Lãi vay tiêu dùng của CTTC

Thỏa thuận nhưng cần khống chế

(ĐTTCO)- NHNN vừa ban hành Thông tư 43/2016/TT-NHNN quy định cho vay tiêu dùng (VTD) của công ty tài chính (CTTC), có hiệu lực thi hành từ 15-3-2017. Với một số điểm mới, Thông tư 43 sẽ giải quyết những vấn đề đang tồn tại trong lĩnh vực cho VTD. Tuy nhiên, riêng về lãi suất cho VTD, nhiều ý kiến cho rằng bên cạnh việc áp dụng lãi suất thỏa thuận, cần đưa ra tiêu chí xác định mức khống chế để giảm thiểu rủi ro cho người vay.

(ĐTTCO)- NHNN vừa ban hành Thông tư 43/2016/TT-NHNN quy định cho vay tiêu dùng (VTD) của công ty tài chính (CTTC), có hiệu lực thi hành từ 15-3-2017. Với một số điểm mới, Thông tư 43 sẽ giải quyết những vấn đề đang tồn tại trong lĩnh vực cho VTD. Tuy nhiên, riêng về lãi suất cho VTD, nhiều ý kiến cho rằng bên cạnh việc áp dụng lãi suất thỏa thuận, cần đưa ra tiêu chí xác định mức khống chế để giảm thiểu rủi ro cho người vay.

Định hướng cho VTD

Tại Thông tư 43, khái niệm cho VTD được xác định cụ thể: CTTC cho vay bằng VNĐ; khách hàng vay là cá nhân có nhu cầu mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ, như phương tiện đi lại, đồ dùng, trang thiết bị gia đình, chi phí học tập, chữa bệnh, du lịch, sửa chữa nhà ở… Tổng dư nợ cho VTD đối với 1 khách hàng tại CTTC đó không vượt quá 100 triệu đồng, trừ trường hợp cho VTD để mua ô tô và sử dụng ô tô đó làm tài sản bảo đảm cho chính khoản vay đó theo quy định của pháp luật. Đối với tín dụng tiêu dùng, xét về hạn mức cho vay các CTTC sẽ không chịu ảnh hưởng lớn.

Thí dụ, FE Credit đang cho vay tiền mặt với hạn mức cao nhất 70 triệu đồng, thẻ tín dụng 30-60 triệu đồng. Trong khi Home Credit cho vay tối đa 60 triệu đồng. Còn HDSaison cho vay để mua xe máy, mô tô, ô tô, xe tải nhẹ, điện thoại, laptop, máy tính bảng, điện máy, gia dụng, nội thất và dịch vụ khác như du lịch, học tập, tiệc cưới… cũng không quá mức 100 triệu đồng.

Với hạn mức cho VTD tối đa 100 triệu đồng, so với không quá 10 triệu đồng theo dự thảo lần 2 thông tư về cho VTD, các CTTC sẽ có thêm điều kiện để mở rộng hạn mức cho vay trong thời gian tới. Với mức này, các CTTC cũng đã được định hướng chỉ được phép tập trung vào những khoản vay có giá trị nhỏ, phục vụ nhu cầu tiêu dùng, mua sắm, khống chế những khoản vay lớn để  đầu tư bất động sản nhằm hạn chế rủi ro.

Bởi cuối năm ngoái, Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia đã cảnh báo vấn đề liên quan đến tín dụng tiêu dùng cho bất động sản tăng chậm lại, song hình thái tín dụng bất động sản đang có sự dịch chuyển sang tín dụng tiêu dùng. Cụ thể, tín dụng bất động sản ước tăng 12,5% so với cuối năm 2015, thấp hơn nhiều so với mức 28,3% của năm 2015, trong khi tín dụng tiêu dùng tăng đến 39%, trong đó gần 50% vốn vay tập trung vào lĩnh vực bất động sản.

Quy định lãi suất cho VTD của các CTTC được mở, nhưng cần có mức khống chế lãi suất.

Quy định lãi suất cho VTD của các CTTC được mở, nhưng cần có mức khống chế lãi suất.

