Đã đam mê phải làm tới cùng

(ĐTTCO) - Làm nấm theo tiêu chuẩn VietGap hướng đến hoàn toàn hữu cơ không hề đơn giản, thậm chí với một số sản phẩm nấm chưa có lợi nhuận, nhưng chị LÊ HÀ MỘNG NGỌC (ảnh), Giám đốc CTCP Công nghệ sinh học Nấm Việt, đã theo đuổi hành trình này được 7 năm. Chia sẻ với ĐTTC, chị tin tưởng sản phẩm sạch nhất định có chỗ đứng và quan trọng hơn con đường chị đi chưa bao giờ đơn độc.

(ĐTTCO) - Làm nấm theo tiêu chuẩn VietGap hướng đến hoàn toàn hữu cơ không hề đơn giản, thậm chí với một số sản phẩm nấm chưa có lợi nhuận, nhưng chị LÊ HÀ MỘNG NGỌC (ảnh), Giám đốc CTCP Công nghệ sinh học Nấm Việt, đã theo đuổi hành trình này được 7 năm. Chia sẻ với ĐTTC, chị tin tưởng sản phẩm sạch nhất định có chỗ đứng và quan trọng hơn con đường chị đi chưa bao giờ đơn độc.

PHÓNG VIÊN: - Khi chọn làm nông nghiệp công nghệ cao với sản phẩm nấm, ai đã cùng chị đồng hành trên con đường này? 

-Chị LÊ HÀ MỘNG NGỌC: - Năm 2009 khi quyết định bỏ hết công việc hiện tại để làm nấm sạch, tôi đẫ nhận được sự ủng hộ và đồng hành của 3 người bạn, trong đó có 2 người đang sống và làm việc ở nước ngoài. Chúng tôi cùng nhau góp vốn để hình thành CTCP Công nghệ sinh học Nấm Việt.

Tuy nhiên chỉ có tôi dành toàn bộ tâm huyết cho Nấm Việt, còn mỗi người bạn đều có công việc riêng nhưng vẫn hỗ trợ tôi khá nhiều về tài chính, marketing, giúp đưa các sản phẩm của Nấm Việt xuất ngoại. Tất nhiên, khi có nhiều cổ đông cũng không tránh khỏi những mâu thuẫn. Có những thời điểm cả 3 người bạn tôi đều muốn dừng công việc này lại vì làm chưa thấy lợi nhuận, thậm chí có người còn đề nghị bán thương hiệu. Song tôi vẫn thuyết phục được họ cùng đi đến hôm nay.

 Ngoài 3 người bạn đồng hành cũng là 3 cổ đông của công ty, để Nấm Việt có được ngày hôm nay không thể không nhắc đến sự hỗ trợ rất lớn của các cơ quan chức năng, như Sở Nông nghiệp, Trung tâm Ươm tạo DN nông nghiệp công nghệ cao (Củ Chi). Đơn cử, để đầu tư phòng làm giống phải mất cả tỷ đồng, trung tâm này có phòng ươm tạo được Nhà nước đầu tư nhiều tỷ đồng đã cung cấp miễn phí giống cây cho chúng tôi.

Trung tâm còn hỗ trợ chúng tôi các kiến thức trong quản lý DN, những công nghệ tiên tiến trong nông nghiệp như tưới nhỏ giọt của Israel; cách thức làm hồ sơ để tiếp cận được những gói ưu đãi tín dụng của Nhà nước. Quan trọng hơn, khi tham gia vườn ươm chúng tôi còn có cơ hội tiếp xúc với những hệ thống phân phối lớn như Big C, Lotte, Coopmart…

Trước đây khi chào hàng họ dường như không quan tâm đến sản phẩm của chúng tôi, nhưng khi biết chúng tôi làm tại vườn ươm, họ đến tham quan và đã thay đổi cách nhìn.

- Vậy đến nay chị đã tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước cho DN nông nghiệp công nghệ cao? 

Tôi vẫn muốn xây dựng thương hiệu Nấm Việt tại Việt Nam để người tiêu dùng được tiêu thụ nhiều sản phẩm sạch. Con đường phía trước chắc chắn rất dài và khó khăn, nhưng với tôi khi đã đam mê phải làm tới cùng, chỉ khi không còn sức lực tôi mới dừng lại. 

- Tôi đã 2 lần tiếp cận được nguồn vốn vay với lãi suất rất hợp lý nhưng thời gian vay khá ngắn, vì họ cho rằng trồng nấm vài tháng là thu hoạch sản phẩm có lợi nhuận nên không cần vay dài. Tuy nhiên, để làm được nấm theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao cần phải đầu tư nhà trồng chuyên nghiệp, có thiết bị, máy móc nên thời gian cũng phải 5-10 năm, không thể ngắn được. Cuối cùng không vay được các nguồn vốn này tôi phải đi vay bên ngoài.

