Cần hỗ trợ cho cá nhân vay kinh doanh

(ĐTTCO) - Theo Thông tư 39 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) các đối tượng không phải là pháp nhân như hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân… sẽ không được vay vốn tại tổ chức tín dụng (TCTD). Nhưng NHNN cũng cho biết cá nhân được vay vốn cho nhu cầu sử dụng vốn của hộ kinh doanh, doanh nghiệp (DN) tư nhân do chính cá nhân là chủ hộ kinh doanh hoặc chủ DN tư nhân. Tuy nhiên, điều các hộ kinh doanh lo ngại là lãi suất sẽ áp dụng như thế nào.

(ĐTTCO) - Theo Thông tư 39 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) các đối tượng không phải là pháp nhân như hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân… sẽ không được vay vốn tại tổ chức tín dụng (TCTD). Nhưng NHNN cũng cho biết cá nhân được vay vốn cho nhu cầu sử dụng vốn của hộ kinh doanh, doanh nghiệp (DN) tư nhân do chính cá nhân là chủ hộ kinh doanh hoặc chủ DN tư nhân. Tuy nhiên, điều các hộ kinh doanh lo ngại là lãi suất sẽ áp dụng như thế nào.

Xác định đối tượng theo thông lệ quốc tế

Cho vay hộ kinh doanh là một sản phẩm khá phổ biến tại các ngân hàng thương mại (NHTM) trong những năm gần đây. Để đưa vốn đến các hộ kinh doanh, nhiều NH đã xây dựng sản phẩm đặc thù theo địa bàn, thâm nhập các chợ truyền thống để tiếp cận các hộ kinh doanh, tiểu thương triển khai các chương trình cho vay, như SHB cho vay hộ kinh doanh tại chợ Bình Điền, chợ Đồng Xuân.

Hay OCB đầu tư vào chợ Bạc Liêu mới, bên cạnh việc tài trợ vốn để chủ đầu tư triển khai dự án, NH còn cho tiểu thương vay vốn để thuê sạp kinh doanh tại chợ với hạn mức lên đến 200-300 triệu đồng. Sacombank cho vay tiểu thương chợ với hạn mức lên đến 500 triệu đồng, phương thức vay trả góp vốn lãi chia đều, tài sản bảo đảm là quyền sử dụng sạp Sacombank ký hợp đồng liên kết với ban quản lý chợ. Tại TPHCM, ban quản lý một số chợ cũng chủ động kết nối với các NH để dẫn dòng tín dụng vào cho tiểu thương vay vốn thuê quầy sạp.

Theo kiến nghị của VCCI Với nhóm đối tượng chưa đủ điều kiện chuyển đổi mô hình kinh doanh, NHNN cần có những quy định, hướng dẫn ưu tiên liên quan đến việc cá nhân vay vốn kinh doanh, tách biệt với vay vốn tiêu dùng để áp dụng một mức lãi suất phù hợp, tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh có vốn để làm ăn.

Mặc dù nguồn vốn đã giải ngân cho nhóm khách hàng này của các NH chưa phải là lớn so với khách hàng doanh nghiệp hay khách hàng cá nhân, nhưng cũng đã hỗ trợ được không ít tiểu thương, hộ gia đình có vốn kịp thời để phát triển kinh doanh. Vì vậy, những thông tin ban đầu về việc hộ kinh doanh không được vay vốn đã gây ra lo ngại về việc tiếp cận vốn để kinh doanh của nhóm khách hàng này.

Trước vấn đề này, NHNN đã có thông báo để nói thêm cho rõ. Cụ thể, theo quy định tại Quyết định 1627/2001/QĐ-NHNN, chủ thể được vay vốn bao gồm tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài, bao gồm cá nhân, hộ gia đình, DN tư nhân, tổ hợp tác và các tổ chức khác có năng lực pháp luật dân sự.

Trong khi đó, trên cơ sở của Bộ Luật Dân sự 2015 quy định về chủ thể (chỉ bao gồm cá nhân, pháp nhân), Thông tư 39 quy định chủ thể vay vốn chỉ bao gồm cá nhân Việt Nam, cá nhân có quốc tịch nước ngoài, pháp nhân thành lập và hoạt động tại Việt Nam, pháp nhân thành lập ở nước ngoài và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.

