Sản xuất, kinh doanh 2017: Lo ngại sức mua yếu

(ĐTTCO)-Dấu hiệu nền kinh tế ngày càng khởi sắc, cộng với thời điểm Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2017 chỉ cách nhau gần 1 tháng là cơ sở để các doanh nghiệp (DN), hộ kinh doanh chuẩn bị cho mùa kinh doanh bội thu trong dịp tết vừa qua. Nhưng thực tế, sức mua chỉ đạt ngang với mức tăng của tết năm 2016. Trong bối cảnh nguồn cung hàng hóa rất dồi dào, phong phú nhưng mức cầu còn hạn chế, để tồn tại, các DN phải tiếp tục thực hiện các chiến lược khuyến mãi, giảm giá bán.

(ĐTTCO)-Dấu hiệu nền kinh tế ngày càng khởi sắc, cộng với thời điểm Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2017 chỉ cách nhau gần 1 tháng là cơ sở để các doanh nghiệp (DN), hộ kinh doanh chuẩn bị cho mùa kinh doanh bội thu trong dịp tết vừa qua. Nhưng thực tế, sức mua chỉ đạt ngang với mức tăng của tết năm 2016. Trong bối cảnh nguồn cung hàng hóa rất dồi dào, phong phú nhưng mức cầu còn hạn chế, để tồn tại, các DN phải tiếp tục thực hiện các chiến lược khuyến mãi, giảm giá bán.

Không đạt kỳ vọng

Theo ghi nhận của chúng tôi, chưa có năm nào thị trường tết lại kết thúc muộn như Tết Đinh Dậu vừa qua. Nếu những năm trước, khu vực các cửa hàng kinh doanh trên đường phố thường đóng cửa lúc 22 giờ, kết thúc vào trưa 30 Tết, thì năm nay nhiều cửa hàng đóng cửa vào 24 giờ và kết thúc mùa kinh doanh là chiều 30 Tết.

Có nhiều lý do khiến các chủ cửa hàng phải kéo dài thời gian mở cửa, trong đó lý do quan trọng nhất là họ phải cố gắng bán được nhiều hàng chừng nào tốt chừng đó, vừa để tránh hàng tồn, vừa có chi phí trang trải kinh doanh sau tết.

Chị Nhàn, chủ một cửa hàng kinh doanh thực phẩm ở quận Bình Thạnh, cho biết sức mua vào thời điểm cận tết vẫn còn rất chậm, nên dịp tết vừa qua chị không mua sắm nhiều, chỉ chú tâm đến việc bán hàng để giải quyết hết lượng hàng đã “ôm” vào. Nhờ việc “mở sớm, đóng muộn”, gia đình chị Nhàn thở phào vì đã bán được hơn 80% lượng hàng tết.

 

Sau Tết Nguyên đán, thị trường không có biểu hiện “lãng thị” để du xuân như những năm trước, mà ngay từ mùng 6 Tết đã đồng loạt mở cửa trở lại. Cá biệt, tại nhiều hệ thống siêu thị và cửa hàng bình ổn, chợ đã hoạt động ngay từ sáng mùng 2 Tết nhằm đảm bảo cung ứng hàng hóa thông suốt cho người tiêu dùng.

Ngay sau tết, thị trường cũng đồng loạt tổ chức các chương trình khuyến mãi khủng, trong đó biện pháp thực hiện chính vẫn là giảm giá bán để kích cầu tiêu dùng. Biểu hiện rõ nhất là tại các siêu thị điện máy, nhiều mặt hàng như tivi, đầu máy, nồi cơm điện… đã được bán với giá gốc, hoặc hỗ trợ giảm giá bán từ 30% - 40%. Các siêu thị kinh doanh đa ngành như Co.opmart, Big C, Lotte mart…, các trung tâm thương mại lớn cũng bước vào cuộc đua khuyến mãi đối với hàng trăm mặt hàng có mức giảm giá từ 5% - 49%, đón đầu các ngày lễ như Valentine 14-2 và Quốc tế Phụ nữ 8-3 sắp tới.

Tất cả những động thái này cho thấy sức mua sau tết bắt đầu rơi vào giai đoạn thấp điểm. Hầu hết các siêu thị cho rằng, phải tăng cường khuyến mãi may ra mới bán được hàng.

Trở lại với thị trường thời điểm trước Tết Đinh Dậu, sức mua tăng rất chậm khiến nhiều nhà kinh doanh đứng ngồi không yên. Để kích sức cầu, nhiều DN buộc phải khởi động các chương trình khuyến mãi, giảm giá sâu hơn và thực hiện sớm hơn so với thường lệ. Đến ngày 23 tháng Chạp (ngày cúng ông Táo), tổng giám đốc một hệ thống siêu thị (đề nghị giấu tên) lo lắng nói rằng, cứ với đà này, doanh thu dịp tết sẽ khó đạt kế hoạch đề ra.

Là một trong những DN chiếm thị phần khá lớn đối với thịt gia súc  tươi sống nói riêng, thực phẩm chế biến nói chung, nhưng theo ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vissan, sức mua trong dịp tết vừa qua vẫn không bật lên được.

