám đốc Trường Phát, chia sẻ với ĐTTC.

Một dự án trên đường Tân Kỳ Tân Quý tăng giá gần 10 triệu đồng/m2 khi nhận nhà khiến khách hàng hồ hởi.

Một dự án trên đường Tân Kỳ Tân Quý tăng giá gần 10 triệu đồng/m2
khi nhận nhà khiến khách hàng hồ hởi.

Lực đẩy hạ tầng

Khu Tây TPHCM đang là tâm điểm hút giới đầu tư BĐS sau những lực đẩy về hạ tầng - giao thông năm 2016 vừa qua. Nổi bật là dự án xây dựng đường nối Võ Văn kiệt với cao tốc TPHCM - Trung Lương được khởi công vào tháng 10-2015. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 gần 1.600 tỷ đồng và thời gian thi công dự kiến khoảng 20 tháng. Điểm đầu của dự án tại nút giao thông Tân Kiên (điểm cuối của đường Võ Văn Kiệt, nơi giao cắt với Quốc lộ 1A, thuộc xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh) và điểm cuối nối vào nút giao thông Tân Tạo - Chợ Đệm của đường cao tốc TPHCM - Trung Lương.

Từ tháng 10-2016, UBND TP đã phê duyệt dự án xây dựng cầu đường Bình Tiên nối từ quận 6 vượt kênh Tàu Hủ, đường Võ Văn Kiệt - Kênh Đôi - Kênh Tẻ sang quận 8 để ra đường Nguyễn Văn Linh. Ở phía Tây Nam, TPHCM cũng kiến nghị đưa tuyến đường song song Quốc lộ 50 vào quy hoạch kết nối giao thông liên vùng. Tuyến này có điểm đầu từ đường Phạm Hùng (huyện Nhà Bè) đến huyện Cần Giuộc (Long An) với chiều dài 8,6km. Ngoài ra, tuyến đường Vành đai 3 giúp giao thông khu Tây kết nối với các quận nội thành và Bình Dương, Đồng Nai, Long An trở nên thuận tiện hơn cũng sắp sửa được đưa vào thi công.

Trong năm 2016, UBND TPHCM đã kiến nghị Bộ Kế hoạch-Đầu tư xem xét, lựa chọn dự án tuyến đường sắt đô thị số 3a (Bến Thành - Tân Kiên) được sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tổng mức đầu tư dự án dự kiến khoảng 62.000 tỷ đồng. Tuyến đường sắt đô thị số 3a được kết nối với tuyến đường sắt đô thị số 1 sẽ hình thành tuyến đường sắt đô thị xuyên tâm nối Bến xe Suối Tiên - trung tâm TP (Bến Thành) - Bến xe Miền Tây tạo sự thuận tiện cho hành khách và nâng cao hiệu quả đầu tư cho tuyến đường sắt đô thị số 1.

Bên cạnh hạ tầng giao thông kết nối, một lợi thế lớn của khu Tây là các tiện ích y tế đang được đầu tư hoàn chỉnh với điểm nhấn là các bệnh viện vệ tinh như Nhi Đồng 3, Chợ Rẫy 2, Khu y tế kỹ thuật cao Hoa Lâm - Shangrila… Ngày 16-1-2017, Bệnh viện Nhi đồng 3 tọa lạc tại số 15, đường cao tốc TPHCM - Trung Lương thuộc xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, TPHCM đã chính thức đi vào hoạt động. Được xây dựng trên diện tích 12,47ha, với tổng mức đầu tư 4.500 tỷ đồng, đây là bệnh viện nhi đồng lớn nhất phía Nam, có quy mô 1.000 giường bệnh. Bệnh viện có 10 phòng chức năng, 39 khoa lâm sàng và cận lâm sàng.

Ngoài ra, sự hiện diện của Trung tâm thương mại Aeon Mall cũng góp phần thay đổi tích cực diện mạo đô thị khu Tây. Với quy mô rộng gần 4,7ha, diện tích sàn khoảng 114.000m2 và 160 gian hàng cùng khu ăn uống phong cách Nhật Bản, Aeon Mall đã thu hút hàng triệu người dân ở các quận trung tâm hàng ngày phải chen chúc ở các khu chợ chật chội đến tận hưởng cảm giác “mua sắm tại một điểm” (one-stop shopping) như các đô thị hiện đại khác trên thế giới.

Các tin khác