Game online vẫn chưa hạ nhiệt

(ĐTTCO) - Hơn 9 giờ sáng mới mắt nhắm, mắt mở bước ra khỏi tiệm game I.G trên đường Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh), B.V.Đ. (sinh viên năm 4 ĐH Công nghệ TPHCM) nhét vội cuốn tập, cây viết vào túi quần rồi bước về trường cách đó vài căn để bắt đầu buổi học. Thế mới thấy, dù  ngày càng có nhiều loại hình vui chơi giải trí nhưng không ít bạn trẻ vẫn quyết liệt theo đuổi game online, bất chấp những hệ lụy kèm theo.

(ĐTTCO) - Hơn 9 giờ sáng mới mắt nhắm, mắt mở bước ra khỏi tiệm game I.G trên đường Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh), B.V.Đ. (sinh viên năm 4 ĐH Công nghệ TPHCM) nhét vội cuốn tập, cây viết vào túi quần rồi bước về trường cách đó vài căn để bắt đầu buổi học. Thế mới thấy, dù  ngày càng có nhiều loại hình vui chơi giải trí nhưng không ít bạn trẻ vẫn quyết liệt theo đuổi game online, bất chấp những hệ lụy kèm theo.

Nghề “cày” game thuê

B.V.Đ. có thâm niên “cày” game từ  năm 1 đại học. Thuê nhà trọ tại hẻm 527 Điện Biên Phủ nhưng phần lớn thời gian Đ. ở tiệm game, chỉ khi nào có nhu cầu thay đồ thì Đ. mới về nhà trọ, còn lại ăn, ngủ tại đây. Có ai hỏi đến thì Đ. chỉ trả lời gọn lỏn: “Đang kiếm tiền”.

Các tiệm game VIP luôn thu hút dân “cày” game thuê thâu đêm suốt sáng.
Các tiệm game VIP luôn thu hút dân “cày” game thuê thâu đêm suốt sáng.

Trước đây, khi máy tính cá nhân còn khan hiếm, sinh viên thường tụ tập ở các tiệm game để cày ngày, cày đêm với Gunbound, Đế chế, Võ lâm truyền kỳ, DOTA, Liên minh huyền thoại, Audition, MU… Khi thiết bị công nghệ đã trở nên phổ biến, hầu như ai cũng có máy tính cá nhân hay smartphone thì tiệm game vẫn không ít khách, mở tới đâu, đông tới đó. Ở các khu dân cư đông sinh viên trọ và gần các trường đại học, các tiệm game mọc lên san sát. Lứa sinh viên này ra trường, lứa sinh viên khác nhập học và kế thừa luôn cả thú vui “cày” game.

Nhưng lý do khiến chúng tôi ngạc nhiên hơn đó là phần lớn sinh viên đang “cày” game để kiếm tiền. Có người mê game nhưng kỹ năng kém và đang muốn ganh đua với bạn chơi nên thuê sinh viên “cày” để nhân vật của mình nhanh lên “level” (cấp độ). Cũng có những kẻ lợi dụng sự ganh đua của người chơi nên mở hẳn dịch vụ chuyên thuê sinh viên “cày” game để thu thập nhiều vũ khí lợi hại rồi bán cho người cần mua.

Tài, chủ tiệm game F.G trên đường D2, quận Bình Thạnh, cho biết: “Mấy cậu nhóc sinh viên cần tiền để thỏa mãn đam mê chơi game, còn những thanh niên có tiền, muốn nhân vật của mình hoành tráng nhưng lại không đủ trình thì tôi ở giữa làm trung gian để các bên đều đạt mục đích, cũng là giúp mấy đứa kiếm được 3-5 triệu đồng mỗi tháng từ trò chơi ảo”.

Khi đã nhận “cày” game thuê, phía dịch vụ sẽ đưa ra chỉ tiêu cụ thể phải đạt được trong khoảng thời gian nhất định nên hầu hết sinh viên đều phải dành ít nhất 12 giờ/ngày để “cày”. Vì vậy mà nhiều sinh viên học ngày, “cày” đêm, khi kiệt sức thì bỏ bê việc học hành để tập trung cho game và ngủ.

