NÂNG CẤP QL20 ĐOẠN DẦU GIÂY - BẢO LỘC

Khai thông nút giao thông huyết mạch

(ĐTTCO) - Tỉnh Đồng Nai nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có nhiều tuyến giao thông huyết mạch đi qua. Nhận thấy được vị trí trọng yếu của vùng đất trấn biên này, Bộ GT-VT đã xây dựng các dự án cao tốc đi qua đây nhằm kết nối Đông Nam bộ với TPHCM, khơi thông cửa ngõ lên Tây nguyên.

(ĐTTCO) - Tỉnh Đồng Nai nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có nhiều tuyến giao thông huyết mạch đi qua. Nhận thấy được vị trí trọng yếu của vùng đất trấn biên này, Bộ GT-VT đã xây dựng các dự án cao tốc đi qua đây nhằm kết nối Đông Nam bộ với TPHCM, khơi thông cửa ngõ lên Tây nguyên.

Người dân vui mừng

Ngày 12-2 vừa qua, để khởi động các dự án giao thông đường bộ trọng yếu, UBND tỉnh Đồng Nai phối hợp với CTCP BT20-Cửu Long triển khai xây dựng nút giao Dầu Giây thuộc dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ (QL) 20 đoạn Dầu Giây đi Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng). Nút giao thông ngã tư Dầu Giây thuộc địa bàn huyện Thống Nhất (tỉnh Đồng Nai), là điểm giao nhau giữa QL1A và QL20. Đây là nút giao thông huyết mạch kết nối khu vực Tây nguyên với vùng Đông Nam bộ.

Khu vực này có lưu lượng phương tiện tham gia giao thông với mật độ rất cao và là “điểm đen” tai nạn giao thông trong nhiều năm qua. Ông Lê Văn Châu, người dân ở xã Quang Trung, huyện Thống Nhất, cho hay: “Nhiều năm nay, khu vực Dầu Giây có lưu lượng xe cộ đi qua dày đặc, người dân địa phương mỗi khi qua đây không khỏi ớn lạnh. Nay cơ quan chức năng tổ chức thi công nâng cấp, mở rộng QL20, bà con huyện Thống Nhất rất vui mừng và hy vọng sẽ chấm dứt được nỗi ám ảnh về tai nạn giao thông”.

Trong khuôn khổ của dự án nâng cấp, mở rộng QL20 đoạn Dầu Giây đi Bảo Lộc, chủ đầu tư sẽ tổ chức thi công cầu vượt nút giao Dầu Giây dọc theo QL1A, cầu có 10 nhịp, mỗi nhịp dài 34,6m, chiều rộng 16m, gồm 4 làn xe. Phần nút giao được mở rộng cả trên QL1A và QL20, mở rộng các bán kính đảm bảo tốc độ cho xe đi với 60 km/giờ. Bên cạnh việc xây cầu vượt, nhà đầu tư còn mở rộng QL20 đoạn qua huyện Thống Nhất, với chiều dài 1,5km tính từ nút giao Dầu Giây về hướng TP Đà Lạt.

Phần đường này sẽ được mở rộng với chiều rộng 20,5m, với 4 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ, đồng thời xây dựng mương thoát nước dọc 2 bên và chiếu sáng đô thị có dải phân cách ở giữa đường. Tổng mức đầu tư cho toàn bộ dự án gần 300 tỷ đồng, bằng nguồn vốn dư thuộc dự án khôi phục, cải tạo QL20 đoạn Dầu Giây - Bảo Lộc. Dự kiến, nút giao Dầu Giây sẽ hoàn thành vào tháng 3-2018.

Đèo Bảo Lộc đường hẹp, quanh co nên thường xuyên gây tai nạn giao thông.

Đèo Bảo Lộc đường hẹp, quanh co  nên thường xuyên gây tai nạn giao thông.

Đường lớn đã mở

Nói về tầm quan trọng của dự án trên, tại lễ khởi công, ông Đỗ Ngọc Dũng, Tổng giám đốc CTCP BT20-Cửu Long, nhấn mạnh: Chủ đầu tư yêu cầu các đơn vị tư vấn thiết kế, các nhà thầu thi công phải cử đội ngũ tinh nhuệ nhất, trang thiết bị, máy móc tốt nhất, làm việc với tinh thần quyết liệt nhất để có thể hoàn thành công trình đúng tiến độ với chất lượng tốt nhất. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý Dự án 7, tư vấn giám sát đảm bảo thực hiện đầy đủ các quy định, nhất là công tác an toàn giao thông, vệ sinh môi trường.

Ngay những ngày đầu năm mới, tỉnh Đồng Nai đã khởi động các công trình quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đây rõ ràng là tín hiệu vui. Ông Trần Văn Vĩnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, cho biết: “Ngã tư Dầu Giây là nút giao thông huyết mạch kết nối QL20 với QL1A và đường ĐT 769. Khu vực này có lưu lượng phương tiện tham gia giao thông rất cao. Việc mở rộng QL20 đoạn đầu tuyến sẽ góp phần tích cực thúc đẩy phát triển đô thị mới huyện Thống Nhất...

Sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng cầu vượt và nút giao Dầu Giây sẽ góp phần giải quyết tình trạng ách tắc giao thông, giảm thiểu nguy cơ tai nạn giao thông trên QL1A đoạn qua tỉnh Đồng Nai. Ông Trần Văn Vĩnh cũng khuyến cáo chủ đầu tư trong quá trình xây dựng nút giao thông Dầu Giây cần có phương án thi công hợp lý đảm bảo an toàn, tránh gây ùn tắc giao thông. Các đơn vị của địa phương, Sở Giao thông - Vận tải tỉnh Đồng Nai cần phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ các đơn vị thi công để sớm đưa công trình vào sử dụng.

Sau khi khởi động dự án trên, trong năm nay, Bộ GT-VT dự kiến sẽ tiếp tục triển khai thi công tuyến cao tốc Dầu Giây - Bảo Lộc, cao tốc Biên Hòa - Phan Thiết (Bình Thuận), cao tốc Biên Hòa - Tân Thành (Bà Rịa - Vũng Tàu). Và như vậy, đường lớn đã mở - kết nối Đồng Nai với các vùng, miền của cả nước.

Các tin khác