Cần chế tài

Năm ngoái, đã có khá nhiều ý kiến liên quan về vấn đề lãi suất cho vay của các TCTD sẽ chịu sự điều chỉnh của Bộ Luật Dân sự năm 2015 hay Luật TCTD năm 2010 được đưa ra. Bởi trong Luật TCTD năm 2010 quy định TCTD và khách hàng được thỏa thuận về lãi suất trong hợp đồng tín dụng, song lại giới hạn theo quy định của pháp luật, tức có thể hiểu phải theo quy định của Bộ Luật Dân sự năm 2015.

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 468 Bộ Luật Dân sự năm 2015, các CTTC sẽ gặp khó khăn vì quy định mức lãi suất vay tiền theo thỏa thuận nhưng không được vượt quá 20%/năm. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất, thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại thời điểm trả nợ, tức chỉ 10%/năm.

Hiện lãi suất cho vay của các NHTM đều không quá 20%/năm, chỉ lãi suất cho vay thông qua thẻ tín dụng phổ biến trong khoảng 20-35%/năm, trong khi lãi suất cho VTD của các CTTC phổ biến ở mức 35-40%/năm. Như vậy, sau Thông tư 43, các CTTC có thể trút được mối lo vi phạm quy định về lãi suất.

Tuy nhiên, với Thông tư 43 giúp các CTTC gỡ bỏ được gánh nặng, thì ngược lại người đi vay cảm thấy lo ngại về lãi suất của tín dụng tiêu dùng. Những năm qua, lãi suất cho vay tại các NHTM đã giảm khá mạnh theo định hướng của NHNN, nhưng lãi suất VTD vẫn không có nhiều thay đổi.

Trong Thông tư 43, NHNN cho phép áp dụng lãi suất thỏa thuận với khách hàng nhưng cũng yêu cầu CTTC ban hành quy định về khung lãi suất cho VTD áp dụng thống nhất trong toàn hệ thống ở từng thời kỳ, trong đó bao gồm mức lãi suất cho vay cao nhất, mức lãi suất cho vay thấp nhất đối với từng sản phẩm cho VTD, song không đưa ra một mức khống chế về lãi suất.

Trên thực tế, do ở thế bị động cần tiền, người đi vay luôn tự nguyện đồng ý lãi suất CTTC đưa ra. Trong khi đó, các CTTC đều cho rằng không thể đánh đồng lãi suất cho VTD với hình thức tín chấp đối với lãi suất cho vay của các NHTM. Nguyên nhân vì chi phí đầu vào của CTTC cao hơn NHTM, lãi suất cho vay tỷ lệ thuận với mức độ rủi ro của các khoản vay dựa trên uy tín cá nhân, không có tài sản thế chấp, giá trị khoản vay nhỏ và kỳ hạn ngắn làm gia tăng chi phí quản lý, phục vụ và đòi nợ…

Do đó, lãi suất của các CTTC luôn áp dụng ở mức cao gấp 2-3 lần lãi suất của các NHTM. Đáng nói hơn, một số sản phẩm còn áp dụng lãi suất lên đến 50-60%/năm.

Nhận định về vấn đề này, một chuyên gia tài chính cho rằng NHNN cho phép các CTTC áp dụng lãi suất thỏa thuận, song cũng cần định hướng thông qua việc ban hành tiêu chí xác định lãi suất dựa trên mức độ tín nhiệm của khách hàng cũng như mức khống chế, chế tài xử phạt nếu vượt khung.

Chẳng hạn đối với lãi suất VTD, có thể phân loại mức bình thường đối với khách hàng tín nhiệm là 20%/năm, mức độ rủi ro thấp áp dụng lãi suất 30%/năm, thậm chí có thể lên đến 50%/năm nếu rủi ro quá cao, song cũng không thể đẩy lên cao hơn mức này. Việc khống chế về lãi suất phù hợp kèm theo những quy định cụ thể xử phạt gian lận trong lãi suất sẽ cân bằng lợi ích các bên, giảm thiểu rủi ro cho người vay.

Các tin khác