 Nhân đây tôi cũng xin đề xuất Nhà nước khi có chính sách cho vay vốn ưu đãi vào nông nghiệp nên để khoảng thời gian dài hơn, ít nhất là 5 năm, vì sản xuất nông nghiệp cần thời gian dài.

- Những sản phẩm nấm chị làm theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao khác biệt như thế nào với nấm thông thường?

- Khi làm nông nghiệp công nghệ cao phải quản lý rất nhiều yếu tố, như đối với nấm phải quan tâm từ khâu chọn giống, phân cũng phải chọn lựa cho phù hợp. Bên cạnh đó là công nghệ làm nhà trồng, thiết bị sử dụng trong quá trình trồng nấm. Tất nhiên công nghệ cao có nhiều cấp độ và ở Việt Nam, theo tôi chưa đạt đến công nghệ cao lý tưởng vì còn do trình độ, khả năng đầu tư và sự chấp nhận của thị trường.

Chẳng hạn khi mình đầu tư hoàn hảo, chi phí sẽ cao kéo theo giá thành sản phẩm làm ra cao, trong khi thị trường chỉ chấp nhận mức giá trung bình, sẽ rất khó cho việc tiêu thụ sản phẩm. Nấm Việt nếu tính mức công nghệ cao hoàn hảo đang đạt khoảng 50%. Ngay như nhà trồng nấm chúng tôi cũng phải thay đến đời thứ 5 mới đạt. Hiện nay chúng tôi sử dụng loại bạt của Israel, đồng thời liên tục đầu tư công nghệ. Đó cũng là lý do làm suốt 7 năm nhưng gần như Nấm Việt chỉ đầu tư thêm vào, chưa có lợi nhuận nào đáng kể.

Nấm linh chi được trồng theo tiêu chuẩn VietGap của Công ty Nấm Việt.

Nấm linh chi được trồng theo tiêu chuẩn VietGap của Công ty Nấm Việt.

Làm nông nghiệp còn phải đối mặt với nhiều rủi ro. Như năm 2014 chúng tôi đã mất trắng khi một cơn bão thổi bay toàn bộ 8 nhà trồng của chúng tôi. Thực tế làm nấm công nghệ cao không hề đơn giản. Khóa học trồng nấm của chúng tôi năm 2010 có khoảng 15-20 người theo học và tham gia thị trường này, nhưng nay nhìn lại gần như chỉ còn mình tôi đi trên con đường này.

 Đến nay, Nấm Việt đã đầu tư nhiều trang thiết bị để đạt tiêu chuẩn nấm VietGap, nhưng suốt 4 năm nay giá bán không thể tăng vì đang bị thị trường đồng hóa. Cũng phải nói thêm dù đạt tiêu chuẩn VietGap nhưng tôi đang nỗ lực để đi theo hướng hoàn toàn hữu cơ, mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm thực sự sạch. Bởi tôi tin hàng sạch nhất định có chỗ đứng vững chắc trong tương lai.

- Được biết một trong số sản phẩm chính của Nấm Việt là nấm bào ngư hiện nay chưa có lợi nhuận nhưng chị vẫn duy trì sản phẩm này?

- Nấm bào ngư là một khâu trung gian không thể thiếu trong quy trình sản xuất khép kín, nên dù chưa mang lại lợi nhuận cho Nấm Việt nhưng không thể bỏ được. Phần nữa, đây là sản phẩm nấm mang lại lợi nhuận tốt hơn và mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu hơn.

Hiện tôi đang sản xuất thử hạt nêm thực dưỡng hoàn toàn từ nấm không sử dụng bất cứ loại hóa chất nào ngay cả trong bảo quản. Tôi cũng đang tìm kiếm nhà đầu tư cho dự án mới này, đồng thời làm hồ sơ gửi đến một số cơ quan chức năng để tìm kiếm sự hỗ trợ. Việc tìm nhà đầu tư không hề đơn giản vì dự án này cần tâm huyết và sự kiên trì bởi không thể có lợi nhuận ngay như các ngành hàng khác.

- Nói về sản phẩm xuất khẩu, hiện nay sản phẩm nào của Nấm Việt đã được xuất khẩu và đến với những quốc gia nào?

- Chúng tôi xuất khẩu nấm mèo sấy khô đến Nhật Bản và Hà Lan, trong đó chủ yếu là thị trường Nhật Bản. Tuy nhiên, thách thức trong xuất khẩu sản phẩm của Nấm Việt hiện nay là cạnh tranh với hàng Trung Quốc về giá và chất lượng. Tại thị trường Nhật Bản, Trung Quốc xuất sang những sản phẩm chất lượng rất cao.

Khi khách hàng Nhật Bản đưa mẫu, cho xem quy trình sản xuất hỏi chúng tôi có làm được không, chúng tôi cũng phải lắc đầu vì để làm được phải đầu tư máy móc rất tốn kém, chưa kể đầu tư rồi liệu khách có chấp nhận lấy sản phẩm của mình hay không. Chính vì thế đến nay việc xuất khẩu vẫn chỉ là thử nghiệm.

- Xin cảm ơn chị.

Các tin khác