Như vậy, theo quy định tại Bộ Luật Dân sự 2015 và Thông tư 39/2016/TT-NHNN, tổ chức không có tư cách pháp nhân sẽ không đủ tư cách chủ thể vay vốn như hộ gia đình, tổ hợp tác, hộ kinh doanh, DN tư nhân... Thông tư 39/2016/TT-NHNN cũng quy định cá nhân được vay vốn cho nhu cầu sử dụng vốn của hộ kinh doanh, DN tư nhân do chính cá nhân là chủ hộ kinh doanh hoặc chủ DN tư nhân.

Theo luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico, theo thông lệ quốc tế, chủ thể pháp luật dân sự bao gồm cá nhân và pháp nhân. Còn các đối tượng như hộ gia đình, tổ hợp tác, hộ kinh doanh là nhóm cá nhân nên Bộ Luật Dân sự 2015 đã xóa chủ thể này.

Quy định trên của Thông tư 39 chỉ nhằm xác định lại đối tượng vay vốn NH gồm pháp nhân và cá nhân theo thông lệ chung. Tuy nhiên, nguồn vốn NH phục vụ cho đối tượng này cũng không bị gián đoạn, bởi từ ngày 15-3, các đối tượng trên sẽ giao dịch với NH với tư cách cá nhân thay vì hộ kinh doanh như trước đây.

Lo lãi suất bằng lãi vay tiêu dùng

Nhận định về quy định này, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính NH, cho rằng cần thiết điều chỉnh nhằm giảm thiểu rủi ro tín dụng và dễ dàng giải quyết nếu xảy ra tranh chấp tín dụng. Nếu cho vay hộ kinh doanh đồng nghĩa với việc cả hộ gia đình phải chịu trách nhiệm đối với khoản vay, nay quy định lại đối tượng vay sẽ làm rõ trách nhiệm pháp lý và đối tượng chịu trách nhiệm đối với các khoản vay vốn NH.

Đồng tình với quan điểm này, tổng giám đốc một NHTMCP cho rằng quy định hộ kinh doanh không được vay vốn là hợp lý, vì mỗi hộ kinh doanh đều có chủ kinh doanh, do đó chủ đại diện này có thể đứng ra vay vốn NH. Điều này sẽ tránh được việc các bên gặp khó khăn nếu xảy ra tranh chấp, kiện tụng vì hộ kinh doanh không có tư cách pháp nhân.

 

Vấn đề còn lại là mối lo về lãi suất. Theo nhiều chuyên gia, trước nay, các NH vẫn cung cấp tín dụng cho các hộ kinh doanh và áp dụng lãi suất dành cho sản xuất kinh doanh thông thường, có thể cao hơn so với các DN do hạn mức tín nhiệm nhưng cũng không chênh lệch quá cao. Nhưng nếu vay với tư cách cá nhân, những đối tượng này có thể sẽ chịu lãi suất vay tiêu dùng.

Mức chênh lệch này sẽ rất lớn trong khi lợi nhuận của nhóm khách hàng này lại nhỏ, giảm động lực vay vốn kinh doanh. Đó là vấn đề các NH cần cân nhắc, tính toán nếu muốn mở rộng cho vay đối với khách hàng cá nhân vay vốn kinh doanh.

Số liệu từ Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết hiện cả nước có khoảng trên 5,6 triệu hộ kinh doanh phi chính thức và chính thức chưa phải là DN. Các hộ kinh doanh này chủ yếu sử dụng vốn tự có, vay mượn gia đình, bạn bè. Vài năm gần đây, khi đầu ra tại các NH hạn hẹp hơn, nhóm đối tượng này mới được chú ý nhiều, được hưởng một số ưu tiên về vốn, lãi suất.

Nhưng sắp tới, điều kiện tiếp cận vốn vay sẽ khó khăn hơn. Trong bối cảnh đó, những hộ kinh doanh có quy mô lớn sử dụng thường xuyên từ 10 lao động trở lên, hộ kinh doanh trong ngành, nghề dịch vụ may mặc, ăn uống, hộ kinh doanh trong các ngành nghề khác nhưng thường xuyên sử dụng hóa đơn hoặc nộp thuế khoán từ 20 triệu đồng/tháng trở lên, nên xem xét chuyển đổi mô hình kinh doanh thành DN, sẽ dễ dàng hơn khi vay vốn NH, cũng như huy động sự tham gia góp vốn của các tổ chức, cá nhân khác.

Các tin khác