Tương tự, ông Trương Chí Thiện, Giám đốc Công ty cổ phần Vĩnh Thành Đạt, cũng cho rằng giá trứng gia cầm trong chương trình bình ổn luôn thấp hơn nhiều so với giá ngoài thị trường. Đặc biệt, trong 2 ngày cuối cùng của mùa kinh doanh tết, giá trứng bình ổn giảm từ 1.000-2.000 đồng/chục mới có thể đẩy mạnh được lượng hàng bán, giúp sản lượng và doanh thu dịp tết đạt khoảng 90%. Dù không đạt kỳ vọng nhưng Vĩnh Thành Đạt tạm hài lòng với doanh số bán ra trong bối cảnh hiện nay.

Báo cáo kết quả kinh doanh tháng tết tại Saigon Co.op cho thấy doanh thu và lượng khách trung bình của Co.opmart, Co.opXtra tăng gấp 3 lần ngày thường. Một số mặt hàng thực phẩm công nghệ, tươi sống có mức tăng trưởng gấp 4 - 5 lần so với tháng kinh doanh thông thường. Riêng doanh thu các ngày đầu năm, từ mùng 2 đến mùng 6 Tết, dù chỉ mở cửa phục vụ khoảng 4 giờ/ngày, nhưng ước tính doanh số bán hàng cũng đạt gần 100 tỷ đồng.

Cần xây dựng niềm tin

Từ mùa kinh doanh tết vừa qua có thể khẳng định, xu hướng mua sắm của người dân đã có sự thay đổi rất lớn từ việc ăn tết sang vui tết, từ việc dự trữ nhiều mặt hàng thực phẩm sang việc mua sắm nhiều hơn các mặt hàng phục vụ cho nhu cầu thư giãn, hưởng thụ như hoa tươi phải đẹp, trái cây phải ngon, thực phẩm phải sạch.

Nếu các DN không kịp thời điều chỉnh chiến lược kinh doanh rải đều trong năm mà chỉ trông chờ vào tháng tết, chắc chắn sẽ khó hoàn thành kế hoạch doanh thu. Xu hướng giá hàng tết ổn định như những tháng thường đang trở nên phổ biến. Cũng chưa có tết năm nào mà trào lưu tự cung, tự cấp các mặt hàng thực phẩm tươi sống lại phát triển mạnh mẽ và phổ biến như năm nay.

Ông Văn Đức Mười thừa nhận, nếu Vissan không kịp thời thay đổi chiến lược kinh doanh 100% thịt heo đạt chuẩn VietGAP và thực hiện truy xuất nguồn gốc thì sẽ khó đảm bảo doanh số.

Đánh giá chung về sức mua trong năm 2017, nhiều DN cho rằng vẫn còn nhiều ẩn số. Họ rất hồi hộp, lo lắng bởi thực chất của vấn đề sức mua là do yếu tố khách quan của nền kinh tế, đặc biệt các chính sách vĩ mô.

Thực phẩm là mặt hàng quan trọng hàng đầu, nhưng trao đổi với chúng tôi, nhiều DN thực sự lo ngại khi tốc độ tăng trưởng ngày càng thấp, lợi nhuận teo tóp. Nguyên nhân chính là người dân ngày càng kiêng dè trước vấn nạn về an toàn thực phẩm chưa được kiểm soát tốt. Nếu Chính phủ và các bộ ngành không kịp thời đưa ra chiến lược, định hướng phát triển chung cho ngành nông nghiệp thì nhiều nguy cơ sẽ bị thua ngay trên sân nhà. Nói như ông Văn Đức Mười: “Cần phải làm tốt việc truy xuất nguồn gốc, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm mới có thể lấy lại niềm tin của người dân, từ đó thúc đẩy sức mua”.

Để kích cầu sức mua chung trên thị trường, nhiều ý kiến cho rằng, ở tầm vĩ mô, Chính phủ cần nâng tổng cầu xã hội, thúc đẩy các nguồn vốn lưu chuyển mạnh mẽ trong các lĩnh vực đầu tư cơ bản, đồng thời tạo điều kiện tốt nhất cho các DN đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh. Đối với các DN, cần nắm bắt và phân tích kịp thời diễn biến từ thị trường, phân tích và dự báo về sức mua một cách tương đối chính xác, để có định hướng sản xuất và cung ứng hàng hóa phù hợp.

 Ở góc độ người tiêu dùng vẫn đang thắt chặt chi tiêu và mua sắm chừng mực. Theo thống kê của một trong những hệ thống siêu thị hàng đầu tại TPHCM, những năm gần đây, sức mua có xu hướng co cụm vào các nhóm hàng phục vụ cho nhu cầu hàng ngày như thực phẩm tươi sống, hóa phẩm và công nghệ phẩm; trong khi các nhóm hàng tiêu dùng không thường xuyên như quần áo, đồ dùng gia đình, mỹ phẩm, giày dép, hàng thủ công mỹ nghệ rất khó tăng. Mặt khác, việc mua sắm của khách hàng cũng sẽ được tính toán, chọn lọc một cách kỹ càng hơn. Sản phẩm nào đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, có thương hiệu và uy tín, đặc biệt có giá thành hợp lý sẽ tiếp tục thắng thế.

Các tin khác