DN Nhật than phiền thủ tục thuế, hải quan

(ĐTTCO)-Lãnh đạo ngành Thuế, Hải quan vừa có buổi gặp gỡ với doanh nghiệp Nhật Bản để giải đáp những thắc mắc về thủ tục thuế, hải quan và cam kết sẽ triển khai các giải pháp nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp.

(ĐTTCO)-Lãnh đạo ngành Thuế, Hải quan vừa có buổi gặp gỡ với doanh nghiệp Nhật Bản để giải đáp những thắc mắc về thủ tục thuế, hải quan và cam kết sẽ triển khai các giải pháp nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp.

 

Chương trình do Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư Thành phố (ITPC) cùng Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam phối hợp tổ chức. Trong lĩnh vực thuế, đại diện của nhiêu doanh nghiệp có chung ý kiến về vấn đề lãi chậm nộp thuế.

Một doanh nghiệp đặt câu hỏi theo quy định trên văn bản pháp luật thì lãi chậm nộp tiền thuế đối với khoản thuế chưa nộp được chỉ ra sau khi thanh tra thuế, sẽ được tính tương ứng với số ngày cho tới ngày nộp. Nhưng thực tế từ trước đến nay lại thường được tính tương ứng với số ngày cho tới ngày ký Quyết định của Cục Thuế. Hiện nay, theo yêu cầu của Tổng cục Thuế, các Cục Thuế đang lật lại các Quyết định và truy thu ngược về quá khứ là không hợp lý.

Theo đại diện Tổng cục thuế, sau khi bị thanh tra thuế, lãi chậm nộp được tính đến ngày doanh nghiệp thực nộp tiền vào ngân sách, chứ không phải ngày có quyết định gửi tới doanh nghiệp. Đơn vị này cũng thừa nhận việc chưa rõ ràng của cơ quan thuế trong thông báo tính lãi chậm nộp từ 3 năm trước. Hiện ngành thuế đã cải thiện thủ tục và sẽ ghi nhận ý kiến của doanh nghiệp, kiến nghị Tổng cục Thuế để minh bạch hơn trong chính sách đến với doanh nghiệp.

Liên quan đến thủ tục hải quan, một đại diện doanh nghiệp than phiền đã có quy định không cần phải khai và trả thuế nếu giá trị 1 món đồ dưới 15 triệu đồng, nhưng thỉnh thoảng nhân viên hải quan yêu cầu trả thuế bởi những nguyên nhân khác nhau và phải mất công thương lượng, giải thích. Vậy vấn đề nên được tuân thủ theo quy định như thế nào.

Giải đáp thắc mắc này, ông Nguyễn Quốc Toản, Phó trưởng Phòng Xuất nhập khẩu Cục Hải quan Thành phố, cho biết cần phân biệt giữa hành lý cá nhân và hàng hóa. Tức là những vật dụng cá nhân phục vụ cho mục đích chuyến đi được gọi là hành lý, còn những vật dụng không dùng cho mục đích cá nhân được gọi là hàng hóa. Đối với hàng hóa, theo quy định tại Nghị định 08 phải làm thủ tục tạm nhập tái xuất để phục vụ công việc trong một thời gian nhất định, và sẽ không bị đóng thuế.

Ngoài ra, các doanh nghiệp Nhật cũng được giải thích về các thắc mắc trong các lỗi phát sinh khi gửi chứng từ thuế giữa hệ thống của ngân hàng và hải quan, hoặc một số doanh nghiệp gặp phải tình trạng tra cứu giấy nộp tiền trên cổng thông tin điện tử đã hết nợ, ngân hàng chuyển tiền thành công nhưng doanh nghiệp vẫn chưa được thông quan do cán bộ hải quan thông báo chưa thấy kho bạc hạch toán.

Ông Toàn nói thêm bức xúc của doanh nghiệp xuất phát từ thói quen cũ của một số cán bộ hải quan. Cơ quan này sẽ chấn chỉnh ngay lập tức nếu có những phản hồi tương tự từ phía doanh nghiệp.

Các tin khác