Đi ngược xu thế phát triển

(ĐTTCO) - Nghị quyết Đại hội Đảng XII năm 2016 đã xác định kinh tế tư nhân (KTTN) là một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế. Và để thúc đẩy KTTN phát triển trong hội nhập ngày càng sâu rộng với khu vực và quốc tế, Đảng và Nhà nước đã khuyến khích hình thành các tập đoàn KTTN và tư nhân góp vốn vào các tập đoàn kinh tế nhà nước. Điều rất đáng chú ý là chủ trương khuyến khích, phát triển mạnh KTTN ở hầu hết các ngành và lĩnh vực kinh tế, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp, hình thành các tập đoàn KTTN đa sở hữu.

(ĐTTCO) - Nghị quyết Đại hội Đảng XII năm 2016 đã xác định kinh tế tư nhân (KTTN) là một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế. Và để thúc đẩy KTTN phát triển trong hội nhập ngày càng sâu rộng với khu vực và quốc tế, Đảng và Nhà nước đã khuyến khích hình thành các tập đoàn KTTN và tư nhân góp vốn vào các tập đoàn kinh tế nhà nước.

Điều rất đáng chú ý là chủ trương khuyến khích, phát triển mạnh KTTN ở hầu hết các ngành và lĩnh vực kinh tế, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp, hình thành các tập đoàn KTTN đa sở hữu.

Động lực và mục tiêu chính của quá trình tái cấu trúc nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 cũng là KTTN. Theo đó phân bổ lại nguồn lực để phát triển một cách hiệu quả, đồng thời tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, nâng cao sức cạnh tranh, nâng cao sức mạnh nội địa.

 

Bởi Việt Nam hướng tới năm 2020 có 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, chỉ tiêu về số lượng doanh nghiệp không khó nhưng để có được doanh nghiệp đủ sức cạnh tranh, hoạt động hiệu quả, bền vững rất khó.Vì thế cần sớm hình thành đội ngũ tập đoàn KTTN lớn mạnh, đóng vai trò dẫn dắt nền kinh tế trong tương lai.

Điều KTTN cần nhất là môi trường chính sách minh bạch, công bằng, bình đẳng, nhất là quyền tự do kinh doanh, tự do cạnh tranh, quyền tài sản và quyền tiếp cận các nguồn lực phải được bảo đảm bằng luật pháp và được thi hành nghiêm túc. Luật pháp phải rõ ràng, minh bạch, nhất quán, đồng bộ, ổn định và khả thi.

Rõ ràng, vai trò của KTTN là không thể phủ nhận trong phát triển đất nước. Chính vì vậy, việc Bộ Công Thương đưa ra dự thảo nghị định về danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại đã tạo sự phân biệt giữa khu vực tư nhân và Nhà nước. Nhìn vào danh mục, có thể thấy những lĩnh vực không cần thiết phải độc quyền nhà nước.

Thí dụ nhập khẩu thuốc lá điếu, xì gà; quản lý, khai thác hệ thống công trình thủy lợi; xuất bản… Thật khó hình dung tại sao những lĩnh vực này lại cần thiết phải độc quyền nhà nước. Chưa kể, theo Luật Dân sự 2015, quyền dân sự chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.

Như vậy, để hạn chế quyền của người dân thì sẽ thực hiện theo luật. Không những vậy, một số lĩnh vực như dự trữ quốc gia, sản xuất vàng miếng… đã được đưa vào danh mục kinh doanh có điều kiện.

Do đó, dù là quy định chi tiết Luật Thương mại 2005 nhưng danh mục này đã gây ra các phản ứng từ giới chuyên gia. TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, bức xúc tên của dự thảo nghị định đã phản thị trường, cản trở cạnh tranh và không cần thiết có một nghị định để nói lĩnh vực Nhà nước độc quyền. Những quy định trong luật đã lỗi thời phải loại bỏ, phải thay đổi bởi đi ngược xu thế phát triển.

Ông Đào Huy Giám, Tổng Thư ký Diễn đàn KTTN, cho rằng việc cơ quan quản lý dự kiến cho ra đời nghị định về độc quyền nhà nước là vấn đề cần hết sức lưu ý và các hiệp hội, doanh nghiệp cần có đóng góp về vấn đề này. Tại sao thời điểm này lại định cho ra đời nghị định như vậy? Tại sao đặt vấn đề độc quyền nhà nước mà không đề cập đến độc quyền tư nhân? Doanh nghiệp tư nhân nghiên cứu, sáng chế ra những sản phẩm mà họ muốn độc quyền thì ra sao?

Trong khi Chính phủ đang đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp, hướng đến Chính phủ kiến tạo, thúc đẩy quyền tự do kinh doanh, việc xuất hiện một dự thảo nghị định như vậy khó tạo sự đồng thuận của người dân, doanh nghiệp. Khu vực KTTN vốn đang chật vật để kinh doanh, tồn tại, việc khoanh vùng những lĩnh vực Nhà nước, doanh nghiệp nhà nước làm sẽ chỉ càng làm cho khu vực KTTN cảm thấy mình bị phân biệt đối xử, không tạo sự cạnh tranh.

Chính phủ đang nỗ lực sắp xếp, giảm số lượng doanh nghiệp nhà nước, thu gọn ngành nghề cần nắm giữ 100%; khuyến khích khu vực ngoài nhà nước bỏ vốn vào đầu tư kinh doanh… Vì vậy, cơ quan quản lý cần hướng nhiều hơn sự quan tâm  trong việc tạo môi trường minh bạch, tăng cạnh tranh lành mạnh cho các thành phần kinh tế.

Các tin khác