Kỳ vọng bước chuyển tích cực

(ĐTTCO)- Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Nghị quyết 19 năm 2017 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020. Đây là năm thứ tư liên tiếp, Nghị quyết 19 được ban hành kể từ năm 2014.

(ĐTTCO)- Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Nghị quyết 19 năm 2017 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020. Đây là năm thứ tư liên tiếp, Nghị quyết 19 được ban hành kể từ năm 2014.

Điểm khác biệt của Nghị quyết 19 năm 2017 là việc giao 250 chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể cho các bộ ngành, địa phương. Trong đó, nghị quyết nêu rõ nhiệm vụ của các bộ, ngành liên quan trong việc chịu trách nhiệm chủ trì xử lý, tham gia phối hợp thực hiện ở từng công đoạn cụ thể. Từng chỉ tiêu này đều nêu rõ điểm số, thứ hạng và mục tiêu cần đạt được.

 

Khác với các Nghị quyết 19 trước cũng nêu trách nhiệm của các bộ ngành liên quan, nhưng không chỉ rõ phải làm khâu nào, công đoạn nào, Nghị quyết 19/2017 chỉ ra rất rõ ràng. Thí dụ, chỉ số khởi sự kinh doanh của Việt Nam đang đứng thứ 121 toàn cầu, mục tiêu 2017 phải về hạng 70 và tới 2020 xếp thứ 50.

Thí dụ, chỉ số khởi sự kinh doanh của Việt Nam đang đứng thứ 121 toàn cầu, mục tiêu 2017 phải về hạng 70 và tới 2020 xếp thứ 50.

Bộ Kế hoạch - Đầu tư chủ trì, nhưng việc đơn giản hóa thủ tục nộp lệ phí môn bài do Bộ Tài chính thực hiện, rút ngắn thời gian trình việc sử dụng lao động do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thực hiện; đơn giản hóa thủ tục mở tài khoản ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước thực hiện…

Điểm mới nữa là Nghị quyết 19/2017 có cách tiếp cận mở rộng, toàn diện và bao trùm hơn về môi trường kinh doanh (theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới); năng lực cạnh tranh quốc gia (theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế Thế giới); đổi mới sáng tạo (theo đánh giá của Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới WIPO); Chính phủ điện tử (theo đánh giá của Liên hiệp quốc).

Đặc biệt, Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hội Luật gia cùng các hiệp hội doanh nghiệp được giao nhiệm vụ khảo sát độc lập đánh giá về chất lượng thủ tục hành chính, đưa ra các khuyến nghị với Chính phủ và nghiên cứu xếp hạng tín nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp với các bộ, ngành, địa phương; tổ chức thu thập ý kiến phản biện chính sách, những vướng mắc khó khăn trong thực hiện thủ tục hành chính…

Những điểm thay đổi trong Nghị quyết 19/2017 rất được chú ý. Bởi lẽ, quá trình thực hiện Nghị quyết 19 trong 3 năm 2014 -2016 dù một số bộ, ngành, địa phương đã vào cuộc quyết liệt, nhưng theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, vẫn còn khoảng cách từ văn bản đến thực tế. Dù hầu hết chỉ số về môi trường kinh doanh của Việt Nam được cải thiện, nhưng các nước khác cải cách nhanh hơn rất nhiều, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa, đặc biệt là khâu thực hiện ở địa phương.

Phó Thủ tướng nêu thí dụ: “Về thuế, chúng ta cải cách cơ bản trên văn bản nhưng thực thi còn khoảng cách và để văn bản xuống đến thực tế, cần các sở, ngành, địa phương vào cuộc cùng Trung ương. Hay trong khởi sự kinh doanh, đăng ký doanh nghiệp theo văn bản quy định 3 ngày nhưng khảo sát thực tế ở địa phương lên đến 5 ngày. Rõ ràng mức độ vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương còn khác nhau”.

Đánh giá về Nghị quyết 19/2016, Bộ Kế hoạch - Đầu tư cũng từng nhận định, nghị quyết đã đạt được một số kết quả về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Tuy vậy, vẫn còn khoảng cách khá xa giữa nghị quyết và việc thực thi; trên thực tế vẫn  còn nhiều rào cản, gây trở ngại cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là những quy định về điều kiện kinh doanh, quản lý chuyên ngành.

Tại cuộc họp chuẩn bị cho hội nghị lần thứ 2 của Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp tới đây, khi đánh giá về việc thực thi Nghị quyết 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, tóm lại bằng một ý “nóng trên, lạnh dưới”, và cho đây là thách thức lớn nhất hiện nay. Tinh thần hừng hực cải cách của Chính phủ, một số bộ, ngành chưa chuyển được xuống cấp cơ sở, các cán bộ công chức làm việc hàng ngày với người dân và doanh nghiệp. Hay dù nhiều địa phương, bộ, ngành đã có chương trình hành động, tạo chuyển biến rất tích cực, nhưng cũng có những nơi rất nguội lạnh.

Rõ ràng, việc giao chỉ tiêu, nhiệm vụ và trách nhiệm cụ thể của bộ, ngành trong việc triển khai các nhiệm vụ trọng tâm để cải thiện môi trường kinh doanh được kỳ vọng sẽ làm chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa môi trường kinh doanh của Việt Nam.

Các tin khác