Hiện nay, khi game online đã trở thành dịch vụ cần lao động thì những tiệm game cũ với giá chơi 1 giờ chỉ từ 2.000 - 4.000 đồng là chốn tụ tập của những sinh viên mới chơi hoặc đang luyện. Còn các tiệm game VIP với giá trung bình 10.000 đồng/giờ thì thu hút dân “cày” game thuê. Đơn cử như tiệm A.I.G, C.G.P, T.E.S (quận 10), C.A.G, B.G (quận 5)…

Ngoài mức giá bình thường là 10.000 đồng/giờ  còn có các gói khuyến mãi cho khách chơi đêm từ 23 giờ - 7 giờ sáng hôm sau với giá từ 35.000 - 55.000 đồng/đêm (tùy phòng) kèm 1 ly nước, có phục vụ ăn uống tại chỗ. Vì vậy, bất kể ngày hay đêm, các tiệm game này luôn đông game thủ. Nhiều nơi còn được mệnh danh là “làng game” như khu cư xá Bắc Hải (quận 10), đường Lê Lợi (quận Gò Vấp), đường Hoàng Diệu (quận Thủ Đức) là nơi trú chân của các game thủ sinh viên “cày” game kiếm tiền.

Bàn tay nào kéo sinh viên khỏi game online?

Qua cuộc khảo sát với khoảng 20 sinh viên trong các tiệm game, chúng tôi nhận được câu trả lời, bởi game rất có sức hút, đã chơi thử là mê. Nhắc đến game, Nguyễn Văn Hải L. (SV ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM) hào hứng cho biết: “Ai chơi game mà không mê mới lạ, mà phải chơi ngoài tiệm mới có không khí, máy móc liên tục được nâng cấp, cấu hình mạnh, màn hình lớn, lập đội “giết nhau” mới đã”.

Không chỉ việc sinh hoạt thiếu khoa học, thức khuya và tiếp xúc với máy vi tính quá nhiều dẫn đến giảm sút về sức khỏe mà “cày” game còn gây ra nhiều hệ lụy khác, từ bỏ bê học hành đến biến chất, gây mất an ninh, trật tự xã hội. Thế nhưng dường như hiện nay, các trường đại học vẫn chưa có phương án nào để kéo sinh viên của mình trở về với nhiệm vụ chính là rèn luyện kỹ năng sống và học tập.

Dạo qua các trang web hoặc Facebook Hội Sinh viên ở các trường đại học cho thấy các hoạt động của trường khá đơn điệu, chủ yếu là các hoạt động chung từ Hội Sinh viên TPHCM phát động.

Trong khi đó, hầu hết các hoạt động này đều phải chọn lọc đối tượng sinh viên ưu tú tham gia, vì vậy xét về tổng thể, chưa có hoạt động nào nổi bật, chủ đích tạo sức hút để kéo những sinh viên ham chơi, mê game trở về sinh hoạt trong trường. Lý do khác nữa là dù hiện có khá nhiều hoạt động vui chơi, giải trí dành cho giới trẻ nhưng chi phí cao hơn so với chi phí chơi game, do đó nhiều bạn trẻ chọn chơi game vừa giết thời gian rảnh, vừa giải trí mà xét về mặt kinh tế thì cũng nhẹ gánh hơn nhiều.

Dưới góc độ tâm lý, thạc sĩ tâm lý Vũ Hồng Nhung cho rằng, học sinh, sinh viên ở độ tuổi vị thành niên tìm đến game online một phần do tâm lý lứa tuổi này thích chinh phục, thích hành động, họ mượn game để tìm cảm giác tự do, để thể hiện mình và thích thú với cảm giác được làm bá chủ. Một phần do môi trường giao tiếp, trong nhóm chơi chung có một vài người mê game là có thể cả nhóm sẽ chơi và mê game.

Để khắc phục, bên cạnh ý thức cá nhân, nếu có các cuộc thi game về học đường hay tổ chức các hoạt động phát huy sức sáng tạo và theo năng lực của từng nhóm cá nhân, chắc chẳng mấy ai còn đủ thời gian để học ngày, “cày” đêm với game online.

Các tin khác